Doanh nghiệp 'quên' cam kết bảo vệ môi trường

Các doanh nghiệp sản xuất chitin (chế biến phế liệu thủy sản) xả thải làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân đã diễn ra nhiều năm nay. Mặc dù chính quyền địa phương và UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã nhiều lần vào cuộc kiểm tra, mời doanh nghiệp làm việc và yêu cầu cam kết không tái phạm nhưng các doanh nghiệp này không những không khắc phục mà còn phớt lờ những cam kết của chính mình.

Ao sen ông Thành giờ bỏ hoang để cỏ mọc um tùm do ảnh hưởng nước xả thải .

Liên tục tái phạm

Người dân thôn Cây Xoài cho biết, 2 cơ sở sản xuất chitin của ông Trần Sâm và Nguyễn Văn Dưỡng không có hệ thống xử lý nước thải. Vì vậy, từ nhiều năm nay 2 cơ sở này thường xuyên xả thải nước có màu xám đen, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân.

Dòng nước thải đen ngòm cứ vài ngày lại đổ xuống kênh, mương nổi váng đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.

Ông Nguyễn Ngọc Khuê, Chủ tịch UBND xã Suối Tân cho biết: Năm ngoái các DN này cam kết đến tháng 12/2015 sẽ khắc phục hậu quả, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Mới đây địa phương và UBND huyện tiếp tục mời các DN làm việc và gia hạn cho cam kết đến tháng 12/2016 phải khắc phục dứt điểm. Tuy nhiên, trong thời gian giám sát và khắc phục, thì họ lại tiếp tục xả thải gây bức xúc cho người dân, ông Khuê nói.

Theo Sở TN-MT Khánh Hòa, việc 2 cơ sở sản xuất chế biến phế liệu thủy sản của ông Trần Sâm và Nguyễn Văn Dưỡng gây ô nhiễm môi trường, Sở đã nhận được văn bản báo cáo số 2964/UBND ngày 18/7/2016 của UBND huyện Cam Lâm.

Đến ngày 15/9/2016, Sở đã kiểm tra thực tế 2 cơ sở này nhận thấy chưa hoàn thành việc xử lý môi trường, nước thải sau xử lý có mùi hôi thối, hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo yêu cầu. Vì vậy, Sở thống nhất kiến nghị của UBND huyện Cam Lâm tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động của 2 cơ sở nói trên.

Đảo lộn cuộc sống người dân

Ông Đinh Văn Thành, thôn Cây Xoài bức xúc cho biết: Nguồn nước hôi thối do các cơ sở sản xuất chitin thường xuyên xả thải xuống kênh mương dẫn đến khu sản xuất Bầu Thẹ rồi xuống Bầu Thuộc và Bầu Sen làm sao cây gì sống nổi!?. Nhiều năm nay chúng tôi chẳng làm ăn được gì. Trồng sen thì bị chết, còn nuôi bò không thể gây đàn được.

Theo ông Thành, như gia đình ông do ảnh hưởng nguồn nước xả thải nên 3.500 m2 ao sen ở Bầu Thẹ bị chết và thất thu nhiều năm liền.

Trong khi trước đây với diện tích trên, mỗi năm ông thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ bán cá thả trong ao sen. Nhà ông Nguyễn Văn Liếc, thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát (Cam Lâm) có hơn 2 ha sen gần nhà ông Thành cũng lâm vào cảnh tương tự.

Ông Phan Công Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Tân cho biết, mức độ ô nhiễm xả thải không chỉ làm giảm năng suất lúa, hoa màu, xoài mà còn gây ô nhiễm không khí. Hiện địa phương đang rà soát danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại và hướng dẫn nông dân khởi kiện yêu cầu các cơ sở gây ra phải bồi thường.

Văn Nhất

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/doanh-nghiep-quen-cam-ket-bao-ve-moi-truong/129367