Doanh nghiệp mang đất nhà nước cho thuê: TP.HCM xử rắn

Công ty TNHH MTV 27/7, được giao 4 mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người khuyết tật, nhưng lại đem cho thuê lại.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa có văn bản "nghiêm khắc phê bình" ban lãnh đạo của công ty này trong việc quản lý, sử dụng không đúng mục đích, quy định đối với nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Lãnh đạo TPHCM yêu cầu công ty này phải thanh lý hợp đồng, chấm dứt việc cho thuê tại địa chỉ 160 Đại lộ 3 (phường Phước Bình, quận 9), 73 Trần Bình Trọng (quận Gò Vấp), 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh).

“Trường hợp công ty vẫn tiếp tục cho các đơn vị khác thuê, thành phố sẽ thu hồi theo quy định”, văn bản của UBND.TP nêu rõ.

UBND TP cũng buộc công ty dời văn phòng về số 449 Nguyễn Chí Thanh (quận 5), bàn giao nhà đất 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh cho Sở LĐTB-XH quản lý. Ngoài ra, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước này phải làm thủ tục bàn giao gần 700 m2 đất trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức cho Sở Xây dựng.

Bến xe 'lậu' của công ty Thành Bưởi tại TPHCM

Chủ tịch TPHCM giao Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) kiểm tra tình hình thu chi, hạch toán số tiền thu được từ việc Công ty 27/7 cho thuê nhà đất trước đó.

Trước đó, một trường hợp vi phạm tương tự cũng xảy ra trên địa bàn TPHCM, Công ty Cổ phần giày Sài Gòn sử dụng một phần diện tích đất Nhà nước tại số 419 đường Lê Hồng Phong cho thuê trái phép.

Đơn vị này được xác định không sử dụng đúng chức năng đất công nghiệp sạch mà cho công ty vận tải Thành Bưởi thuê làm bến xe lậu, hoạt động đón trả khách ngày đêm. Việc này được cho là ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu dân cư, gây mất trật tự lòng lề đường, an toàn giao thông trên địa bàn.

Qua kiểm tra và xác định sai phạm, UBND quận 10 đã yêu cầu công ty Cổ phần giày Sài Gòn dừng ngay lập tức hành vi này. Đồng thời kiến nghị lên UBND TPHCM thu hồi lại phần đất cho Công ty vận tải Thành Bưởi thuê lập “bến xe lậu” để xây dựng trường học đạt chuẩn và theo đúng quy hoạch của Quận.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đã từng phải chỉ đạo thẳng: "Dẹp ngay bến lậu Thành Bưởi, không lòng vòng nữa", đến ngày 30/10/2016 phải giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Hiện tượng một số DNNN có quỹ đất lớn, vị trí lợi thế cho kinh doanh, nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải di dời đã không thực hiện trả lại đất cho Nhà nước, mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp, ngày một phổ biến này, thực chất là một chiêu thức lách luật để chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư.

Việc thành lập công ty liên doanh, hợp tác đầu tư đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ đích danh là “hình thức và không minh bạch trong phương pháp xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn”.

Đây cũng là lý do mà nhiều chuyên gia cho là kẽ hở khi cổ phần hóa các công ty quốc doanh nắm trong tay hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn mét vuông “đất vàng” tại các thành phố lớn.

Về vấn đề trên, TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích, hàng loạt các cao ốc thi nhau mọc trên đất di dời, cổ phần hóa doanh nghiệp như tòa nhà 8B Lê trực, Công ty CP Dệt Mùa Đông ở 47 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội)… các dự án được xây dựng trên khu đất cổ phần hóa do DNNN nhượng lại hoặc phát triển trên đất cổ phần hóa.

Mới đây nhất là khu đất của Xí nghiệp cơ khí Hà Nội đang thực hiện xong việc nhượng lại khu triển lãm Giảng Võ Hà Nội và sẽ còn nhiều dự án tương tự như vậy nữa.

Về lý thuyết, đất vàng sau khi DNNN di dời phải được bàn giao lại cho địa phương hoặc các bộ ngành quản lý. Khu đất ấy sẽ xác định có thể là trụ sở các sở, ngành của thành phố, khách sạn, công viên, nhà trẻ, trường học, thậm chí là nhà đỗ xe cao tầng...

Trong trường hợp muốn bán lại, nhượng lại cho chủ đầu tư khác phải tổ chức đấu thầu, phải qua cạnh tranh mới có giá thực sự, nếu không người dân sẽ không biết giá thực là bao nhiêu.

Nhưng thực tế, hầu hết các khu đất vàng đều được chuyển nhượng, sang tên hoặc chỉ định đầu tư mà không hề qua đấu giá công khai, nên mới xảy ra thất thoát, lãng phí rất lớn.

Trong khi, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế cho rằng, những vướng mắc trong định giá tài sản khi CPH thấp đang dẫn đến thất thoát tiền của nhà nước, thậm chí đất công đoàn sở hữu với giá trị thương mại rất lớn sẽ bị CPH giá bèo.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/doanh-nghiep-mang-dat-nha-nuoc-cho-thue-tphcm-xu-ran-3322414/