Doanh nghiệp đề xuất tổ chức cuộc thi 'tìm kiếm virus trì trệ'

Cho biết doanh nghiệp sẵn sàng chỉ cho Chính phủ thấy virus trì trệ nằm ở đâu, đại diện một doanh nghiệp đề xuất qua tổ chức cuộc thi tìm kiếm.

Ngày 19/5, Văn phòng Chính phủ phối hợp với một số cơ quan tổ chức Hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp.

Dù ghi nhận nhiều lợi ích doanh nghiệp có được khi sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng còn rất thấp.

Dịch vụ trực tuyến nhưng không thực hiện được

Chia sẻ với tư cách vừa là chuyên gia tư vấn, vừa là người dân, vừa là chủ doanh nghiệp, ông Phan Vinh Quang nêu trải nghiệm vừa qua ông có cần đăng ký dịch vụ xuất khẩu mã vạch cho công ty nhưng không có dịch vụ trực tuyến nên phải đi làm trực tiếp.

“Trong lúc dịch Covid-19, tôi chỉ xin 1 cái mã vạch nhưng mất 2 lần chuyển tiền và phí, sau đó 1 lần phí đăng ký và 2 lần sau mới xin được mã vạch. Thời gian mất gần 1 tháng. Như vậy, vì dịch vụ chưa được tích hợp nên doanh nghiệp vẫn phải đi làm thủ tục trực tiếp, dù không phải trả phí không chính thức nhưng rất mất thời gian", ông nói.

Chuyên gia Phan Vinh Quang đề xuất tổ chức cuộc thi "tìm kiếm virus trì trệ". Ảnh: Nguyễn Nam.

Một lần khác, ông Quang đi xin giấy lý lịch tư pháp, dịch vụ này có trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp nhưng thực hiện trực tuyến không được. Ông phải lên trực tiếp Sở Tư pháp Hà Nội để được hướng dẫn, làm xong chờ nửa tháng sau hồ sơ trả lại và nói rằng cái này chưa đúng. Sau đó ông phải nhờ dịch vụ, chi phí lớn hơn nhiều so với chi phí chính thức.

Dẫn lại quan điểm của Thủ tướng về “virus trì trệ,” ông Quang kỳ vọng qua Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ phát hiện ra virus này, và doanh nghiệp sẵn sàng chỉ ra những con virus trì trệ tồn tại ở đâu.

Vị này đề xuất tổ chức cuộc thi hay phong trào “tìm kiếm virus trì trệ” để vượt qua đại dịch một cách tốt hơn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - chia sẻ lo lắng khi Thủ tướng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP và các bộ, ngành rất cố gắng nhưng các cơ quan triển khai trì trệ nên rất khó cải cách.

Bà cũng chia sẻ có những cái rất khó thực hiện. Ví dụ có người phản ánh chữ ký số phải đầu tư 2-2,5 triệu/chữ ký.

Dù Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói chỉ cần 1 chữ ký số, bà Cúc nói thực tế chưa phải thế. Doanh nghiệp phải dùng 1 chữ ký để nộp thuế, 1 chữ ký để nộp BHXH, 1 chữ ký để làm hải quan.

Đặc biệt là cá nhân có thu nhập từ tiền lương ở 2 nơi trở lên buộc họ phải tự quyết toán, muốn nộp trên mạng lại phải mua chữ ký số 2,5 triệu.

"Như vậy là rất đắt", bà Cúc nói.

Cơ quan chủ trì không biết tắc nghẽn ở đâu

Với việc vừa qua có thêm 6 dịch vụ được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại diện Bộ LĐTB&XH, bà Trần Thị Liễu - Trưởng phòng Kế hoạch thống kê, Vụ Kế hoạch - Tài chính, trình bày sơ lược quy trình để người dân, doanh nghiệp có thể thao tác, thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ từ Nhà nước.

Bà Liễu vừa trình bày xong, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ngay lập tức đặt câu hỏi: “Trong số 96 hồ sơ đề nghị hỗ trợ sau dịch Covid-19, có 2 hồ sơ chuyển cấp huyện, 31 hồ sơ chuyển BHXH, 63 hồ sơ thiếu thông tin. Vậy bao giờ hồ sơ đến cấp tỉnh để được duyệt? Thử chạy demo xem bao giờ lên đến tỉnh, xem thời hạn đề ra có đúng không, hay không biết bao giờ?".

Bà Trần Thị Liễu - Trưởng phòng Kế hoạch thống kê, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ LĐTB&XH. Ảnh: Nguyễn Nam.

Bà Liễu giải thích hiện chưa có quy trình hướng dẫn chính thức. Bởi Bộ Lao động đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính đưa ra mẫu biểu tài chính rút gọn để cơ quan chức năng thẩm định, ấn định thời hạn trả lời chậm nhất trước 10h ngày 8/5,nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời.

“Vì chưa có hướng dẫn chính thức, Bộ Lao động không được tham gia trực tiếp trong quá trình xử lý hồ sơ nên không biết tắc nghẽn ở đâu, vì sao lại có chuyện đó”, bà Liễu nói.

“Cơ quan chủ trì nói vậy, nếu tôi là doanh nghiệp thì tôi biết hỏi ai? Mỗi cơ quan phải làm thế nào có form mẫu, đơn giản hóa, giải quyết nhanh thủ tục. Cơ quan chủ trì lại bảo chưa có hướng dẫn làm sao lấy được tiền?”, Bộ trưởng Dũng truy vấn.

Đại diện Bộ Lao động cho rằng Bộ không thể đơn phương đưa ra mẫu riêng và đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm có ý kiến với Bộ Tài chính về việc thống nhất mẫu biểu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu mỗi cơ quan phải làm thế nào có form mẫu, đơn giản hóa, giải quyết nhanh thủ tục, sớm chi trả tiền hỗ trợ sau dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Nam.

Nói thêm về việc này, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan, cho biết cuối tuần qua các bên đã họp và cơ quan này đã đề nghị Bộ Tài chính sớm trả lời, nhưng đúng là có chuyện Bộ Tài chính còn chậm trễ.

“Tôi đề nghị Bộ LĐTB&XH cứ sử dụng form mẫu đã đưa ra. Nếu Bộ Tài chính có ý kiến khác thì họ sẽ đưa ra quan điểm hay biểu mẫu”, ông Phan nói.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam - cho rằng việc còn quá ít doanh nghiệp sử dụng Cổng dịch vụ công là do quy định cũng như các thủ tục đưa ra chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Ví dụ với gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, Bộ Lao động nói người lao động tạm dừng lao động, nghỉ không lương để được hưởng 1,8 triệu thì điều kiện doanh nghiệp đó phải “không có doanh thu, tài chính rất khó khăn”.

“Đó là cái không hợp lý, vì muốn biết khó khăn thế nào lại phải báo cáo, phải xét duyệt. Vô hình trung là điều kiện ta đưa ra làm cho việc ta triển khai thực hiện không hiệu quả, nên đến nay nhiều người lao động và doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ này”, ông Cẩm nói.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-de-xuat-to-chuc-cuoc-thi-tim-kiem-virus-tri-tre-post1086311.html