Doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ, nhưng liên tục trúng 23 gói thầu tại Hải Dương với tỷ lệ tiết kiệm 'siêu thấp'

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lộc Bình (Công ty Lộc Bình) thành lập năm 2013, quy mô rất nhỏ nhưng liên tục trúng 23 gói thầu tại Hải Dương với trị giá hơn trăm tỷ đồng. Tuy vậy, giá trúng thầu so với giá dự toán lại không có chênh lệch nhiều.

Hành vi “thông thầu”, “gian lận” vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng, đấu thầu là công cụ quan trọng giúp Chính phủ quản lý chi tiêu, sử dụng nguồn vốn của Nhà nước có hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nhận diện rõ nhưng vướng mắc, bất cập trong luật Đấu thầu hiện hành, từ đó sửa đổi, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống.

Đấu thầu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đầu tư và xây dựng, hạn chế và loại trừ được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn ngân sách Nhà nước. Hoạt động đấu thầu cần công khai minh bạch, sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các chủ thể tham gia. Tuy nhiên sau 10 năm thi hành, Luật Đấu thầu đã đến lúc cần thiết sửa đổi, tuy nhiên cần nhận diện rõ những vướng mắc, bất cập tại để cải cách giải pháp sửa đổi luật hoàn thiện hơn.

Một số đại biểu cho rằng, các quy định về đấu thầu còn thiếu quy định cụ thể về hồ sơ mời thầu trong khi đây là nội dung rất quan trọng, nếu quy định không chặt chẽ dẫn tới tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh trong quá trình tổ chức đấu thầu; một số quy định trong văn bản hướng dẫn thực thi luật chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng tùy tiện trong phát hành hồ sơ mời thầu…

Mặt khác, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu còn một số mặt hạn chế, như hành vi “thông thầu”, “gian lận”… vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu.

Hay như đối với hình thức chỉ định thầu, han mức chỉ định thầu trong một số trường hợp đặc biệt lại cao hơn so với thông lệ quốc tế, cần phải giảm ngưỡng chỉ định thầu để phù hợp với thông lệ quốc tế và đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế việc chia dự án thành các gói thầu nhỏ, qua đó giảm số lượng và giá trị các gói thầu áp dụng chỉ định thầu.

Mặc dù luật hiện hành quy định đầy đủ về cơ chế giải quyết kiến nghị nhưng hiệu quả giải quyết vẫn còn rất thấp, khiến niềm tin vào sự công bằng, minh bạch trong đấu thầu bị ảnh hưởng, vì vậy, cần có quy định để lấp lỗ hổng pháp luật, đảm bảo quyền của các bên tham gia đấu thầu…Thậm chí có ý kiến cho rằng, một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành dẫn tới khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, có tình trạng nhà thầu có dấu hiệu không đủ năng lực nhân sự vẫn được chủ đầu tư phê duyệt trúng thầu.

Liên tục trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm dưới 0,1%

Theo tìm hiểu của Báo Nhà báo & Công luận, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trong vài năm trở lại đây, có một số doanh nghiệp liên tục trúng các gói thầu lớn của các cơ quan Nhà nước, nhưng lại có tỷ lệ tiết kiệm “siêu thấp”. Một trong số đó là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lộc Bình mới thành lập năm 2013, với quy mô nhỏ, nhưng lại có tỷ lệ trúng thầu… 100%.

Tính từ năm 2017 đến nay, công ty Lộc Bình đã tham gia và trúng 23 gói thầu tại Hải Dương với tổng giá trị 111,687 tỷ và có tỷ lệ trúng thầu là 100%. Trong số đó có 334,799 triệu là các gói chỉ định thầu. Đặc biệt, doanh nghiệp này hiện có tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 99,93%, tức là trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm dưới 0,1%, cụ thể:

Trong thời gian từ tháng 9/2018 đến tháng 10/2021, công ty Lộc Bình đã được ông Vũ Xuân Hào – Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) ký Quyết định phê duyệt trúng nhiều gói thầu. Hầu hết giá trúng thầu của công ty này so với giá thầu đều có tỷ lệ tiết kiệm thấp, có khi dưới 0,1%.

Đơn cử như vào ngày 28/9/2018, Công ty Lộc Bình đã trúng gói thầu thi công xây dựng nhà làm việc 2 tầng, trụ sở làm việc UBND xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà với giá gói thầu là 4.004.586.000 đồng. Giá trúng thầu là 4.003.405.000 đồng, tiết kiệm được 1.181.000 đồng cho ngân sách Nhà nước, với tỷ lệ tiết kiệm khoảng 0,029%.

Ngày 28/12/2018, ông Vũ Xuân Hào tiếp tục ký duyệt kết quả chọn nhà thầu cho công ty này gói thầu thi công xây dựng công trình “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới thôn Hải Hộ, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà” với giá gói thầu là 4.947.526.000 đồng. Công ty Lộc Bình đã trúng thầu với giá 4.939.234.000 đồng. Giá trúng thầu tiết kiệm được 8.292.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm khoảng 0,16%.

Ngày 30/10/2019, Công ty Lộc Bình tiếp tục trúng gói thầu “Cải tạo nhà làm việc hội trường, cổng tường rào và bảng danh hiệu đơn vị anh hùng LLVT nhân dân xã Hồng Lạc” với giá gói thầu là 2.445.387.000 đồng, giá trúng thầu là 2.440.480.000 đồng. Giá trúng thầu tiết kiệm được 4.907.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm khoảng 0,2%.

Đến ngày 12/10/2021, Công ty Lộc Bình trúng gói thầu “Xây dựng HTKT khu nghĩa trang cát táng tập trung thôn Đại Điền thuộc xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà”. Giá gói thầu là 1.761.050.000 đồng, giá trúng thầu là 1.758.796.000 đồng, tiết kiệm được 2.254.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm khoảng 0,12%.

Ngoài việc liên tục trúng thầu tại xã Hồng Lạc, Công ty Lộc Bình còn trúng nhiều gói thầu lớn tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương, cụ thể:

Vào ngày 27/8/2020, Công ty này đã trúng gói thầu thi công xây dựng công trình “Hạ tầng phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại bãi ngoài đê thôn Xuân Áng, xã Thanh Xuân. Hạng mục: Nền, mặt đường BTXM” với giá trúng thầu là 2.794.299.000 đồng. So với giá gói thầu là 2.795.822.000 đồng, giá trúng thầu tiết kiệm 1.523.000 đồng cho ngân sách Nhà nước, tỷ lệ tiết khoảng 0,05%.

Ngày 11/1/2021, Công ty Lộc Bình tiếp tục trúng gói thầu “Thi công xây dựng tuyến đường trục chính; Đường dây trung thế và TBA 560kVA-22/0,4kV thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 75ha phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương”. Giá trúng thầu là 5.799.214.000 đồng, so với giá dự toán gói thầu là 5.801.709.000 đồng, giá trúng thầu tiết kiệm 2.495.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm khoảng 0,04%.

Ngày 15/6/2021, ông Ngô Bá Định khi đó là Giám đốc Ban QLDA Xây dựng công trình tiểu dự án khu du lịch dự khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn, đã ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thi công xây dựng công trình “Tiểu dự án khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn, thôn An Lão, Xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà (Giai đoạn 1)”. Đơn vị trúng thầu là Công ty Lộc Bình với giá trúng thầu là 2.030.680.000 đồng, so với giá dự toán gói thầu là 2.033.254.840 đồng, giá trúng thầu tiết kiệm 2.574.840 đồng, tỷ lệ tiết kiệm khoảng 0,13%.

Tiếp đó vào ngày 30/9/2021, ông Ngô Bá Định với vai trò là Phó chủ tịch huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương ký Quyết định phê duyệt cho Công ty Lộc Bình trúng gói thầu “Thi công xây dựng công trình: Hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương, huyện Thanh Hà”. Giá trúng thầu là 10.911.836.000 đồng, so với giá dự toán gói thầu là 10.921.745.000 đồng, giá trúng thầu tiết kiệm 9.909.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm khoảng 0,09%.

Cũng tại huyện Thanh Hà, vào ngày 19/11/2021, Công ty Lộc Bình còn trúng gói thầu thi công xây dựng công trình “Hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương, huyện Thanh Hà”. Giá dự toán gói thầu là 6.708.766.000 đồng, giá trúng thầu là 6.700.299.000 đồng, tiết kiệm được 8.477.000 đồng với tỷ lệ tiết kiệm khoảng 0,13%...

Công ty Lộc Bình có quy mô thế nào?

Dù liên tục trúng thầu nhiều dự án nhưng thông tin và năng lực của công ty Lộc Bình lại là một dấu hỏi lớn. Theo tìm hiểu của Báo Nhà báo & Công luận, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lộc Bình được thành lập từ năm 2013 với quy mô rất nhỏ, vốn điều lệ đến cuối năm 2021 chỉ vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu thậm chí còn thấp hơn do lỗ lũy kế.

Quy mô tài sản của công ty Lộc Bình cũng khiêm tốn chỉ trên dưới 10 tỷ đồng và trồi sụt thất thường theo biến động của các khoản nợ phải trả. Nguồn tài trợ chính cho tài sản công ty chủ yếu đến từ nợ phải trả.

Những năm gần đây, khoản mục này thường xuyên gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, thấp nhất vào năm 2020, tỷ lệ này vẫn trên 2 lần. Thời điểm cuối năm 2021, con số này tăng vọt lên trên 4 lần do Lộc Bình tăng mạnh nợ phải trả thêm gần 60% trong khi vốn chủ sở hữu dậm chân tại chỗ.

Dù quy mô nhỏ tuy nhiên Lộc Bình lại có nguồn thu không đến nỗi nào. Doanh thu thường xuyên cao hơn nhiều so với tổng tài sản. Năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu 19 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ và cũng cao hơn 71% so với tổng tài sản tại thời điểm cuối năm.

Những năm gần đây, công ty kinh doanh vẫn có lãi nhưng rất mỏng, chỉ mang tính tượng trưng vài chục triệu đồng mỗi năm. Con số này không đủ bù đắp các khoản lỗ giai đoạn trước đó khiến Lộc bình lỗ lũy kế khoảng 100 triệu đồng vào cuối năm 2021.

Ánh Dương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-co-quy-mo-rat-nho-nhung-lien-tuc-trung-23-goi-thau-tai-hai-duong-voi-ty-le-tiet-kiem-sieu-thap-post242067.html