Ngành Điều dưỡng khó tuyển vì khi đi làm căng thẳng, áp lực mà thu nhập lại thấp

Để thu hút và giữ chân đội ngũ điều dưỡng, một số địa phương đang tích cực đưa ra các giải pháp, đề xuất.

Theo chia sẻ từ một số lãnh đạo địa phương, cơ sở y tế, do cường độ làm việc căng thẳng, áp lực và thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống khiến nhiều người học ngại lựa chọn ngành Điều dưỡng, gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực này để tuyển dụng cho các cơ sở y tế.

Vai trò của người điều dưỡng ngày càng được nâng cao

Trước thực tế trên, trao đổi với Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Oanh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, tính đến cuối năm 2023, tỉnh Bến Tre có gần 2.000 điều dưỡng, hộ sinh, Kỹ thuật y. Số lượng Điều dưỡng trung cấp chưa chuẩn hóa trình độ từ cao đẳng trở lên là 250 (chiếm 13 % trên tổng số điều dưỡng) để đáp ứng đủ quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 07/10/2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y đến 01/01/2025.

Qua đánh giá thực trạng nguồn nhân lực y tế theo định mức quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT ngày 17/2/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, tỷ lệ bác sĩ và điều dưỡng hiện tại đáp ứng khoảng 70% so với định mức. Đối với khối bệnh viện, tỷ lệ điều dưỡng trên bác sĩ hiện là 1,8. Tỷ lệ này hiện tại chưa đảm bảo về cơ cấu theo định mức là 2,5 điều dưỡng/bác sĩ.

Như vậy, theo ông Oanh, về chất lượng, tình hình đội ngũ nhân lực điều dưỡng của tỉnh là tương đối đáp ứng về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chỉ còn 13% điều dưỡng viên trình độ trung cấp (số lượng này rơi nhiều vào trường hợp lớn tuổi hoặc đang đào tạo chưa ra trường …);

Về số lượng, hiện tại số lượng điều dưỡng viên chỉ đáp ứng khoảng 70% so với yêu cầu tối thiểu theo định mức vị trí việc làm quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT của Bộ Y tế;

Để đảm bảo đủ đội ngũ nhân lực điều dưỡng, trước mắt, Sở Y tế Bến Tre đã phối hợp cùng với Trường Cao đẳng Bến Tre tiếp tục có kế hoạch tuyển sinh ngành Điều dưỡng hệ cao đẳng hàng năm để bổ sung đội ngũ điều dưỡng thiếu hụt, tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh, phổ biến các thông tin về ngành học, cơ hội việc làm và chế độ ưu đãi học phí (giảm 70% học phí khi học ngành Điều dưỡng); phối hợp Sở Nội vụ xây dựng chính sách thu hút nhân lực và hỗ trợ cán bộ y tế, trong đó có mức hỗ trợ hàng tháng đối với chuyên ngành điều dưỡng.

Đồng thời, ngành Y tế của tỉnh cũng cùng với các đoàn thể của ngành thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đội ngũ điều dưỡng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách để hỗ trợ kịp thời; tích cực thông tin, tuyên truyền về nhu cầu điều dưỡng; thực hiện các giải pháp phù hợp với điều kiện của đơn vị chăm lo đời sống cho nhân viên, trong đó cần quan tâm tới đội ngũ điều dưỡng.

Thực tế hiện nay, theo ông Oanh, khi hệ thống y tế càng phát triển, vai trò của điều dưỡng viên tất yếu càng được nâng cao. Theo đó, người điều dưỡng không còn là người phụ thuộc mà là người phối hợp với bác sĩ, có vai trò, nhiệm vụ và chức năng lớn lao hơn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, người điều dưỡng thực hiện công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh một cách toàn diện, lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe người bệnh một cách hiệu quả nhất; là người đưa ra quyết định có liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh như mục tiêu, kế hoạch chăm sóc giúp cho người bệnh bình phục nhanh nhất.

Đáng nói, trên thực tế, việc tuyển dụng điều dưỡng viên tại nhiều cơ sở y tế hiện còn gặp phải một số khó khăn.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho rằng, lý do cốt yếu dẫn tới thực trạng trên chủ yếu là do cường độ làm việc căng thẳng, áp lực và thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống, dẫn đến việc một số điều dưỡng bỏ nghề, chuyển nghề hoặc chuyển ra môi trường ngoài công lập, những người ở lại phải gồng gánh thêm nhiều việc của lượng điều dưỡng thiếu hụt nên rất vất vả, trong khi thu nhập lại không được cộng thêm.

Đó là những nguyên nhân ngành này không hấp dẫn nên khó tuyển sinh, vì thế gây ra sự thiếu hụt nguồn điều dưỡng để tuyển dụng cho các cơ sở y tế.

Cũng theo ông Oanh, việc các trường cao đẳng đào tạo nghề điều dưỡng là tương đối quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi là nơi cung cấp nguồn nhân lực điều dưỡng chất lượng cao cho các cơ sở y tế, cập nhật kiến thức liên tục cho đội ngũ điều dưỡng trong thời buổi ngành điều dưỡng ngày càng phát triển theo chiều sâu, chuyên ngành.

Thế nhưng, hiện nay các trường cao đẳng khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu sinh viên đối với ngành học này là do người học phần nào bị tác động tâm lý chưa được xã hội đánh giá cao. Nhiều người vẫn còn quan niệm điều dưỡng là "nghề phục vụ, thực hiện y lệnh của bác sĩ".

Để đảm bảo đội ngũ nhân lực điều dưỡng trên địa bàn nói riêng và nước ta nói chung, ông Oanh cho rằng, các cơ sở đào tạo cần khảo sát nhu cầu của các địa phương; xin nâng chỉ tiêu đào tạo ngành Điều dưỡng và nâng cao chất lượng đào tạo để đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở y tế trong tỉnh và cả nước.

Không những vậy, cần đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh và phổ biến các cơ hội việc làm, chế độ chính sách cho người học; có sự kết hợp chặt chẽ giữa 03 bên là “Nhà tuyển dụng – Nhà trường – Người học” để thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội hoặc đặt hàng của đơn vị tuyển dụng; có chính sách đãi ngộ hợp lý cho nghề điều dưỡng chung cho toàn quốc.

Thúc đẩy thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đặc biệt cho đội ngũ điều dưỡng

Còn theo Thạc sĩ Huỳnh Tú Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai, đội ngũ điều dưỡng có vai trò rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi đang chiếm đến 2/3 số lượng cán bộ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bởi, các điều dưỡng chăm sóc phối hợp với kết quả điều trị.

Theo ông Tú Anh, thực trạng tình hình điều dưỡng của tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước hiện nay như có sự di chuyển từ vị trí công sang tư; việc tuyển sinh ngành Điều dưỡng của nhiều trường hiện gặp khó khăn; các cơ sở khó tuyển dụng đội ngũ điều dưỡng viên do không có nguồn đầu vào, mức thu nhập của đội ngũ điều nói chung vẫn chưa phù hợp với công sức bỏ ra, …

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai).

Riêng đối với tỉnh Đồng Nai cũng gặp một số thách thức trong việc tuyển dụng đội ngũ điều dưỡng chuyên khoa nhi rất bởi công tác chăm sóc nhi khoa đặc thù đòi hỏi nhân lực phải có kiến thức rộng và công việc rất áp lực.

Từ năm 2023, tỉnh Đồng Nai đã có chính sách hỗ trợ nhằm giữ chân đội ngũ điều dưỡng tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn như áp dụng thu nhập tăng thêm từ 2.000.000 đồng – 2.900.000 đồng/tháng tùy theo từng vị trí nên đến thời điểm hiện tại, tình hình đội ngũ điều dưỡng của tỉnh đã tương đối ổn định.

Cũng theo ông Tú Anh, chế độ miễn 70% học phí đối với ngành Điều dưỡng trình độ cao đẳng theo quy định hiện hành vẫn chưa thực sự đủ mạnh để thu hút được đủ số lượng người học đăng ký vào ngành Điều dưỡng tại các trường cao đẳng hiện nay.

Để thu hút được người học đăng ký tham gia vào ngành Điều dưỡng nhiều hơn, ông Tú Anh cho rằng, phải có chế độ đãi ngộ, chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học ngay từ đầu vào như khi học được cấp kinh phí, sau khi tốt nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi về cơ hội việc làm. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa cho đội ngũ điều dưỡng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phải làm sao để có giải pháp để tiếp tục tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng; trong các chính sách sắp tới trong vấn đề thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, các danh mục, liên quan phải thể hiện vai trò của người điều dưỡng.

Trong khi đó, theo bác sỹ Nguyễn Thị Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh), hiện trạm đang có 1 nhân lực điều dưỡng. Tuy nhiên, do trạm chưa được biên chế về cán bộ dược, vậy nên, ngoài công việc chăm sóc bệnh nhân, người điều dưỡng phải kiêm nhiệm cả về dược. Ngoài ra, tùy theo từng sự phân công của mỗi trạm, như tại Trạm Y tế xã Đồn Đạc khi có bệnh nhân điều trị nội trú, người điều dưỡng phải có trách nhiệm làm một số thủ thuật theo yêu cầu, chỉ định của bác sỹ và hoàn thiện hồ sơ bệnh án; phụ trách về vấn đề trang biết bị tài sản, phụ trách một số chương trình dự án, xét nghiệm cho bệnh nhân (sau khi hoàn thành chứng chỉ đào tạo về xét nghiệm).

Chị Thắng cũng cho rằng, việc các trường khó tuyển sinh được người học đối với ngành Điều dưỡng chủ yếu do mức lương của người làm nghề điều dưỡng còn thấp, đặc biệt là mức lương của những người mới tốt nghiệp ra trường khó có thể đủ sống được. Mức thu nhập tăng thêm cho người điều dưỡng còn thấp và phải phụ thuộc vào tùy từng tình hình thực tế của mỗi cơ quan.

Trong khi đó, công việc của người điều dưỡng lại rất vất vả, đặc biệt là những người làm việc ở các bệnh viện lớn khi họ phải làm việc cả ngày cả đêm.

Chính vì vậy, bác sỹ Thắng cho rằng, muốn thu hút được người học vào các trường đào tạo điều dưỡng để đảm bảo về đội ngũ nguồn nhân lực này trong tương lai, cần có chế độ, đãi ngộ tương xứng với công sức của người làm nghề điều dưỡng bởi phải “có thực mới vực được đạo”.

Căn cứ Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định về cách tính lương của điều dưỡng viên hiện nay như sau:

Lương điều dưỡng viên = Hệ số lương x Mức lương cơ sở

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-dieu-duong-kho-tuyen-vi-khi-di-lam-cang-thang-ap-luc-ma-thu-nhap-lai-thap-post242834.gd