Doanh nghiệp băn khoăn 'chuyển đổi số bắt đầu từ đâu'?

Doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam vẫn băn khoăn với câu hỏi nên bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số, làm thế nào và với nguồn lực ra sao.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua các ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất” diễn ra ngày 22/3, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho hay, đây là những lo lắng của doanh nghiệp trước câu chuyện chuyển đổi số.

Xây dựng nhà máy thông minh, sử dụng robot trong sản xuất ô tô.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm NIC, trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Vì vậy, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển.

Hiện nay ở Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau nhưng cần phải triển khai với kế hoạch cụ thể và thiết kế sao cho phù hợp với công nghệ mới nhất hiện nay, giúp các doanh nghiệp được trải nghiệm các giải pháp công nghệ thực tế và trực quan.

“Nên làm gì để số hóa nhà máy, sản xuất thông minh và sản xuất xanh hơn. Doanh nghiệp cần bắt đầu tư đầu, làm thế nào, với nguồn lực ra sao”, ông Thịnh đặt vấn đề.

Ông Võ Hồng Kỳ, Giám đốc Siemens Việt Nam cho hay, bản thân chuyển đổi số chúng ta nghe rất nhiều, với Siemens - chuyển đổi số là quá trình thay đổi, hầu như mọi thứ từ con người, tới mô hình, cách thức. Chuyển đổi số giúp nắm bắt những cơ hội trong tương lai.

“Trước thách thức của biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, rõ ràng sự chuyển dịch của công nghệ đang thay đổi rõ rệt trong mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng tiếp cận nhiều hơn tới những thuật toán như điện toán đám mây…”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Được biết, tại hội thảo trên, các doanh nghiệp đã được cập nhật và trải nghiệm thực tế các giải pháp công nghệ mới nhất hiện nay như: Mechanical Design (thiết kế cơ khí), VR (công nghệ thực tế ảo), Mold Design (thiết kế khuôn), Scan 3D (quét 3D), IoT (Internet vạn vật)…

Cùng với việc tiếp cận các giải pháp tối tân, nâng cao chất lượng sản phẩm, các phiên tọa đàm, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm đến từ các chuyên gia công nghệ, với các chủ đề như nhà máy thông minh, nâng cao hiệu quả trong sản xuất…

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//cong-nghe/doanh-nghiep-ban-khoan-chuyen-doi-so-bat-dau-tu-dau-1091526.html