Doanh nghiệp xuất khẩu: 'Xanh hóa' năng lượng để vươn xa

Trong năm nay, đầu tư vào điện năng lượng mặt trời trên thế giới dự kiến lần đầu tiên sẽ vượt lĩnh vực đầu tư vào dầu mỏ. Dự báo này được đưa ra trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố cuối tháng 5 vừa qua...

Ảnh minh họa.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng năng lượng sạch đang phát triển nhanh và điều này đang được thể hiện rõ qua các xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp. IEA dự báo đầu tư vào điện năng lượng mặt trời, chủ yếu là các tấm quang điện, sẽ đạt khoảng 380 tỷ USD trong năm nay, trong khi đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu mỏ sẽ là 370 tỷ USD. Theo báo cáo của IEA, đầu tư vào năng lượng sạch trong năm 2023 dự kiến sẽ tăng 24% so với năm 2021 lên hơn 1.700 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch chỉ tăng 15%.

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO LÀ ĐIỀU KIỆN BẮT BUỘC

Với điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam, thực tế trong hơn 2 năm qua vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đặc biệt, với ngành dệt may, các doanh nghiệp đang rất nỗ lực thực hiện “xanh hóa” để có đơn hàng vào các thị trường lớn.

Theo ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10, chứng minh được xanh hóa trong sản xuất đang là điều kiện tất yếu của doanh nghiệp, trong đó có quy trình sử dụng năng lượng tái tạo là điều kiện bắt buộc. Hiện tại, May 10 đã triển khai đưa vào sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho dự án mới Bỉm Sơn - Thanh Hóa. Sau nhà máy ở Bỉm Sơn, May 10 đang có kế hoạch triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy tại Quảng Bình, Thái Bình...

Thực tế, không đợi đến khi giá điện tăng, các doanh nghiệp dệt may đã tận dụng giải pháp công nghệ này trong nhiều năm nay nhằm chủ động một phần nguồn điện sản xuất, giảm chi phí, đồng thời hướng đến mục tiêu xanh hóa.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Việt Tiến, cho biết hiện các doanh nghiệp dệt may đang sử dụng điện mặt trời mái nhà theo ba giải pháp: Doanh nghiệp dệt may tự đầu tư lắp đặt; các công ty cung cấp giải pháp năng lượng sạch thuê mái của doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp dệt may sẽ được mua điện với giá thấp hơn thị trường 20 - 30%; công ty cung cấp giải pháp và doanh nghiệp dệt may cùng hợp tác, đầu tư và chia sẻ lợi ích.

Việc triển khai các giải pháp tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm năng lượng đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.

Với vai trò là Chủ tịch May Việt Tiến, doanh nghiệp đã lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, ông Vũ Đức Giang khẳng định việc các doanh nghiệp dệt may tiếp cận với năng lượng tái tạo đang giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “Thực tế ở doanh nghiệp của chúng tôi, việc sử dụng điện mặt trời áp mái cực kỳ hiệu quả. Thời gian hoàn vốn 5,5 - 6 năm, phần còn lại 14 - 15 năm là lợi ích và hiệu quả, chúng ta chỉ cần bỏ một phần nhỏ cho chi phí bảo trì”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gia Định (Bình Dương), mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững, nhưng doanh nghiệp vẫn “cái khó bó cái khôn” khi thiếu vốn, thiếu nhân lực...

“Khi đối tác nước ngoài đặt hàng, họ luôn kèm theo những tiêu chuẩn phải hướng đến. Tuy nhiên, song hành với đó là những yếu tố khác như nhân công, môi trường làm việc… Do vậy, áp lực về tăng trưởng xanh là rất lớn cùng với sử dụng năng lượng xanh, yêu cầu về tỷ lệ nhất định nguyên liệu tái chế trong sản phẩm cũng khá khó khăn với các doanh nghiệp”, ông Trung cho biết.

Không chỉ với ngành dệt may, việc triển khai các giải pháp tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm năng lượng đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Huỳnh Việt Chương, Trưởng phòng Cơ điện Công ty Caseamex (Cần Thơ), cho biết hiện Caseamex đã lắp đặt hệ thống đèn led tiết kiệm điện cho toàn bộ khu vực nhà máy, nhà xưởng và văn phòng. Đặc biệt là đầu tư lắp đặp hệ thống điện mặt trời áp mái, đáp ứng hơn 50% điện năng phục vụ nhu cầu sản xuất. Nhờ đó, không chỉ tiết giảm được tiền điện mỗi tháng, Caseamex còn gia tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu sang các thị trường khó tính...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2023 phát hành ngày 12-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Lưu Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-xanh-hoa-nang-luong-de-vuon-xa.htm