Doanh thu: Phim dở, phim thất bại vẫn luôn áp đảo?

Tình trạng chung của phim là những tác phẩm nghệ thuật thì thường đòi hỏi trình độ thưởng thức cao hơn, kén người xem, doanh thu thấp còn những tác phẩm dễ xem, dễ hiểu, dễ đông khán giả, dễ đạt doanh thu cao thì thường chất lượng chỉ ở mức bình thường, phổ thông, đại chúng, thậm chí là phim thị trường.

Tương quan

Tất nhiên có những tác phẩm vừa có chất lượng nội dung và nghệ thuật tốt vừa đạt hiệu quả thương mại cao. Ở Mỹ, số này cũng không nhiều. Tiêu biểu là "Titanic" -James Cameron đạt hơn 2,2 tỷ đô, "Joker"- Todd Phillips đạt hơn 1 tỷ đô, "Oppenheimer" - Christopher Nolan đạt 952 triệu đô, "Bohemian Rhapsody" - Bryan Singer đạt 911 triệu đô, "Saving the private Ryan" - Steven Speiberg đạt 482 triệu đô, "A star is born" - Bradley Cooper đạt 436 triệu đô... hay các loạt phim "Harry Porter", "Lord of the rings" hoặc phim "Cuốn theo chiều gió" - Victor Fleming... Chúng đồng thời đều là các nhân tố nổi bật tại các giải thưởng điện ảnh uy tín.

“Nomadland” - bộ phim hay nhất Oscar 2021 có doanh thu... thấp nhất lịch sử.

Ở Việt Nam, có thể kể đến "Nhà bà Nữ" - Trấn Thành đạt 460 tỷ đồng, "Bố già" - Trấn Thành đạt 395 tỷ đồng, "Hai Phượng" - Lê Văn Kiệt" đạt gần 200 tỷ đồng, "Cua lại vợ bầu" - Nhất Trung có Trấn Thành đóng chính đạt 192 tỷ đồng, "Em là bà nội của anh" - Phan Gia Nhật Linh đạt 102 tỷ đồng, "Em và Trịnh" - Phan Gia Nhật Linh đạt 98 tỷ đồng, "Chàng vợ của em" - Charlie Nguyễn đạt 86 tỷ đồng, "Quả tim máu" - Victor Vũ đạt 85 tỷ đồng, "Lật mặt: Ba chàng khuyết" - Lý Hải đạt 85 tỷ đồng, "Bẫy ngọt ngào" - Đinh Hà Uyên Thư đạt 85 tỷ đồng, "Tháng năm rực rỡ" - Nguyễn Quang Dũng đạt 84 tỷ đồng, "Con Nhót mót chồng" - Vũ Ngọc Đãng gần 80 tỷ đồng, "Chị chị em em" - Kathy Uyên 71 tỷ, "Ròm" - Trần Dũng Thanh Huy đạt 64 tỷ đồng, "Gái già lắm chiêu: Những cuộc đời vương giả" - Nam Cito - Bảo Nhân đạt 55 tỷ đồng. Những tác phẩm này ngoài thắng lợi tại phòng vé còn đồng thời nhiều lần được xướng tên tại các giải thưởng điện ảnh và nhận đánh giá tích cực của giới chuyên môn.

Lâu nay, điện ảnh Việt bị một bộ phận lớn công chúng kỳ thị là kém phát triển, toàn phim rác, không đáng xem. Liệu nhận xét đó có thật công bằng?

Điện ảnh Mỹ giỏi PR

Ở dòng phim thương mại, những tác phẩm bom tấn của Hollywood khuynh đảo thị trường toàn cầu, bằng việc vươn tay chiếu rạp tại hầu khắp các quốc gia, trở nên phổ biến, quen thuộc với khán giả đại chúng khắp thế giới.

Ở dòng phim nghệ thuật, vào mùa giải cuối năm, các giải thưởng từ nhỏ và vừa như giải của các hiệp hội nghề nghiệp hay hiệp hội phê bình ở các địa phương cho đến những giải lớn như Quả cầu Vàng rồi Oscar lần lượt công bố các đề cử, tạo nên một cuộc điểm danh toàn cảnh những tác phẩm chất lượng nhất trong năm.

Năm 2023 vừa qua, nếu kể đến những thành tựu thương mại, bạn sẽ dễ dàng điểm danh những cái tên đình đám như "Barbie", "The super Mario Bros", "Spiderman: Across the spider verse", "Guardians of Galaxy vol 3", "Little Mermaid", "Ant-man", "John Wick", "Indiana Jones and the Dial of destiny", "Mission Impossible: Dead rekoning Part 1" hay "The hunger games: The ballad of songbirds and snakes"...

Còn nếu là dân mê phim, hẳn bạn cũng không khó khăn gì khi điểm danh loạt tác phẩm Hollywood nổi bật tại các giải thưởng và đang cạnh tranh trên đường đua Oscar sắp tới như "Killers of the flower moon" - Martin Scorsese, "Oppenheimer" - Christopher Nolan, "The holdovers" - Alexandre Payne, "Poor things"- Yorgos Lanthimos, "Maestro" - Bradley Cooper, "May December" - Todd Haynes, "Saltburn" - Emerald Fennell, "American Fiction" - Cord Jefferson, "Nyad" - Jimmy Chin/Elizabeth Chai, "Air" - Ben Affleck...

Thoạt nhìn thì thế, rằng Hollywood mặt nào cũng giỏi. Phim thương mại thì đình đám, ăn khách với những con số doanh thu toàn trăm triệu đô đến tỷ đô, còn phim nghệ thuật cũng hàng loạt phim danh tiếng, chất lượng, chinh phục người xem khó tính, có gu.

Thực tế, thị trường phim Hollywood không hề màu hồng như vậy. Người Mỹ quá giỏi truyền thông, để khuếch trương tất cả những thành tựu điện ảnh của mình, người làm phim và nghệ sĩ ở Mỹ được bệ đỡ rất lớn: Từ vị thế quốc gia số 1 hành tinh, từ nền báo chí phê bình uy tín, phát triển có ảnh hưởng toàn cầu và từ những thiết chế điện ảnh ưu việt như hệ thống các liên hoan phim quốc tế, các giải thưởng điện ảnh quốc nội.

Nếu 2 nghệ sĩ, 2 nhà làm phim một ở Việt Nam một ở Mỹ và tài năng ngang nhau, thì tất nhiên, diễn viên hay đạo diễn người Mỹ kia sẽ có danh tiếng tầm quốc tế, người hâm mộ khắp toàn cầu còn diễn viên, đạo diễn Việt Nam kia chỉ đủ nổi danh trong biên giới quốc gia, đến ngay các khán giả Đông Nam Á có khi cũng chẳng quen mặt.

Âu cũng là cái thiệt thòi của người Việt, không chỉ là thiệt thòi riêng của giới làm nghề điện ảnh mà còn giới làm nghệ thuật nói chung hay tất cả các lĩnh vực khác.

Thực tế Hollywood: không hề như mơ

Số liệu công khai từ trang Box Office Mojo - website thống kê tình hình phim chiếu rạp và doanh thu phim chiếu rạp của thị trường điện ảnh Mỹ cho biết: Năm 2015: 845 phim; Năm 2016: 855 phim; Năm 2017: 854 phim; Năm 2018: 993 phim; Năm 2019: 910 phim; Năm 2020: 456 phim; Năm 2021: 440 phim; Năm 2022: 498 phim; Năm 2023: 587 phim

Năm 2023, điện ảnh Mỹ đạt tổng doanh thu nội địa là 9 tỷ đô la. Tuy nhiên, Chỉ có 2 tác phẩm có doanh thu nội địa trên 500 triệu đô la. Chỉ có 42 bộ phim ra mắt trong năm đạt mức doanh thu nội địa từ 100 triệu đô la trở lên. Số phim đạt tổng doanh thu nội địa từ 50 triệu đô la trở lên cũng chỉ vỏn vẹn 71 phim. Số lượng phim đạt mức doanh thu 5 triệu đô la trở lên chỉ là 169 phim. Điều ấy đồng nghĩa với việc 418 phim có tổng thu dưới 5 triệu đô, tương đương 120 tỷ đồng, là mức mà khá nhiều phim Việt đạt được.

Năm vừa qua, Mỹ có đến 200 bộ phim có doanh thu dưới 100.000 đô la, tương đương chưa đến 2,5 tỷ đồng Việt Nam. Đây là con số "lỗ chổng vó" ngay cả ở Việt Nam, nơi mà kinh phí cho một bộ phim bây giờ thông thường cũng đã là 8-10 tỷ đồng. Ở Mỹ, doanh thu 100.000 USD này phải gọi là phá sản toàn tập.

Tại Mỹ hàng năm trước dịch COVID-19 trung bình có 800 - 900 bộ phim xuất xưởng, sau dịch con số này giảm xuống dưới 600 phim mỗi năm. Vậy mà, số lượng các bộ phim được điểm danh trong các giải thưởng quốc gia lớn nhỏ chỉ khoảng 30 phim, bao gồm cả những phim nhiều đề cử cho đến những phim chỉ có 1-2 đề cử cá nhân.

Tóm lại, phóng tay, điện ảnh Mỹ có khoảng 50 phim nghệ thuật chất lượng nổi tiếng mỗi năm, cộng với khoảng 150 phim thương mại thành công, tổng cộng khoảng 200 phim để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Vậy thì mỗi năm tồn tại khoảng 600 - 700 phim bị rơi vào quên lãng, trên mọi phương diện!

Một tỷ lệ đáng sợ đấy chứ?

Điện ảnh Việt tệ đến đâu?

Vậy thì, có khắt khe và phiến diện không khi chúng ta có thái độ bi quan, tiêu cực khi nhìn nhận về điện ảnh Việt - nơi mà gạn đục khơi trong, ta luôn có thể tìm thấy nhiều bộ phim tốt, và tỷ lệ phim thắng doanh thu cũng khá khả quan.

Theo quan sát của tôi, một người theo dõi điện ảnh Việt lâu năm thì tỷ lệ phim Việt dở không đến nỗi đáng quan ngại lắm, tỷ lệ phim hay khá ổn. Vấn đề khiến quá nhiều người dễ dàng buông những câu kết luận xanh rờn, chắc nịch kiểu "điện ảnh Việt toàn phim dở", "xem phim Việt là không tôn trọng công sức của bản thân", "tôi không bao giờ thèm xem phim Việt", "nhìn quanh toàn rác phẩm"... là bởi những người này hiểu biết hạn chế về điện ảnh Việt. Họ không có thông tin, không hề biết hoặc biết rất ít về những tác phẩm phim Việt hay. Trong số những phim từ các nền điện ảnh bên ngoài Hollywood lọt vào được hệ thống chiếu rạp ở Mỹ có một số phim Việt: "Hai Phượng" - Lê Văn Kiệt - 2019, "Bố già" - Trấn Thành - 2021, "Lật mặt 6 - Lý Hải - 2023, "Người vợ cuối cùng" - Victor Vũ - 2023 và mới đây là "Kẻ ăn hồn" -Trần Hữu Tấn - 2024 là những tín hiệu đáng mừng.

Vấn đề của điện ảnh Việt bây giờ là cần cải thiện tình trạng này - tình trạng người Việt ít biết về phim Việt. Và điều tiên quyết vẫn phải nâng cao chất lượng phim. Các phim Việt hiện nay ra rạp ăn khách, doanh thu cao như điển hình phim của Trấn Thành thì chất lượng của các phim này cũng chỉ ở mức giải trí mà thôi, chưa vươn tới những giá trị của bộ môn nghệ thuật thứ 7. Vì thế muốn nâng tầm phim Việt còn là một câu chuyện dài.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/doanh-thu-phim-do-phim-that-bai-van-luon-ap-dao--i723198/