Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hướng ra thị trường toàn cầu

Những năm qua, doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam đã có sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, khẳng định được chỗ đứng ở thị trường trong nước.

Các đại biểu tham quan sản phẩm công nghệ số tại Triển lãm chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo Hà Nội năm 2022.

Tuy nhiên, ở thị trường quốc tế thì Việt Nam chưa có nhiều DN tạo dựng được tên tuổi. Vì vậy, cần thiết có sự định hướng của Chính phủ và sự dẫn dắt của DN lớn để có thêm nhiều DN số Việt Nam chinh phục biển lớn.

Việt Nam có hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD. Số lượng DN công nghệ số hơn 70.000, trong đó có khoảng 1.400 DN đã có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế. Ở thị trường trong nước, các DN công nghệ số Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, ở thị trường quốc tế, phần lớn các DN mới đầu tư ở quy mô nhỏ, chỉ số ít DN mạnh dạn đầu tư quy mô lớn và đã tạo dựng được chỗ đứng, như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn FPT...

Ông Joseph Saib, Tổng giám đốc Công ty Tel.red (Hoa Kỳ) thông tin, khoảng 70% các tổ chức trên thế giới có những hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, 40% DN có ngân sách dành cho chuyển đổi số. Trên toàn cầu, khoảng 2.000 tỷ USD đã được các công ty chi cho chuyển đổi số trong năm 2019. Dự đoán tổng đầu tư cho chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ tăng lên 7.000 tỷ USD trong năm 2023. Ông Joseph Saib đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về công nghệ và không nên bỏ lỡ cơ hội chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Để làm được điều đó, các DN Việt Nam phải tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế và có cách tiếp cận đúng đắn cũng như chiến lược chuyển đổi số phù hợp.

Chia sẻ về thành tựu tại thị trường quốc tế của Tập đoàn Viettel, ông Lê Minh Hà, Giám đốc Giải pháp quốc tế, Tổng công ty Giải pháp DN Viettel cho biết, sau nhiều năm nỗ lực không ngừng đầu tư ra nước ngoài, đến nay, Viettel đã có mặt tại 11 quốc gia, cung cấp dịch vụ cho hơn 220 triệu khách hàng tại 3 châu lục (châu Á, châu Phi, châu Mỹ). Hiện Viettel đang giữ vị trí số 1 về viễn thông tại 5 thị trường gồm: Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi. Bên cạnh đó, Viettel cũng tham gia vào nhiều lĩnh vực khác, như: Chuyển đổi số, giáo dục, thương mại điện tử... ở các thị trường trên. Tính đến hết quý III năm 2022, thị trường quốc tế đã mang về cho Viettel hơn 6.300 tỷ đồng.

Cần có doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành công nghệ thông tin, mở ra cơ hội cho các DN đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Để làm được điều này, Việt Nam cần có một cộng đồng các DN công nghệ thông tin vững mạnh. Trong đó, các đơn vị có vai trò tiên phong cần thể hiện sự dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trở thành người đồng hành với các DN Việt Nam khác tại cả thị trường trong và ngoài nước. Qua đó thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chính phủ cần tạo ra những bài toán lớn cho DN, thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng số, hệ sinh thái số "make in Vietnam" cho từng ngành, từng lĩnh vực. Đồng thời, Việt Nam cần thay đổi chính sách nhanh hơn để phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghệ số.

Nói về điểm hạn chế của DN số Việt Nam, ông Hoàng Tuấn Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ VMO Holdings-đơn vị đang hoạt động tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan cho biết, nhân lực tại DN Việt Nam hiện còn yếu về trình độ ngoại ngữ, do đó rất khó cạnh tranh với các DN Ấn Độ và Âu Mỹ. Bên cạnh đó, DN Việt Nam thường thiếu tư duy phản biện, trong khi khách hàng, đặc biệt là khu vực Âu Mỹ lại đánh giá rất cao điều này trong khâu tư vấn. "Việt Nam cần xây dựng các trung tâm, văn phòng công nghệ tại những thị trường lớn thế giới nhằm giúp DN Việt Nam kết nối với nước ngoài", ông Hoàng Tuấn Hải đề xuất.

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển DN công nghệ số lần thứ IV, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thị trường nước ngoài rất khổng lồ, do đó, chúng ta phải cùng nhau, phải thay đổi cách làm, cách đi. Các DN lớn có vai trò dẫn dắt, mở đường cho các DN đi sau để cùng nhau tạo sân chơi, đoàn kết tạo thành sức mạnh chứ không thể đi ra nước ngoài một cách đơn lẻ. Trong khi đó, dư địa thị trường trong nước còn rất lớn, bằng chứng là nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam. Với thị trường trong nước phải đặt ra các bài toán thật cụ thể và làm đến cùng, hoàn thiện sản phẩm để người dùng không phải bận tâm và nghi ngờ.

Phó thủ tướng yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về thể chế, tháo gỡ vướng mắc từ các thông tư, nghị định, luật pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho DN số Việt Nam phát triển. Tập trung hơn vào đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin chất lượng cao. Với mục tiêu đào tạo 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin, chúng ta phải có giải pháp đặc biệt và đột phá trong đào tạo thì mới thực hiện được. Chẳng hạn, mô hình đại học số là giải pháp quan trọng nhưng cần lưu ý, không thể duy trì các quy định đào tạo cũ.

Bài và ảnh: La Duy (qđnd.vn)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-nam-huong-ra-thi-truong-toan/d20230207105419139.htm