Doanh nghiệp được mùa xuất khẩu phân khúc hàng bình dân

Ngay những ngày đầu năm 2024, hoạt động cung ứng hàng hóa xuất khẩu đón nhận tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mặt hàng tiêu dùng truyền thống liên tiếp có nhiều đơn hàng mới ở những thị trường khó tính của châu Á, châu Âu và Mỹ.

“Quà quê” đón tết ở nước ngoài

Không chỉ duy trì ổn định việc cung ứng cho thị trường nội địa, các sản phẩm: muối tiêu chanh, rau răm, chanh ớt xanh và tắc xí muội của Doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm Ngọc Lan, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã nhận được một số đơn hàng sang Hàn Quốc, Singapore và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Mặt hàng tiêu dùng Tết như tắc xí muội cũng có thêm đơn hàng xuất sang châu Âu phục vụ kiều bào vui xuân.

Bà Trần Thị Ngọc Lan, chủ doanh nghiệp này cho biết, đơn hàng ổn định liên quan đến giá thành. Những đối tác nước ngoài vẫn đặt hàng các sản phẩm của Bến Lức, Long An vì giữ được hương vị quê hương thuần chay. Hơn nữa đây là vùng nguyên liệu đã được kiểm soát chất lượng khi xuất tươi cho các thị trường châu Âu và Trung Đông, giá trung bình chỉ từ 10.000 - 60.000 đồng/sản phẩm.

Doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm Ngọc Lan, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có đơn hàng nhờ tham gia nhiều diễn đàn xúc tiến thương mại (Ảnh: Nguyễn Quang)

Các dòng hàng bình dân dù được sản xuất thủ công nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP ít nhất 3 sao. Mỗi đợt xuất đi khoảng 500 thùng (50-60 chai/thùng), dịp cao điểm Tết, đơn hàng tăng ít nhất từ 30 đến 50%.

“Để kiểm soát chất lượng, mỗi lô sản xuất đều được kiểm tra và lưu mẫu để kiểm định. Trong quá trình chế biến, nguyên liệu được trữ kho lạnh. Chanh, ớt cũng vậy, không phải lúc nào cũng có. Chanh ớt xuất tươi phần nào còn lại phải trữ kho lạnh để làm dần”, bà Lan nói.

Thị trường tiêu thụ các món ăn truyền thống ngày Tết có dấu hiệu tích cực ngay từ đầu năm 2024. Bạn hàng ở nước ngoài đặc biệt ưa chuộng các loại trái cây sấy dẻo “mộc”, ít tẩm ướp gia vị. Hạn chế lớn nhất của các loại sản phẩm này là giữ được màu sắc, mùi vị để đi xa rất khó, thế nhưng vẫn vươn ra nhiều thị trường ở nước ngoài cho thấy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sự đầu tư bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng, từ công đoạn bảo quản nguyên liệu sản xuất cho đến khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng, thông qua việc đẩy mạnh tiêu thụ, giải quyết khó khăn về logictisc đối với hàng hóa không dùng chất bảo quản.

Trái cây sấy dẻo đắt hàng dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: Nguyễn Quang)

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại - Dịch Vụ Bắc Mỹ Thuận, tỉnh Tiền Giang, mọi năm, dòng sản phẩm chế biến từ các loại trái cây như: thơm (khóm), gừng, xoài sấy dẻo thường được xuất đi các nước Đông Âu, tuy nhiên năm nay ưu tiên thị trường Mỹ với dòng mít sấy dẻo. Do đối tác đặt hàng sớm, số lượng lớn nên nguyên liệu, nhân công cho sản xuất đều phải tăng gấp đôi. Trong tháng 1/2024, lô hàng hơn 50 tấn trái cây sấy dẻo OCOP 3-4 sao sẽ có mặt tại Mỹ theo đơn đặt hàng.

“Do sản xuất không kịp nên doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng, tập trung cho đơn hàng bên Mỹ. Tuy giá nguyên liệu đang tăng cao do cận Tết, hàng cũng hiếm… nhưng các doanh nghiệp nhỏ như mình ráng giữ giá như năm ngoái, lời ít chút nhưng bù lại lấy được số lượng để đảm bảo đủ việc cho lao động, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ địa phương”, bà Minh Thy cho biết.

Đa kênh kết nối xuất khẩu

Ngay từ cuối năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương nhiều tỉnh, thành đẩy mạnh kết nối tìm đầu ra cho các mặt hàng truyền thống. Ngoài việc tập trung nâng tầm sản phẩm, sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, đạt tiêu chuẩn… những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng truyền thống, vùng miền cũng được hỗ trợ chuẩn hóa thủ tục, bảo quản, vận chuyển, tìm kiếm đối tác mới...

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Taninh, tỉnh Tây Ninh, hạn chế trong các khâu tiếp thị, quảng bá và vận chuyển… đang là rào cản khiến sản phẩm truyền thống vùng miền chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Tây Ninh đang nỗ lực giải bài toán xây dựng thương hiệu, sản xuất nhỏ lẻ và thiếu đăng ký bảo hộ bằng việc tăng liên kết trong sản xuất. Công ty Taninh đang tìm kiếm đối tác và kết nối để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làm việc trực tiếp; hỗ trợ tư vấn hoàn thiện thủ tục và logistics. Nhiều mặt hàng bún, phở và bánh tráng của Tây Ninh đã và đang tiếp cận thị trường Mỹ, nhất là cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới.

Sản phẩm muối chanh đã giúp nông dân Long An tiêu thụ lượng hàng tồn sau khi xuất khẩu (Ảnh: Nguyễn Quang)

“Phải tối ưu tất cả chi phí thì sản phẩm Tây Ninh mới bán được nhiều hơn. Công ty Taninh được yêu cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về maketting, nhận diện thương hiệu mẫu mã bao bì… để làm sao khi trưng sản phẩm ra thì tự tin về chất lượng bên trong. Bên cạnh đó, ấn tượng của khách hàng đối với sản phẩm đặc trưng địa phương phải rất đặc biệt, đặc thù dễ dàng tiếp cận khách hàng. Rõ ràng ở thời điểm này phải bán những gì thị trường đang cần chứ không bán những gì mà doanh nghiệp đang có”, ông Sơn cho biết.

Khẳng định niềm tin của người tiêu dùng, trước hết là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu, đây cũng là tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Trong bối cảnh khó khăn, các mặt hàng truyền thống vùng miền cấp tập xuất ngoại đem lại nhiều tín hiệu vui và là điểm sáng đáng khích lệ về thị trường tiêu thụ và hoạt động xuất khẩu. Những bước đi ổn định, vững vàng cho thấy doanh nghiệp Việt đang hướng đến năm 2024 với khát khao chinh phục, mở rộng thị trường mới.

Nguyễn Quang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-duoc-mua-xuat-khau-phan-khuc-hang-binh-dan-post1069941.vov