Doanh nghiệp Việt kiều 'mách nước' thâm nhập thị trường Canada

Các doanh nhân Việt kiều Canada sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu các mặt hàng lợi thế của mình sang Canada hoặc thông qua nước này, đưa hàng hóa vào thị trường Mỹ.

Các doanh nghiệp sản xuất nông sản, hải sản sẽ được hướng dẫn quy chuẩn và chất lượng để đạt được quy định của thị trường Canada. Tuy nhiên, những mặt hàng xuất khẩu liên quan đến gỗ hay khoáng sản (đá, vật liệu xây dựng) lại có những tiêu chí khắt khe hơn, đặt biệt là vấn đề chứng nhận nguồn gốc và bảo vệ môi trường.

Ông Dan On, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam – Canada (thứ nhất, bên phải) chia sẻ kinh nghiệm xâm nhập thị trường Canada bên lề Hội nghị xúc tiến thương mại với Hội doanh nhân Việt Nam – Canada diễn ra hôm nay, 28-3 tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Nhân Tâm

Những thông tin này được ghi nhận tại Hội nghị xúc tiến thương mại với Hội doanh nhân Việt Nam – Canada (VCBA) diễn ra hôm nay, 28-3 tại tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Quang Trung, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada, cho hay Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á gần một thập niên qua. Hai bên đều nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 10 tỉ đô la. Con số này được đưa khi cả hai nước hiện là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tiềm năng thâm nhập thị trường Bắc Mỹ

Hiện nay Canada đang muốn tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác thương mại với Việt Nam trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, thực phẩm chế biến, năng lượng sạch, công nghệ sạch, công nghệ thông tin-truyền thông, các ngành công nghệ sáng tạo… Trong đó, ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh, các doanh nghiệp Bình Định có thể tận dụng cơ hội này để xuất khẩu các sản phẩm là thế mạnh của mình bao gồm nông sản, hải sản và các sản phẩm gỗ.

Theo ông Trung, Canada là nước trong nhóm G7, có những tiêu chuẩn rất khắt khe cho nên đầu tư thành công vào thị trường này là không dễ dàng. Tuy khó nhưng không phải là không thể nếu chúng ta biết phát huy lợi thế của mình. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã xuất hiện tại đây, thậm chí đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên của Canada như xe điện VinFast, FPT hay Vinastone.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nhân Canada gốc Việt đã đứng vững trên thị trường với các thương hiệu như Dan-D-Pak, Supermarket 88, Henlong supermarket, Lucky Supermarket…

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Ủy viên Ban chấp hành VCBA tiết lộ, ông chủ chuỗi Supermarket 88 tại Vancouver sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada và Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể ký gửi hàng hóa, có thể thuê mướn gian hàng để kinh doanh buôn bán và thâm nhập thị trường Canada.

“Bản thân tôi và các thành viên trong VCBC cũng sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt”, ông Bắc nói và cho biết thêm bản thân ông sang Canada từ năm 1988 và đầu tư về trong nước từ năm 2001. Tập đoàn Đại Sơn do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như sản xuất hàng tiêu dùng, trồng cao su, xuất nhập khẩu, đào tạo nghề, tư vấn du học, bất động sản… Ông cũng là người thành lập trường Trung cấp nghề Việt Nam – Canada tại Hải Dương.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Công ty Cổ phần thực phẩm Bình Tây, chia sẻ tại sự kiện. Bà cho biết sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tại Bình Định đưa hàng nông sản xâm nhập thị trường Canada. Ảnh: Nhân Tâm

Trong khi đó, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Công ty Cổ phần thực phẩm Bình Tây cũng là Phó Chủ tịch VCBA cũng đưa ra tư vấn cụ thể. Sau khi đã có khảo sát thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm địa phương tại tỉnh Bình Định, vị nữ doanh nhân này cam kết sẽ hợp tác, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đặc sản của mình như bánh tránh dừa, sản phẩm làm từ trái bí để đạt chuẩn vào thị trường Canada.

Đứng về khía cạnh chuyên gia, ông Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Công ty chứng khoán Thiên Việt và cũng có nhiều năm tìm hiểu thị trường Canada cho hay, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đang xuất khẩu hoặc gia công cho xuất khẩu sẽ được hưởng nhiều lợi thế nếu lập chi nhánh/công ty con tại Canada.

Theo ông Hải, họ có thể hưởng lợi từ các ưu đãi về tài trợ xuất khẩu cùng với các chương trình hỗ trợ xuất khẩu của chính phủ Canada. Bên cạnh đó là các ưu thế phát triển kinh doanh có được từ môi trường pháp lý chuẩn quốc tế và nhiều kênh hỗ trợ đặc biệt cho việc mở rộng xuất khẩu sang Mỹ và những thị trường lớn khác như EU, Trung Đông, Nam Mỹ…

“Thậm chí hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam sang Mỹ thông qua hợp tác làm thủ tục với doanh nghiệp ở Canada”, ông Hải cho biết thêm.

Thách thức chủ quan và khách quan

Về vấn đề này, ông Ôn Dân Khương (Dan On), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Dân Ôn (Dan-D-Pak) cho hay, Canada khuyến khích doanh nghiệp nhỏ phát triển với nhiều ưu đãi, trong đó thuế đóng thấp hơn. Vì vậy, ông cũng gợi ý các doanh nghiệp Việt có thể mở chi nhánh, công ty mình tại Canada, từ đó thuận tiện hơn trong kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Dan On cũng khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh gỗ và khoáng sản (đất, đá và vật liệu xây dựng) muốn thâm nhập sang thị trường Canada cần cẩn trọng hơn.

Tất cả những mặt hàng này bắt buộc có giấy chứng nhận nguồn gốc rõ ràng. Trong đó, hiện nay, Chính phủ Canada đang có chính sách các doanh nghiệp Việt có thể nhập gỗ từ Canada để sản xuất các sản phẩm nội thất từ gỗ, sau đó xuất khẩu lại qua Canada sẽ hưởng được nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này cần phối hợp với các doanh nghiệp tại Canada để hỗ trợ thủ tục để tránh những sai phạm.

Một nhà máy tôm tại Bình Định. Hải sản và nông sản có nhiều tiềm năng vào thị trường Canada. Ảnh: IPC Bình Định

Bên cạnh thách thức về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trong mặt hàng xuất khẩu còn có những thách thức khác mà các doanh nghiệp cũng phải đối mặt nếu muốn vào thị trường Bắc Mỹ này.

Theo ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, chi phí vận chuyển và logistics cao khiến giá xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh khó cạnh tranh so với các nước khác. Thị trường các nước CPTPP (trong đó có Canada và Bắc Mỹ) có những tiêu chuẩn phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Đây cũng là trở ngại không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều của Bình Định với Canada ước đạt 18,7 triệu đô la, trong đó xuất khẩu ước đạt 17,2 triệu đô la; nhập khẩu ước đạt 1,5 triệu đô la. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Bình Định sang thị trường Canada chủ yếu mặt hàng hải sản, gỗ tinh chế nội ngoại thất, sản phẩm may mặc, sản phẩm từ chất dẻo. Trong số các mặt hàng chủ lực của tỉnh Bình Định sang thị trường Canada năm 2023 thì hải sản đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất, gần 5 triệu đô la, sản phẩm may mặc 4,6 triệu đô la, sản phẩm gỗ tinh chế đạt 4,6 triệu đô la, sản phẩm từ nhựa giả mây đạt 2,5 triệu đô la.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-viet-kieu-mach-nuoc-tham-nhap-thi-truong-canada/