Doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng đất: Chưa hết âu lo

(HQ Online)- Với nhiều DN, việc tiếp cận đất đai phục vụ cho sản xuất kinh doanh luôn là mối lo lớn, thậm chí là “bất khả thi”. Do đó, một số chính sách liên quan đến sử dụng đất tại Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 của Chính phủ đã mở ra nhiều hy vọng cho DN.

DN hy vọng sẽ bớt khó khăn hơn trong việc tiếp cận và sử dụng đất. (Ảnh: Danh Lam)

Còn gặp khó

Theo kết quả nghiên cứu từ khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 được công bố vào đầu tháng 4 vừa qua, trong 4 dịch vụ hành chính công PAPI đo lường, chất lượng dịch vụ hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn ở mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Nguyên nhân do người dân không nhận được kết quả đúng lịch hẹn, thủ tục còn rườm rà, phí và lệ phí chưa được công khai đầy đủ.

Còn theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015, các DN nhỏ và vừa có cảm nhận tiêu cực hơn các DN lớn trên một số lĩnh vực, trong đó có tiếp cận đất đai. Theo đó, 87% DN nhỏ và vừa có đất, có mặt bằng sản xuất kinh doanh song chỉ một nửa trong số này có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 22% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ và 29% DN quy mô vừa đánh giá mức độ ổn định của mặt bằng kinh doanh là cao hoặc rất cao; tỷ lệ này của các DN quy mô lớn là 31%.

Điều này cho thấy, khả năng tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh với các DN còn nhiều hạn chế không những đến từ nguyên nhân chủ quan từ DN là thiếu kinh phí mà còn đến từ những ưu đãi, chế độ chính sách của chính quyền địa phương.

Ông Trịnh Văn Hòa, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Gốm Gia Thủy chia sẻ, do lo ngại việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường, HTX đã thực hiện di dời sang khu sản xuất mới với diện tích 3ha. Nhưng do thiếu kinh phí nên HTX mới chỉ đầu tư xây dựng trên một phần đất đã quy hoạch, do đó, mặt bằng cho sản xuất đến nay đã bị hạn chế hơn so với nhu cầu đơn hàng từ khách hàng. Đặc biệt, vùng nguyên liệu đất sét của HTX mới chỉ rộng 1 ha, nếu sản xuất liên tục trong 5 năm là cạn. Vì lo thiếu nên HTX thử sử dụng một số loại đất mới, nhưng không đạt chất lượng yêu cầu từ phía đối tác Nhật Bản nên đang buộc phải tạm dừng hợp đồng XK.

“HTX đã xây dựng dự án mở rộng đất phục vụ nguồn nguyên liệu nhưng do vướng mắc trong vấn đề quy hoạch đất của địa phương nên vẫn chưa được phê duyệt, nếu cứ kéo dài thì DN sẽ không đủ đất để sản xuất”, ông Hòa trăn trở.

Hay mới đây nhất là vụ hơn 40 DN tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội “kêu cứu” vì UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo, yêu cầu các DN tự tháo dỡ, di dời nhà xưởng, trang thiết bị. Trước đó, từ năm 1994, một số hộ gia đình đã mạnh dạn huy động vốn đầu tư nhà xưởng sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ, trong khi đây vẫn là đất canh tác, không được phê duyệt thành cụm công nghiệp do nằm trong hành lang thoát lũ của sông Đáy. Tuy nhiên, các DN này cho rằng, việc yêu cầu di dời trong thời gian ngắn mà không cho biết DN sẽ đi đâu, không hỗ trợ kinh phí nên khiến các DN rơi vào thế “trở tay không kịp”, đứng trước nguy cơ phá sản.

Hỗ trợ đúng

Theo Nghị quyết 35/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ DN tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng phải rà soát sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa và giảm bớt các thủ tục về đất đai, rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Với những chính sách này, các DN bày tỏ hy vọng và chờ đợi những đổi thay từ phía các cơ quan chức năng để giúp DN bớt khó khăn hơn trong việc tiếp cận và sử dụng đất. Bởi theo như đại diện Công ty Cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), khó khăn về tiếp cận đất, mặt bằng kinh doanh không phải là mới mà đã diễn ra từ nhiều năm nay, nên chính sách đưa ra cần có sự quyết tâm thực hiện, giải quyết triệt để mọi vướng mắc, chính sách cần đi nhanh, cụ thể và có hiệu quả xuống từng DN.

Cũng nói về hướng giải quyết vướng mắc về mặt bằng cho DN, là một DN mới khởi nghiệp, đại diện Công ty TNHH sản xuất & XNK Phương Anh (DN sản xuất, XNK thiết bị cơ khí) cho hay, với các DN mới đi vào sản xuất kinh doanh, vốn thường không có nhiều nên với những yêu cầu từ chính sách của Nghị quyết 35/NQ-CP, các cơ quan chức năng có thể miễn hoặc giảm khoảng 50% tiền thuê đất tại các khu công nghiệp trong vòng 3-5 năm để các DN này bớt gánh nặng chi phí và đủ thời gian quay vòng vốn.

Tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ lại nhấn mạnh nhiều hơn đến việc thay đổi các chính sách về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Bởi theo bà Loan, chi phí thuê mặt bằng kinh doanh thuộc về thị trường nên các cơ quan chức năng khó có thể can thiệp, nhưng các chính sách về địa điểm thuê cũng như thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, DN có thể nhận được sự can thiệp cũng như hỗ trợ nhất định từ chính quyền Trung ương cũng như địa phương.

Như vậy, với các DN Việt Nam, mọi chính sách đều cần thiết cho sự phát triển cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, các chính sách cần hiệu quả và đúng với nhu cầu của DN.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-tiep-can-va-su-dung-dat-chua-het-au-lo.aspx