Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Hướng đi cần thiết để phát triển bền vững

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là một mô hình doanh nghiệp nhiều tiềm năng, bắt nguồn từ bản chất không lợi nhuận và mục tiêu xã hội bền vững. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, xu hướng tái cơ cấu, thắt chặt tài khóa, cắt giảm nợ công và trước các vấn đề xã hội, môi trường đang ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp, việc phát triển các DNXH càng trở nên cần thiết cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.

Nhiều doanh nghiệp xã hội góp phần giảm ô nhiễm môi trường

Ảnh: T.L

Nhận thức về DNXH còn rất hạn chế

Cũng như các doanh nghiệp khác, DNXH vẫn tổ chức các hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ. Điều khác biệt ở chỗ, DNXH được hình thành với mục đích tối thượng là để giải quyết một hoặc nhiều vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể thông qua mô hình kinh doanh bền vững, chứ không nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư. Nói cách khác, DNXH là mô hình hỗn hợp, sử dụng hoạt động kinh doanh để đạt được các mục tiêu xã hội. DNXH sẽ giúp cải thiện nền kinh tế thông qua tạo ra các doanh nghiệp mới hoạt động tại cộng đồng nghèo và yếu thế, đồng thời, tạo ra các doanh nghiệp bền vững và cân bằng mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội, giảm bất bình đẳng xã hội.

Trên thế giới, DNXH đầu tiên xuất hiện ở nước Anh từ thế kỷ 17 nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ và trở thành một phong trào rộng lớn như hiện nay từ đầu những năm 1980. Tại Việt Nam, từ giai đoạn trước đổi mới cũng đã có một số mô hình có thể coi là các DNXH, như các HTX tạo việc làm cho người khuyết tật. Sau năm 1986, đường lối đổi mới và chính sách tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước đã tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, các tổ chức từ thiện, phát triển cộng đồng trong và ngoài nước. Từ giữa những năm 1990, một số DNXH thực thụ đã bắt đầu xuất hiện, như Trường Hoa Sữa, Nhà hàng KOTO tại Hà Nội, Mai Handicrafts tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhận thức xã hội vẫn in đậm sự tách bạch giữa hai loại hình DN vì lợi nhuận và các tổ chức NGO (Tổ chức phi chính phủ) không vì lợi nhuận, do đó, các DNXH mới chỉ phát triển ở mức đơn lẻ, quy mô hạn chế. Từ năm 2010, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, dòng vốn tài trợ có xu hướng giảm, không ít tổ chức NGO đã chuyển đổi thành DNXH để tìm hướng đi mới cho mình.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Minh Đức, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, dù hiện nước ta có gần 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của DNXH, các tổ chức đi tiên phong được thành lập từ thập niên 1990 nhưng khái niệm về DNXH vẫn còn rất mới mẻ. Cũng bởi thế, khó khăn hàng đầu của các DNXH hiện nay chính là chưa có sự thừa nhận chính thức của Nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng. Không chỉ thế, từ phía người dân, phương tiện thông tin đại chúng đến giới doanh nghiệp truyền thống, cách tiếp cận của DNXH cũng như vai trò của DNXH trong đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng chưa được thấu hiểu. Điều này đã dẫn tới hệ quả thường gặp là sự hoài nghi về bản chất và mục đích của DNXH, cùng hàng loạt hạn chế khác như hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, khó khăn trong thành lập và vận hành phát triển DNXH, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh và gắn kết cộng đồng, thiếu hệ thống các tổ chức trung gian, dịch vụ hỗ trợ có tính kết nối...

Cần ban hành một Nghị định về DNXH

Việt Nam dù đã bước qua một ngưỡng phát triển mới, nhưng vẫn nằm trong nhóm nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp. Đất nước còn nghèo, trong khi đó quá trình tăng trưởng kinh tế lại đặt ra nhiều vấn đề xã hội, môi trường mới nảy sinh. Ước tính có đến 24 triệu người (chiếm 28% dân số) thuộc diện đối tượng cần hỗ trợ như hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn... Bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề khác như bạo lực xã hội, giáo dục, y tế quá tải, ô nhiễm môi trường... Bởi thế, rõ ràng, đã đến lúc Chính phủ cần coi các DNXH như những đối tác quan trọng trong việc hợp tác thực hiện các mục tiêu xã hội.

Kiến nghị về những giải pháp trong thời gian tới để hỗ trợ DNXH, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhấn mạnh, trước mắt, Chính phủ cần ban hành một Nghị định về DNXH. Đây sẽ là viên gạch đầu tiên trong quá trình thể chế hóa DNXH, cũng vừa là bước thăm dò, chuẩn bị cho khả năng luật hóa lĩnh vực này ở giai đoạn sau, khi khối DNXH đã có sự phát triển lớn mạnh và cung cấp cơ sở thực tiễn dồi dào hơn. Đồng thời, để khuyến khích, thúc đẩy DNXH tại Việt Nam tiếp tục lớn mạnh cả về số lượng và quy mô. Chúng ta nên đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau, từ các phương tiện đại chúng đến những người ủng hộ, để truyền tải, phổ biến và giải thích khái niệm. Trao giải thưởng, vinh danh các DNXH thành công và phát triển DNXH ở quy mô lớn. Hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các DNXH để mở rộng quy mô tác động xã hội, thông qua một quá trình tuyển chọn, phân loại, theo dõi và đánh giá sát sao. Cuối cùng, để phát triển nguồn tài chính bền vững hỗ trợ DNXH, chúng ta cần phải thành lập Quỹ phát triển DNXH. Quỹ sẽ được tài trợ bằng ngân sách nhà nước trên cơ sở trích một tỷ lệ nhất định từ các khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nguyễn Nga

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=50293&menu=1372&style=1