Doanh nghiệp hỗ trợ vốn đầu tư cho nông dân bị thiệt hại do trồng đu đủ ở Thái Hòa

Sáng 18/8, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tây Hiếu, các hộ xã viên và đại diện Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods có cuộc làm việc tại UBND xã Tây Hiếu để giải quyết vụ việc người dân phải chặt bỏ sản phẩm đã ký kết trồng, bao tiêu với Công ty.

Sau khi Báo Nghệ An đăng bài về 13,6ha cây đu đủ của HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu đã vào vụ thu hoạch, sản lượng gần 2.000 tấn quả không được thu mua theo hợp đồng cam kết đã khiến người dân đứng ngồi không yên, nguy cơ mất trắng trên 7 tỷ đồng, ngay trong sáng 18/8, đại diện Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods đã có cuộc làm việc với HTX, các hộ xã viên, dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Người dân xã Tây Hiếu phải hủy bỏ số lượng quả chín khi doanh nghiệp thông báo dừng thu mua. Ảnh: HT

Tại cuộc làm việc, ông Phạm Duy Thái – Giám đốc Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng theo đúng những điều khoản đã ký kết, tiếp tục thu mua sản phẩm đến khi hết hợp đồng là ngày 31/12/2024.

Ông Thái cũng cho biết, Công ty cổ phần KingFoods là doanh nghiệp thực hiện hợp đồng thu mua và là đối tác lớn của Chanh leo Nafoods xuất khẩu nông sản sang thị trường Nga. Tuy nhiên, do chiến sự Nga - Ukraine khiến việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nga bị ảnh hưởng, dẫn đến không có nguồn tiêu thụ, nên công ty tạm dừng thu mua như đã cam kết.

Khi đưa đu đủ về trên đất Thái Hòa, công ty kỳ vọng đưa một giống cây trồng mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn và sự việc xảy ra là ngoài mong muốn. Trên tinh thần cầu thị, đại diện công ty mong rằng hai bên sẽ thỏa thuận để đền bù lượng quả đã bị hư hỏng cho bà con. “Công ty sẽ hỗ trợ 50% đối với những khối lượng quả đã bỏ đi, và những quả còn lại sẽ tiếp tục thu mua theo giá đã cam kết” - ông Thái đề xuất tại cuộc làm việc.

Ông Nguyễn Quang Trung - đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tây Hiếu cho biết: Từ thời điểm công ty có thông báo ngừng thu mua sản phẩm thì bà con xã viên không thực hiện chăm sóc, quả chín trên cây đã nhanh chóng hư hỏng, sâu bệnh, sản lượng quả còn lại cũng theo đó giảm số lượng và chất lượng. Đề nghị công ty có phương án thích hợp để hỗ trợ bà con trên tinh thần giảm thiểu thiệt hại cho hai bên.

Đu đủ của Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu bị hư hỏng số lượng hàng trăm tấn. Ảnh: Hoài Thu

Anh Hồ Hữu Hùng - người trực tiếp làm vườn cho rằng, chúng tôi đã thực hiện đúng theo đúng hợp đồng công ty ký kết. Năm nay thời tiết cực đoan, nắng nóng khắc nghiệt, chúng tôi đã phải bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư hệ thống tưới, phân bón, công sức bỏ ra quá lớn. Nhưng sau khi công ty thông báo chấm dứt hợp đồng, người dân đã dừng chăm sóc. Tâm lý người dân chán nản, không chăm sóc khiến sâu bệnh, cây thoái hóa, ngay cả các quả xanh cũng đã nhiễm bệnh.

Ông Dương Hoàng Đức - thành viên trồng 1ha được đánh giá đẹp nhất, quả chất lượng cho biết: Việc công ty thông báo chấm dứt hợp đồng khiến người dân chúng tôi choáng váng. 1ha người dân chúng tôi đầu tư 180 - 200 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. “Tôi mong muốn công ty hỗ trợ chi phí đầu tư 250 triệu đồng/ha” - ông Đức đề nghị.

Theo chia sẻ của cả người dân và đại diện doanh nghiệp thì sự việc không ai mong muốn. Ông Dương Hoàng Đức cho biết, sau gần 1 năm chăm sóc, trồng trọt, đầu tư hàng trăm triệu vào đồng ruộng, bỗng nhiên có thông báo không thu mua nên gia đình ông cuộc sống như bị đảo lộn, gia đình lục đục, ăn không ngon ngủ không yên.

Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu và doanh nghiệp đối thoại để tháo gỡ khó khăn. Ảnh: Thu Huyền

Anh Nguyễn Hồng Lĩnh, hội viên hợp tác xã cũng bộc bạch, khi nhận hợp đồng trồng đu đủ, chúng tôi đã rất mạnh dạn khi lần đầu tiên thực hiện trồng loại cây này. Và thực tế cho thấy cây cho năng suất rất cao. Để đến sự việc như hôm nay trước hết là do lỗi của công ty, nên trước hết đề nghị công ty đền bù như hợp đồng đã ký kết. Hiện nay hầu hết vườn cây quả người dân trồng đã bị nhiễm bệnh, hầu như không đủ khả năng đáp ứng chất lượng theo yêu cầu hợp đồng. “Cho nên chúng tôi không đồng ý phương án tiếp tục thu mua mà phải thanh lý hợp đồng và đền bù thiệt hại” - anh Lĩnh cho biết.

Sau khi nghe ý kiến trao đổi giữa các bên, bà Nguyễn Thị Trang - Giám đốc Công ty cổ phần Kingfoods, là đơn vị ký kết với Công ty Chanh leo Nafoods thu mua, chế biến sản phẩm đu đủ sấy dẻo để xuất khẩu vào thị trường Nga, cho biết, việc phát triển vùng nguyên liệu mới chỉ là đang giai đoạn ban đầu. Bà Trang thống nhất phương án thanh lý hợp đồng; đồng thời mong muốn hai bên tiếp tục đồng hành trong thời gian tới khi thị trường khởi sắc.

Doanh nghiệp cam kết hỗ trợ chi phí đầu tư cho người dân 225 triệu đồng/ha trồng đu đủ. Ảnh: Thu Huyền

Kết thúc cuộc làm việc, hai bên đi đến thống nhất phương án thanh lý hợp đồng, đền bù 225 triệu đồng/ha; chậm nhất đến ngày 21/8/2023 sẽ hoàn tất các thủ tục thanh lý hợp đồng và chuyển tiền cho bà con. Ngoài ra, 50% số tiền mua cây giống người dân còn nợ công ty thì công ty cũng đồng ý hỗ trợ bà con (cụ thể là 8 triệu đồng/ha).

Giám đốc Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods cũng cho biết, số cây, quả còn lại bà con tùy ý tiêu thụ, phía công ty sẽ cùng đồng hành tìm đầu ra giúp bà con. Hiện nay, nhiều tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố Vinh, một số siêu thị đã kết nối mong muốn thu mua...

Thu Huyền - Hoài Thu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/doanh-nghiep-ho-tro-von-dau-tu-cho-nong-dan-bi-thiet-hai-do-trong-du-du-o-thai-hoa-post274960.html