Độc chiêu của hãng Qantas

VH- Cuộc đấu tranh giữa các tổ chức công đoàn và Hãng hàng không Qantas ở Australia đã kết thúc với việc tòa án can thiệp buộc Qantas phải tiếp tục bay và công đoàn ngừng đấu tranh.

Trong khi đình công là phương thức đấu tranh lao động phổ biến của các tổ chức công đoàn thì việc Qantas cho ngừng tất cả các chuyến bay nội địa cũng như quốc tế lại là chuyện chưa từng thấy trong thế giới hàng không.

Biện pháp đó của hãng này không chỉ động chạm đến chuyện cơm áo gạo tiền của những người tham gia đình công, mà ảnh hưởng trực tiếp và trước hết đến hàng chục ngàn hành khách người Australia và nước ngoài bị kẹt ở sân bay suốt mấy ngày liền. Độc quyền của Qantas đã giúp hãng hàng không này biến chính những thượng đế của họ thành con tin trong cuộc đấu tranh với các tổ chức công đoàn.

Phán quyết của tòa án không cho phép các tổ chức công đoàn tiến hành đình công trong tương lai để đòi trả lương cao hơn, đảm bảo công ăn việc làm khi tiến hành đàm phán hợp đồng lao động mới. Đối với Qantas, tòa chỉ buộc hãng hàng không này phải nối lại ngay các chuyến bay. Vì thế, Qantas coi phán xử này của tòa là một thắng lợi quan trọng. Có thể nói độc chiêu của Qantas là gây áp lực đối với chính phủ để rồi tòa án phải can thiệp vào cuộc đối đầu giữa hãng này với các tổ chức công đoàn.

Qantas là hãng hàng không lớn nhất trong số 4 hãng hàng không quốc gia của Australia. Quyết định ngừng bay của Qantas ảnh hưởng tới hoạt động của 108 chiếc máy bay trên gần 600 chuyến bay đến 22 quốc gia khác trên thế giới.

Cuộc đấu tranh lao động giữa giới chủ và các tổ chức công đoàn bao gồm các thành viên là phi công, kỹ sư cơ khí hàng không, nhân viên phục vụ và dịch vụ mặt đất... bùng nổ từ hồi tháng 8 vừa qua khi Qantas công bố kế hoạch đối phó với kinh doanh thua lỗ bằng cắt giảm khoảng 1.000 trong tổng số 32.500 chỗ làm việc ở Australia và xây dựng mạng lưới cơ sở kinh doanh mới ở châu Á.

Việc Qantas ngừng bay đã khiến hơn 70 ngàn hành khách bị kẹt ở các sân bay, gây thiệt hại cho hãng này khoảng 75 triệu USD. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, Qantas là hãng hàng không lớn thứ 10 thế giới về số cây số bay vận chuyển hành khách.

Đấu tranh lao động giữa giới chủ và các tổ chức công đoàn của người lao động vốn vẫn thường xảy ra ở các nền kinh tế. Nhưng việc sử dụng vị thế độc quyền để gây áp lực với cả chính phủ lẫn các tổ chức công đoàn như Qantas mới đây là chuyện rất hiếm thấy cả ở trên thế giới. Độc chiêu này cũng không hẳn chỉ có lợi cho Qantas. Cứ cho là Qantas đạt được mục tiêu trong lần đấu tranh lao động này với các tổ chức công đoàn thì uy tín của hãng trên thế giới cũng đã bị tổn hại.

Khách hàng của Qantas không dễ dàng chấp nhận việc họ bị hãng sử dụng như công cụ và con tin để gây áp lực đối với các tổ chức công đoàn và cả Chính phủ ở Australia. Mất khách hàng ảnh hưởng tiêu cực không chỉ tới chính hãng này, mà còn tới cả các đối tác trong nước và quốc tế của hãng cũng như tới cả ngành công nghiệp hàng không và du lịch của Australia.

Cả sự can thiệp như vậy của tòa án cũng tạo tiền lệ có lợi cho giới chủ và chỉ đưa lại giải pháp nhất thời cho cuộc đấu tranh lao động này, đồng thời gây nguy cơ nảy sinh nhiều vấn đề khác về pháp lý và xã hội ở Australia.

K.Khanh-Hà Phương

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/quocte/40406.vho