Doanh nghiệp Việt làm gì để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế?

Trong chiến lược mở rộng đầu tư, thương mại của nhiều tập đoàn quốc tế, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội đó, doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng thích ứng với yêu cầu của thị trường. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Xuất khẩu 2023 do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) phối hợp UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 13/9.

* Điểm đến tiềm năng

Ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch cấp cao bộ phận tìm nguồn cung ứng hàng may mặc và buôn bán tổng hợp, Walmart International cho biết, Walmart International là nhà bán lẻ đa kênh lớn nhất thế giới mang lại giá trị cho khách hàng và cộng đồng trên toàn cầu thông qua cửa hàng và doanh nghiệp thương mại điện tử.

Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Tuy nhiên, ông Avaneesh Gupta cho rằng, Walmart International sẽ không thể thực hiện được điều này nếu không có mối quan hệ tốt với nhà cung cấp và người bán trên thị trường. Walmart International đang tìm kiếm sự đảm bảo về chuỗi cung ứng và cung cấp sản phẩm chất lượng cho khách hàng.

Walmart International có mặt tại Tp. Hồ Chí Minh từ năm 2013 và là một trong những thị trường cung ứng quan trọng nhất của Walmart và cũng là trung tâm tìm nguồn cung ứng trên khắp Đông Nam Á. Việt Nam có các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu như: quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đồ chơi, nông sản, trái cây nhiệt đới…

Tuy nhiên, theo ông Avaneesh Gupta, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài năm qua do COVID-19 và sự bất ổn địa chính trị cho thấy sự cần thiết phải xác định và phát triển cơ sở nhà cung cấp đáng tin cậy và linh hoạt nhất. Do đó, Walmart muốn có cơ hội tìm nguồn cung ứng nhiều sản phẩm hơn từ Việt Nam cho cả sản phẩm dành cho nhãn hiệu riêng và sản phẩm phục vụ thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam nhận định: Thương mại quốc tế được cấu thành dựa trên 3 nhân tố quan trọng là thị trường thế giới, tình hình thị trường của nơi xuất khẩu và nguồn nguyên liệu của nơi nhập khẩu. Về tình hình thế giới, những năm gần đây, nền kinh tế thế giới đã phải hứng chịu những “đòn tấn công” khủng khiếp của dịch COVID-19.

Tiếp theo đó, những quốc gia là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam phải đối mặt với lạm phát toàn cầu. Thêm vào đó là sự thay đổi xu hướng khi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng việc chú trọng sự thân thiện với môi trường, hướng tới tương lai như mô hình phát triển bền vững, "dấu chân carbon".

“Tập đoàn Aeon là nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với hơn 18.000 cửa hàng, có mặt ở 14 nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Tại Việt Nam, Tập đoàn không ngừng nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, nâng cao giá trị tồn tại với khách hàng. Năm 2023 là năm đặc biệt, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, Tập đoàn Aeon đã, đang và sẽ có nhiều kế hoạch hoạt động đối với sản phẩm của Việt Nam. Tập đoàn Aeon kỳ vọng rằng, sản phẩm Việt Nam do các công ty sản xuất sẽ đến được tay khách hàng của Aeon trên khắp các nước và trở thành sản phẩm không thể thiếu đối với khách hàng.”, ông Yuichiro Shiotani thông tin thêm.

Ông Lionel Adenot, Giám đốc điều hành Decathlon Việt Nam nhận định, thế giới đang thay đổi nhanh hơn trước đây, đặc biệt sau dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp thay đổi rất nhiều kế hoạch, cách thức hoạt động. Năm 2023 tiếp tục lại khó khăn bởi sự bất ổn, bối cảnh không chắc chắn và những thách thức lớn đã tạo ra một mức tồn kho khổng lồ cùng với nhiều hệ lụy tiêu cực.

"Chuỗi cung ứng phải đối mặt với rất nhiều tình huống bất thường từ nguồn cung nguyên liệu khiến dây chuyền bị gián đoạn đã làm gia tăng sự phức tạp trong việc dự báo doanh số bán hàng, nhu cầu về linh kiện và năng lực sản xuất… Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu thô, lạm phát lớn, lãi suất cao gây khó khăn cho người tiêu dùng, khiến họ tiết kiệm và chuyển sang chi tiêu khi thật sự cần thiết…”, ông Lionel Adenot chia sẻ.

Theo ông Lionel Adenot, tình hình vừa là thách thức nhưng cũng tạo cơ hội lớn để Việt Nam trở thành điểm đến trong chuỗi cung ứng hàng thể thao quốc tế bởi các tập đoàn, doanh nghiệp luôn có tầm nhìn dài hạn, suy nghĩ lớn. Họ thường có một dự án trung hạn chung cho những năm tiếp theo, sẵn sàng điều chỉnh, sửa đổi, tăng tốc theo sự thay đổi của thị trường.

“Để làm được điều đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng và xem quá trình chuyển đổi số là cơ hội để phục vụ cho đối tác, khách hàng và người tiêu dùng tốt hơn; cần có hệ thống kho tự động; giải pháp truy xuất nguồn gốc; giám sát năng lượng, giảm bớt lượng khí thải môi trường… Chúng ta sẽ tiếp tục giảm bằng cách chuyển hoàn toàn sang năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và sinh khối… Đây là những điều kiện để Việt Nam trở thành điểm đến mới ở chuỗi cung ứng hàng thể thao quốc tế”, ông Lionel Adenot khuyến nghị.

* Chủ động nắm bắt

Để tham gia hiệu quả và kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã chủ động chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng xanh hóa, bền vững, tuần hoàn. Điều này không những giúp doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu, mà còn tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế trong bối cảnh nền sản xuất đang chuyển đổi nhanh chưa từng có như hiện nay.

Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Đức Giang (DUGARCO) nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu và là một trong những trọng tâm được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới vì sự phát triển bền vững, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt.

Đến nay, việc thúc đẩy mẫu hình sản xuất và tiêu dùng bền vững vẫn luôn là mối quan tâm của các quốc gia trên toàn thế giới và đã có những chính sách, quy định cũng như chương trình cụ thể về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Đi đầu trong phát triển xanh và bền vững là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU); trong đó, Thỏa thuận xanh châu Âu là một kế hoạch toàn diện để đạt được sự trung hòa carbon vào năm 2050, cũng là một chiến lược để phát triển.

EU cũng mới đề xuất Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ đặt giá carbon với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo rằng việc giảm phát thải của châu Âu góp phần giảm phát thải trên toàn cầu. Với chiến lược về dệt may, EU yêu cầu ngay từ khâu thiết kế phải đảm bảo là thiết kế sinh thái và quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng phải đảm bảo bền vững.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng, Tổng Công ty Đức Giang đã và đang tích cực chuẩn bị cho sự phát triển dài hạn trên cơ sở chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035; trong đó, mục tiêu đề ra là đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu của đối tác về việc sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế, thân thiện môi trường.

“Đối với Tổng công ty Đức Giang, việc chuyển đổi sang sản xuất tuần hoàn chính là quá trình xanh hóa sản xuất, gắn với phát triển bền vững; trong đó, Ban lãnh đạo nhấn mạnh vào việc tiết kiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải carbon thông qua các lĩnh vực như xử lý chất thải và nước thải, sử dụng năng lượng sạch, sử dụng nguyên liệu tái chế và đẩy mạnh giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường”, ông Hoàng Vệ Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập Đoàn Lộc Trời, phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập Đoàn Lộc Trời cho rằng, chiến lược của Tập Đoàn Lộc Trời được xác định trên đồng ruộng, trong nhà máy chế biến và quản lý và kiếm soát; trong đó, tập trung thay đổi thói quen sản xuất lúa bằng cách áp dụng SRP – các tiêu chuẩn trồng lúa bền vững của thế giới vào vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao; đào tạo nông dân thực hành các tiêu chí SRP; đa dạng hóa luân canh nuôi trồng giữa tôm và lúa; tối đa hóa phụ phẩm từ cây lúa sau thu hoạch; số hóa tất cả các hoạt động trong Lộc Trời để giảm sử dụng giấy và tăng hiệu quả trong kết nối từ xa…

Các chuyên gia cho rằng, những bất ổn, biến động liên tục của thị trường đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu có khả năng phục hồi bền vững. Khi doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được sự bền vững trong chuỗi cung ứng sẽ tạo dựng được niềm tin vững chắc với đối tác và nhà đầu tư tiềm năng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu lâu dài./.

Xuân Anh – Thanh Vũ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-viet-lam-gi-de-tham-gia-sau-vao-chuoi-cung-ung-quoc-te/306275.html