Doanh nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc hướng vào Việt Nam

Dự kiến sẽ có 80 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mỹ phẩm và làm đẹp của Hàn Quốc tham gia triển lãm về chuyên ngành này ở TPHCM vào tháng 6 tới để tìm nhà nhập khẩu và cơ hội kinh doanh ở thị trường Việt Nam.

Sẽ có nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc đến Việt Nam. Hiện đã có nhiều thương hiệu nước ngoài hiện diện ở thị trường mỹ phẩm trong nước. Ảnh: Hùng Lê

Ông Dominic Oh, Tổng giám đốc Kintex, một doanh nghiệp của Hàn Quốc phối hợp với Informa và Công ty Vinexad tổ chức triển lãm về mỹ phẩm và làm đẹp tại TPHCM vào giữa tháng 6 tới cho biết thông tin trên tại buổi họp báo giới thiệu về cuộc triển lãm này, hôm 23-2.

Mekong Beauty Show 2017 dự kiến sẽ có hơn 200 doanh nghiệp đến từ châu Âu, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Nhật Bản, Hồng Kông, Ấn Độ, Việt Nam,... tham gia. Riêng doanh nghiệp Hàn Quốc, theo ông Dominic Oh có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm và dịch vụ.

Tất cả những doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia triển lãm lần này đều lần đầu tiên đến Việt Nam để tìm kiếm nhà nhập khẩu và phân phối sản phẩm trong nước, ông Dominic Oh nói với TBKTSG Online, và cho biết các doanh nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc hiện rất quan tâm và đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực. Đánh giá này được nhìn thấy nhờ nền kinh tế phát triển cao với GDP trên 6% và đặc biệt người trẻ dưới 35 tuổi chiếm trên 60% dân số.

Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm, Hương liệu và Tinh dầu Việt Nam, ông Nguyễn Văn Minh, cũng cho biết thị trường mỹ phẩm trong nước đang tăng trưởng khá nhanh và trong năm 2016 đã đạt doanh thu khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ, một kết quả mà trước đây hội này dự báo phải đến năm 2020 mới đạt được. Và tình hình cho thấy thị trường này tiếp tục có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới.

Đại diện Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn cũng cho rằng, theo các nghiên cứu, thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng với tổng doanh thu 26.000 tỉ đồng năm 2015 và mức tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm liên tục. Trong khi đó, mức chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam dành cho mỹ phẩm lại thấp hơn 4-5 lần so với các nước khác trong khu vực; tầng lớp trung lưu là những đối tượng có nhu cầu làm đẹp cao đang tăng nhanh và dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên đến 33 triệu người vào năm 2020.

Theo đại diện doanh nghiệp này, thị trường mỹ phẩm Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, khiến cho mức thuế nhập khẩu loại hàng hóa này được kéo xuống mức 0-5%.

Những yếu tố trên phần nào lý giải được việc các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài đang có xu hướng gia tăng tìm thị trường trong nước.

Tiềm năng là vậy nhưng do các doanh nghiệp nội địa còn nhiều hạn chế về công nghệ, cũng như tiềm lực tài chính nên thị trường mỹ phẩm Việt Nam bị chi phối bởi những thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài. Theo các doanh nghiệp, hiện nay 90% thị phần thuộc các thương hiệu nước ngoài, chỉ có 10% là dành cho doanh nghiệp trong nước, chủ yếu ở phân khúc thấp hay bình dân.

Triển lãm quốc tế mỹ phẩm và làm đẹp khu vực Mekong 2017 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17-6 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM.

Với quy mô tổ chức khoảng 10.000 m2, triển lãm dự kiến sẽ đón tiếp hơn 200 đơn vị triển lãm đến từ châu Âu, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Việt Nam...

Theo IMF FORCAST, bốn quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar sẽ đạt tổng GDP 441 tỉ đô la Mỹ tính đến năm 2020. Khu vực này cũng là thị trường mới nổi trong việc tiêu thụ các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và cá nhân với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 30% trong những năm gần đây.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/157250/doanh-nghiep-my-pham-han-quoc-huong-vao-viet-nam.html/