Doanh nghiệp thực phẩm Việt lọt tầm ngắm vốn ngoại

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng cho ngành thực phẩm phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp quốc tế trong ngành thực phẩm đã tung một lượng vốn lớn thu mua doanh nghiệp Việt thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A).

Thị trường nhiều tiềm năng sinh lời

Theo báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Anh), Việt Nam có tỷ lệ dân số cao, trong đó, hơn 50 triệu dân số dưới 30 tuổi có thu nhập bình quân ổn định. Đây được xem là điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm - đồ uống tiềm năng nhất khu vực tiểu vùng sông Mê kông. Từ năm 2019 đến nay, lượng tiêu thụ thực phẩm tăng trung bình 9,68%, riêng năm 2023 giá trị sản xuất của sản xuất chế biến thực phẩm tăng trưởng 18%, dự kiến đạt gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026.

Đặc biệt, Việt Nam còn là nước có truyền thống về nông nghiệp, đủ điều kiện để cung ứng các nguồn nguyên liệu thô cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm- đồ uống nên thời gian qua nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đổ vốn thâu tóm doanh nghiệp Việt thông qua cổ phần hóa.

Sản xuất bánh kẹo tại Công ty CP bánh kẹo Bảo Minh tại KCN Nam Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Vừa qua, Công ty thực phẩm Cầu Tre đã được đổi thành CJ Cầu Tre sau khi Tập đoàn CJ Chelijedang (Hàn Quốc) đã mua lại cổ phần với tỷ lệ sở hữu lên tới 71,6%. Tương tự Công ty bánh kẹo Kinh Đô được đổi thành Mondelēz Kinh Đô sau khi Công ty thực phẩm đa quốc gia Mondelēz International (Hoa Kỳ) thâu tóm.

Thực tế cho thấy, thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp trong nước đã bị quốc tế thôn tính thông qua việc mua cổ phần. Cụ thể, Công ty Daesang Corp (Hàn Quốc) đầu tư 100% cổ phần của Công ty CP thực phẩm Đức Việt, Earth Chemical (Nhật Bản) mua lại 100% cổ phần của Công ty CP Á Mỹ Gia…

Người tiêu dùng mua thực phẩm, bánh kẹo tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam

Phân tích nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế đổ vốn vào ngành hàng thực phẩm, TS. Nguyễn Tuấn Anh (Đại học RMIT Việt Nam) cho biết, lý do khiến ngành thực phẩm thu hút vốn đầu tư nước ngoài là bởi Việt Nam đã ký và thực thi 16 FTA đã tạo cơ hội để ngành hàng này tiến xa ở nhiều thị trường lớn khi được hưởng thuế suất ưu đãi hoặc miễn thuế… Việc thâu tóm những doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam là một bước đi chiến lược của nhà đầu tư ngoại.

Tìm giải pháp trụ vững trên sân nhà

Việc đẩy mạnh các hoạt động rót vốn đầu tư, mua bán và sáp nhập của khối ngoại đang làm gia tăng áp lực cạnh tranh lên khối nội trong cuộc chiến giành thị phần trên sân nhà.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam Lê Phụng Hào, lý do khiến doanh nghiệp Việt bị nước ngoài thôn tính là bởi đa phần các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt có quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên thiếu vốn và kinh nghiệm quản trị. Đồng thời, thiếu liên kết, chưa phát triển được mô hình kinh doanh theo chuỗi và chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các FTA… “Những yếu kém này đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại lấn sân vào thị trường Việt Nam cạnh tranh thị phần” - ông Hào nhận định.

Đóng gói bánh kẹo tại Công ty CP bánh mứt kẹo Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Tại Tọa đàm “Chính sách trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm” do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) Lý Kim Chi cho rằng, vướng mắc khiến doanh nghiệp Việt không đủ lớn mạnh là bởi nguồn vốn. Đây là hạn chế lớn bởi các doanh nghiệp luôn cần cải tiến, tăng năng suất, nhưng lãi vay trong nước thì cao hơn mặt bằng chung các nước khu vực Đống Nam Á. “Do đó, việc thực hiện mua bán và sáp nhập để tìm kiếm nguồn vốn ở bên ngoài đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Điều này dẫn đến việc không tránh khỏi sự thôn tính của doanh nghiệp ngoại đối với doanh nghiệp Việt” - bà Chi nêu rõ .

Theo các chuyên gia, để giảm tình trạng này cần có nhiều sự thông thuận hơn từ chính sách, biến cơ hội thành lợi thế cho tăng trưởng của doanh nghiệp. Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng, cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng xu hướng thị hiếu tiêu dùng, còn đòi hỏi doanh nghiệp thực phẩm phải gia tăng chất lượng sản phẩm ngay từ các khâu trong chuỗi sản xuất.

Sản xuất bánh kẹo tại Công ty CP bánh kẹo Bảo Minh tại KCN Nam Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

“Để làm được điều này nên sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để tập trung, tích tụ đất đai. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các ngành hàng” - ông Thành kiến nghị.

Để phát triển ngành chế biến thực phẩm Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) Nguyễn Thị Minh Thảo cho rằng: trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần hợp tác liên kết kể cả trong hoạt động mua bán và sáp nhập từ sản xuất cho đến phân phối.

Nhưng để làm được điều đó doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, có tư duy và chiến lược mới. Cụ thể, cần chủ động đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu, điều chỉnh các dòng sản phẩm mang tính tiện ích hơn, sáng tạo ra sản phẩm mới sử dụng những nguyên liệu vốn là thế mạnh trong nước. Bên cạnh đó đẩy mạnh đa dạng hóa, hiện đại hóa các kênh phân phối phù hợp với từng nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan hiến kế, để tạo dựng được uy tín và chinh phục thị trường trong và ngoài nước, các doanh nghiệp ngành thực phẩm cũng cần nắm bắt sự chuyển động nhu cầu của thị trường. Thông qua hoạt động này có được sự chuẩn bị tốt nhất cho sản phẩm cũng như cách tiếp cận thị trường phù hợp. Đồng thời, tăng cường đầu tư quảng bá và phát triển thương hiệu Việt.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-thuc-pham-viet-lot-tam-ngam-von-ngoai.html