Doanh nghiệp Việt 'lột xác' khi xây dựng mô hình nhà máy thông minh

Sau gần 3 tháng thực hiện, Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1/2023 tại 12 doanh nghiệp phía bắc thu về kết quả đáng kể. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận những cải tiến vượt bậc trong tối ưu hóa hệ thống.

Theo thông tin từ Samsung Việt Nam, ngày 25/8, Samsung Việt Nam phối hợp Bộ Công thương và các địa phương tổ chức tổng kết Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1/2023, tại 12 doanh nghiệp phía bắc.

Sau dự án, các doanh nghiệp được tư vấn sẽ tiếp tục phát triển hệ thống nhà máy thông minh dưới sự cố vấn trực tuyến của các chuyên gia Hàn Quốc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sau gần 3 tháng thực hiện, trong số 12 doanh nghiệp tham gia, Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty cổ phần Tiến Thành và Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật ghi nhận những cải tiến vượt bậc trong việc tối ưu hóa hệ thống thông qua các hoạt động: xây dựng môi trường thu thập, chia sẻ thời gian thực sản lượng, kết quả kiểm tra chất lượng công đoạn; quản lý trạng thái máy và thông số chính của thiết bị; quản lý nhập, xuất và tồn kho thành phẩm theo thời gian thực thông qua ứng dụng mã vạch…

Với 5 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Ama Bắc Ninh, Công ty TNHH quốc tế Vinasaco, Công ty cổ phần Kỹ thuật bao bì Cửu Long, Công ty cổ phần Đức Hiếu, Công ty TNHH Quang Quân, sau quá trình tư vấn, các doanh nghiệp đã triển khai, xây dựng hiệu quả nền tảng cơ bản trong thu thập dữ liệu theo thời gian thực thông qua các hoạt động: áp dụng quét mã vạch để quản lý kết quả sản xuất và hiện trạng xuất, nhập kho; lắp cảm biến tại các máy sản xuất để thu thập dữ liệu sản xuất theo thời gian thực…

Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ tư vấn tạo nền tảng ứng dụng phần mềm cho 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH Dụng cụ An Mi, Công ty cổ phần Đúc áp lực Idcast Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Công ty cổ phần In Hồng Hà, giúp các doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình thao tác phần mềm; giảm thời gian thao tác công đoạn; sàng lọc, sắp xếp, tối ưu hóa, tạo dựng môi trường sản xuất an toàn…

Ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi quản lý dữ liệu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, sử dụng nguồn lực con người. Dự án này đã giúp chúng tôi số hóa và quản lý các dữ liệu trên phần mềm và hệ thống. Quan trọng nhất là dự án đã giúp chúng tôi quản lý và loại bỏ được những lỗi bất thường gây ra nhiều thiệt hại lớn cho công ty ở các công đoạn sản xuất".

Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại các địa phương là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đã được Samsung phối hợp cùng Bộ Công thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 2/2022, với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh trong 2 năm (2022 - 2023).

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-viet-lot-xac-khi-xay-dung-mo-hinh-nha-may-thong-minh-134706.html