Doanh nghiệp miền Tây mong chính sách giữ chân lao động

Nhiều doanh nghiệp miền Tây cho biết ngày càng khó khăn tuyển thêm lao động. Một số đề nghị Nhà nước có chính sách giúp giữ chân lao động lập nghiệp tại quê hương.

Ngày 18/2, Công ty TNHH Khánh Sủng ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tiếp tục thông báo tuyển lao động cho các xưởng chế biến tôm xuất khẩu. Thông báo này được duy trì từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay nhưng doanh nghiệp vẫn còn thiếu nhiều lao động.

Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng, cho biết đã tuyển được khoảng 200 công nhân nhưng nhu cầu hiện nay là 500. Trong đó, có nhiều lao động tay nghề thấp nên doanh nghiệp phải đào tạo nghề cho họ.

Mong giữ lại 25% công nhân hồi hương

Ông Nguyễn Triệu Dõng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế biển Thủy sản Út Xi (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết đơn vị đang tuyển 400 lao động cho các nhà máy chế biến tôm.

Năm 2021, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Sóc Trăng đạt trên 1 tỷ USD. Vì vậy, lãnh đạo doanh nghiệp rất kỳ vọng vào năm 2022, khi kinh tế của địa phương đang phục hồi mạnh sau dịch bệnh.

Sau Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp rất lớn. Ảnh: Nhật Tân.

Theo chủ doanh nghiệp đang đầu tư khu nhà ở thương mại lớn nhất Sóc Trăng, kinh tế muốn phát triển cần phải làm tốt cơ sở hạ tầng và đào tạo nghề cho người dân. Vì vậy, ông Nguyễn Triệu Dõng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ doanh nghiệp, nếu tiếp tục xảy ra làn sóng di cư thì khi các khu công nghiệp mở ra, miền Tây sẽ gặp bài toán khó về lao động.

“Địa phương cần đầu tư thêm cho trường cao đẳng cộng đồng và trường cao đẳng nghề để đào tạo lực lượng lao động phục vụ kinh tế mũi nhọn của khu vực là tôm và lúa”, lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Ông Dương Việt Trung, đại diện Công ty TNHH Tài Kim Anh (Khu Công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng), đơn vị đang cần ít nhất 1.000 lao động để phục vụ nhu cầu chế biến tôm xuất khẩu trong những ngày sau Tết Nguyên đán 2022.

Theo ông Trung, trong 45.000 lao động có tay nghề từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… về Sóc Trăng tránh dịch Covid-19 cách đây nửa năm, nếu địa phương có chính sách giữ lại khoảng 25% thì sẽ đáp ứng được nhu cầu lao động tại chỗ cho các doanh nghiệp.

Ông Dương Việt Trung cho rằng người lao động rất cần chính sách “an cư” của Nhà nước để họ được “lạc nghiệp”. Ông rất vui khi hay tin UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt dự án khu nhà ở công nhân tại Khu Công nghiệp An Nghiệp. Nếu khu nhà ở này hình thành sẽ giải quyết được 5.000 chỗ ở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút công nhân.

“Công ty Tài Kim Anh mong dự án này xây dựng càng sớm càng tốt. Nếu được, Nhà nước nên giao cho các doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án này. Nếu được giao đất, công ty chúng tôi xây dựng 6 tháng sẽ có nhà giao cho công nhân”, ông Trung chia sẻ.

Người lao động cần thêm giá trị tinh thần

Tại buổi họp mặt, đối thoại doanh nghiệp đầu năm 2022 do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) Trần Văn Phẩm nói rằng ông rất đồng cảm và chia sẻ với các doanh nghiệp về tình hình khó tuyển dụng lao động. Vị này nhận định trong tương lai sẽ tiếp tục khó và thời gian xa hơn nữa thì càng khó.

Mô hình khu nhà ở xã hội của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Dầu khí Cửu Long. Ảnh: Nhật Tân.

Theo người đứng đầu Stapimex, thu nhập của người lao động hiện nay ở mức đủ trang trải cho sinh hoạt gia đình và có dư, không túng thiếu như trước đây. Do đó, một bộ phận lao động không còn chú ý nhiều đến cơm, áo, gạo, tiền mà chú trọng nhiều vào các giá trị tinh thần khác.

“Vì vậy, người lao động còn cần thêm không gian, sản phẩm về tinh thần khác bên cạnh vật chất. Họ cần giải trí, du lịch. Vì vậy, để thu hút người lao động, các địa phương cần định hướng thêm vào những giá trị tinh thần nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Trần Văn Phẩm chia sẻ.

Nói với Zing, ông Nguyễn Triệu Dõng cho biết tại khu đô thị 5A ở phường 4, TP Sóc Trăng, doanh nghiệp đã quy hoạch khu nhà ở xã hội 8 tầng với 960 căn. Đây là khu nhà ở xã hội sang trọng, lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp và hưởng thụ các giá trị tinh thần khác của người lao động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng, nói rằng lĩnh vực nhà ở công nhân rất được thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm. Vì vậy, Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thống nhất đầu tư hơn 200 tỷ đồng để đầu tư hệ thống hạ tầng khu nhà ở công nhân tại Khu Công nghiệp An Nghiệp.

Trước đó, giai đoạn 2019-2020, tỉnh đã giải phóng mặt bằng 5 ha ở khu vực dự án nhà ở công nhân và mở một trục đường vào đây. Khu vực này trong tương lai sẽ có khoảng 2.000 căn hộ dạng chung cư và 200 căn nhà liên kế cho công nhân.

“Chúng tôi nắm được là lãnh đạo tỉnh đã giao cho Ban Quản lý dự án 2 đầu tư toàn bộ hệ thống hạ tầng để đủ điều kiện xét chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà ở công nhân. UBND tỉnh đã có văn bản giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối xem xét chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân”, ông Hoàng nói.

Việt Tường

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-mien-tay-mong-chinh-sach-giu-chan-lao-dong-post1297027.html