Doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để bức tử sông Hậu?

Nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp khoản tiền phạt hơn là xây dựng là lắp đặt hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra sông Hậu.

Nhắc tới những doanh nghiệp không thực hiện xử lý chất thải mà đổ ra môi trường bên dòng sông Hậu, ngoài nhà máy giấy Lee&Man cũng cần nhắc tới chuỗi doanh nghiệp nhỏ cả của Việt Nam lẫn nước ngoài tìm cách để xả nước thải chưa xử lý ra môi trường.

Trao đổi với Đất Việt về vụ việc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Huy Việt - Tây Đô (gọi tắt là Công ty Huy Việt) nhiều năm tìm mọi cách xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ khẳng định trước khi được cấp phép đầu tư, doanh nghiệp nào cũng phải được sự xem xét, kiểm duyệt các văn bản tác động môi trường hay hệ thống xử lý nước thải chịu trách nhiệm bởi Sở Tài Nguyên và Môi trường.

Một hệ thống xả thải trực tiếp ra sông Hậu bị phát hiện. Ảnh: CA TPHCM.

Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, Phó Giám đốc Sở, ông Nguyễn Minh Thế nhận định, việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp có xả thải ra môi trường hay không là trách nhiệm của cảnh sát môi trường.

"Doanh nghiệp nào cũng có các hệ thống xử lý nước thải nhưng có điều là họ không vận hành chúng. Để giám sát được quá trình này, cảnh sát môi trường mới là cơ quan có đủ chuyên môn nghiệp vụ và điều kiện để phát hiện ra các chiêu trò của doanh nghiệp", ông Thế cho hay.

Nếu có các hình thức xử lý, cơ quan này cũng là bên xử lý và không thông qua cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nhận định về việc các chế tài xử lý còn quá mỏng và chưa đủ sức răn đe khiến các doanh nghiệp vi phạm về môi trường chấp nhận nộp phạt để được tiếp tục kinh doanh nhận định, hiện nay, chế tài xử phạt về môi trường đã rất cao, doanh nghiệp chỉ khi bị cảnh sát môi trường bắt thì mới chịu nộp phạt nếu không cũng tìm đủ mọi cách để lẩn trốn.

Theo hồ sơ của hàng loạt các doanh nghiệp dọc sông Hậu, Công ty Huy Việt (sản xuất trong lĩnh vực gas CO2, hóa chất công nghiệp, có địa chỉ số 1904, QL91, phường Thuận An, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) từ năm 2011 đã vi phạm pháp luật về môi trường khi mẫu nước thải bề mặt thu được tại công ty vượt chỉ tiêu 16.000 lần.

Công ty Huy Việt thuê sà lan chờ trời tối đổ ra sông. Ảnh: CA TPHCM

Công ty này đã nhiều lần tìm cách xả thải chưa xử lý ra môi trường. Năm 2011, công ty này bị phạt 370 triệu đồng, năm 2013, doanh nghiệp thuê sà lan đổ ra sông Hậu 3.500m3 nước thải không qua xử lý; tới năm 2016, doanh nghiệp này bị phạt 800 triệu đồng.

Bên cạnh "bề dày xả thải" của Huy Việt, Công ty TNHH Ấn Độ Dương cũng từng bị phạt 45 triệu đồng năm 2008. Tới tháng 6/2015, công ty này bị phạt 312 triệu đồng.

Ngoài ra, các công ty cũng đã từng bị xử phạt nặng như Công ty TNHH MTV Ecotech Cần Thơ (hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại) xử phạt 904 triệu đồng và Công ty TNHH MTV Hồng Lĩnh (sản xuất đất sạch và giá thể vi sinh) xử phạt 1,3 tỷ đồng.

Đã đến lúc phải chọn môi trường

Theo nhận định của TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trường Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) hiện nay, những công ty nhỏ không có kinh phí và cơ sở vật chất như đất đai để xây dựng một hệ thống xử lý chất thải cơ bản nên đành chấp nhận nộp phạt để tồn tại.

"Nhiều công ty tôi chứng kiến không chỉ ở Cần Thơ, không chỉ là các công ty có đầu tư nước ngoài mà cả những công ty của Nhà nước nữa cũng có hoặc không cho vận hành hệ thống xử lý nước thải. Đó là điều đương nhiên, họ không muốn làm để tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất", TS. Tuấn nói.

Chính quyền nhận định rằng, những công ty này có đóng thuế và thu được ngân sách về cho địa phương nên cho họ tồn tại và phạt để cho họ tồn tại.

Do vậy, chính sách của Nhà nước hiện nay cần rõ ràng, nếu coi trọng vấn đề môi trường lên trước tiên thì cần phải tập trung các chính sách và chủ trương đầu tư vào nó.

Các doanh nghiệp nếu không thực hiện đúng các quy định thì buộc phải lựa chọn: tồn tại hay không tồn tại. Tiếp tục vi phạm thì buộc phải đóng cửa.

Những đóng góp của công ty cho toàn xã hội nếu không lớn thì cũng không còn lý do để tồn tại. Khi doanh thu mang lại nhỏ, chi phí lớn thì đương nhiên, lợi nhuận của họ mang lại không còn nhiều và đóng góp của họ với nhà nước cũng không còn lại bao nhiêu, trong khi đó lại gây ra các hậu quả môi trường thì đó lại là cái giá quá cao.

Hiện nay, môi trường đã xuống cấp trầm trọng, do vậy, cần xác định rõ tiêu chí, nếu đợi phát triển kinh tế lớn mạnh thì quay lại bảo vệ môi trường cũng đã quá muộn.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-chap-nhan-nop-phat-de-buc-tu-song-hau-3313974/