Doanh nhân Bắc Kạn: Khát khao vươn lên

Năm 2023, nền kinh tế và doanh nghiệp nước ta 'bơi trong dòng xoáy khó khăn'. Trong bối cảnh chung đó, hơn 1.000 doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư của Bắc Kạn vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy nội lực, tìm hướng vươn lên, xứng đáng là lực lượng chủ lực của nền kinh tế.

9 tháng năm 2023, tỉnh Bắc Kạn có 85 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 1.600 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 1.067 đơn vị. Tỉnh có 56 hợp tác xã (HTX) thành lập mới, vượt 60% so với kế hoạch năm 2023, nâng tổng số HTX lên 389 đơn vị với tổng vốn điều lệ 567 tỷ đồng. Doanh nghiệp, HTX Bắc Kạn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng cơ bản, thương mại - dịch vụ, du lịch, khai khoáng, chăn nuôi, nông lâm nghiệp… Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HTX đã đóng góp chung cho sự tăng trưởng 5,8% GRDP của tỉnh trong 9 tháng đầu năm; đạt 68% kế hoạch năm 2023, xếp thứ 07 trong vùng và xếp thứ 34 so với cả nước.

Chị Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH MISAKI Việt Nam tại Khu công nghiệp Thanh Bình, người chèo lái doanh nghiệp vượt qua muôn vàn khó khăn để đưa sản phẩm nông sản Bắc Kạn vươn tầm quốc tế, ổn định sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp ngân sách nhà nước.

Đánh giá cao về vai trò và đóng góp của doanh nghiệp, tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại, doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư năm 2023 vừa được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2023), đồng chí đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Doanh nhân Bắc Kạn là những người tiên phong, sáng tạo, dám mơ ước, dám nghĩ và dám làm. Với tinh thần khởi nghiệp, hành động mạnh mẽ và sự kiên trì, bền bỉ, họ đã xây dựng những doanh nghiệp, HTX vững mạnh, gắn kết, thành công và phát triển”.

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư của tỉnh đã nỗ lực vượt khó, chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng môi trường làm việc tốt, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển, thu hút nhân lực chất lượng cao; xây dựng mạng lưới hợp tác và đối tác, tạo ra các liên kết quan trọng để mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, ngân sách nhà nước và an sinh xã hội.

Ông Ngô Thành Quý (người đứng thứ hai từ trái sang), Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Quý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có nhiều cố gắng nỗ lực cố gắng để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, trong đó có công trình giao thông trọng điểm tuyến thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang.

Là doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu, sau 5 năm đi vào hoạt động tại tỉnh Bắc Kạn, Công ty TNHH Việt Nam MISAKI tại Khu công nghiệp Thanh Bình đã vươn lên trở thành đối tác tin cậy của nông dân trên địa bàn tỉnh, nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty cho biết: “Năm 2023, Doanh nghiệp phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhất là về nguồn nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã tìm mọi cách để đảm bảo nguồn nguyên liệu duy trì sản xuất. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng xuất khẩu 11-12 container sản phẩm nông sản đã chế biến sang thị trường Nhật Bản, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 35 công nhân tại nhà máy và 100 công nhân thời vụ là người địa phương, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước. Mặc dù đối diện với những khó khăn thử thách nhưng phía Công ty luôn chủ động đưa ra các giải pháp thích ứng, tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, lựa chọn cây trồng phù hợp với từng địa phương, tạo vùng nguyên liệu lâu dài cho nhà máy. Nâng công suất, sản lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, đối tác nước ngoài".

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Trong thời gian qua, Hiệp hội đã thường xuyên tổng hợp thông tin về những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đã và đang đề xuất những giải pháp cụ thể, các phương án giải quyết để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những thách thức này. Trước những yêu cầu mới của thị trường, buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo và cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chính quyền với các doanh nghiệp, doanh nhân. Đó chính là những giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp có thể đứng vững, duy trì sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển”.

Ngày 20/09/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13/10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 chính là sự tôn vinh đóng góp của những người doanh nhân với sự phát triển của xã hội, khẳng định vị trí của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam sẽ là niềm động lực cho đội ngũ tinh hoa này sẽ tiếp tục tiến lên, vượt qua những thách thức, đóng góp vào công cuộc chung.

Với những vai trò to lớn đó, sự ra đời, của Ngày Doanh nhân Việt Nam sẽ giúp những vị doanh nhân nhận thức đúng đắn, ngày càng hăng hái trong việc phát triển sản xuất, đưa kinh tế Việt Nam phát triển, hòa nhập với 5 châu 4 biển.

Có thể nói doanh nhân Việt nói chung và doanh nhân Bắc Kạn nói riêng là những người nhìn thấy cơ hội trong lúc khó khăn và nhìn thấy nguy cơ trong lúc thuận lợi, thể hiện rõ vai trò trong giai đoạn khó khăn, sáng suốt đưa ra các quyết định quan trọng ở thời điểm then chốt. Với bản lĩnh và quyết tâm vượt khó, khát khao vươn lên, sáng tạo, trách nhiệm xã hội, đội ngũ doanh nhân Bắc Kạn đã góp phần quan trọng xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển./.

Phương Thảo

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/doanh-nhan-bac-kan-khat-khao-vuon-len-post56650.html