Không ngừng sáng tạo, cải tiến kỹ thuật

Tích cực đổi mới, sáng tạo, nhiều công nhân mạnh dạn đề xuất, thực hiện các cải tiến, giải pháp giúp rút ngắn quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp.

“Cây sáng kiến” của công ty

Nhiều đồng nghiệp quý mến gọi anh Tôn Long Viễn (37 tuổi), Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Điện tử Foster, KCN Tịnh Phong (Sơn Tịnh) là “cây sáng kiến” của công ty. Gắn bó với công ty từ năm 2012, anh Viễn có rất nhiều sáng kiến, chế tạo, sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ máy móc, tiết kiệm cho công ty đến hàng tỷ đồng.

Anh Tôn Long Viễn có nhiều giải pháp làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.

Anh Tôn Long Viễn có nhiều giải pháp làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu suất công việc, năm 2013, anh Viễn đã có sáng kiến chế tạo robot thay nhân công thực hiện công đoạn đóng và bốc hàng. Ban đầu công việc này cần 26 người/ca, từ khi có robot thay thế, chỉ cần một người kiểm hàng. Bên cạnh đó, trước đây, công nhân phải cầm từng đoạn dây tai nghe để người khác đo chiều dài, rồi cần đến người cắt dây. Nhận thấy công đoạn này tốn nhiều thời gian, anh Viễn đã sáng chế máy cắt dây tự động, giúp rút ngắn thời gian, quy trình sản xuất.

Năm 2019, công ty đứng trước áp lực chuyển đổi sản xuất từ tai nghe sang loa xe hơi để bắt kịp xu hướng thị trường. “Khách hàng mới rất khó tính, nếu tiến độ làm chậm sẽ mất đơn hàng, trong khi thời điểm đó công ty chưa có quy trình sản xuất sản phẩm mới. Cả công ty đối mặt với áp lực và thách thức rất lớn, phải nhanh chóng cải tạo, xây dựng lại hạ tầng, hệ thống thực hiện sản phẩm mới. Tôi phụ trách nhiệm vụ đảm bảo hệ thống, hạ tầng mới hoạt động. Chi phí mua máy mới từ nước ngoài rất đắt, nên tôi mạnh dạn đề xuất ý tưởng chi tiết về việc có thể sản xuất máy tương tự tại Quảng Ngãi. Tôi dùng phần mềm để thiết kế, trình chi phí sản xuất máy khoảng 30 nghìn USD. So với máy nhập về (giá 90 nghìn USD), máy do chúng tôi sản xuất giảm đến 1/3 chi phí. Đây là điều hoàn toàn chưa có tiền lệ, bởi từ trước đến nay, trong hệ thống của Tập đoàn chỉ mua máy về sử dụng. Sau khi cân nhắc, lãnh đạo Tập đoàn đồng ý triển khai, tôi huy động đồng nghiệp cùng tham gia”, anh Viễn cho hay.
Hiện nay, trong số 34 máy sản xuất tại công ty, có đến 30 máy do chính anh Viễn và đồng nghiệp chế tạo, chứng minh được năng lực, trình độ của nhân sự tại công ty. Niềm vui lớn lao của anh Viễn chính là góp phần sản xuất thành công mã hàng mới, mang lại công việc và thu nhập cho đội ngũ lao động. Năm 2023, anh Viễn đoạt giải Nhất cuộc thi cải tiến chất lượng của công ty. Sau đó, anh đại diện công ty tham dự và đoạt giải Đặc biệt tại "công ty mẹ" ở Nhật Bản.

Nhiều giải pháp hữu ích

Là chuyên viên bảo trì động lực tại Phòng Bảo trì, Khối sản xuất, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi), anh Đỗ Minh Quyết (35 tuổi) có nhiệm vụ lập kế hoạch, triển khai, giám sát bảo trì thiết bị khu vực động lực và thiết bị xử lý nước, thiết bị làm sạch đậu, thiết bị bóc vỏ đậu. Đồng thời, đảm bảo vận hành động lực đúng quy trình, hướng dẫn, cung cấp đủ hơi, nước lạnh, khí nén... cho thiết bị sản xuất. Anh Quyết đã tích cực tham gia các phong trào về “Ý tưởng sáng tạo”, “Sáng tạo kỹ thuật”, “Sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa” tại nhà máy. Các năm 2022, 2023, anh cùng với nhóm tác giả có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa trong sản xuất “Điều chỉnh chương trình đốt lò hơi nhằm giảm chi phí tiêu hao dầu diezel”, giúp tiết kiệm nhiên liệu cho nhà máy.

Anh Nguyễn Anh Tú nỗ lực trách nhiệm trong công việc và tham gia thực hiện nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Anh Nguyễn Anh Tú nỗ lực trách nhiệm trong công việc và tham gia thực hiện nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Còn anh Nguyễn Anh Tú (48 tuổi), chuyên viên Phòng Kỹ thuật Cơ điện, Nhà máy Bia Dung Quất (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) thì luôn tâm niệm phải nỗ lực, cố gắng trong mọi lĩnh vực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công việc của anh là đảm nhận bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị toàn nhà máy, tham gia lắp đặt thiết bị mới và đề xuất các phương án cải tiến thiết bị, đảm bảo quá trình khai thác thiết bị hiệu quả.

Nhà máy Bia Dung Quất thực hiện gia công bia xuất khẩu cho đối tác tại thị trường Nhật Bản, với hai loại lon 500ml và 330ml, đóng theo quy cách mỗi thùng bia 24 lon có 4 hộp, mỗi hộp chứa 6 lon. Công đoạn đóng pack thủ công nên tốn nhiều nhân công, thời gian. “Qua thời gian làm việc, nghiên cứu thiết bị tại nhà máy, tôi cùng đồng nghiệp trong Phòng Kỹ thuật Cơ điện lập phương án thiết kế, chế tạo máy đóng hộp 6 lon tự động, công suất 1.000 hộp/giờ. Việc đóng hộp bằng máy giúp khắc phục các nhược điểm, đảm bảo được độ đồng đều, mối dán keo bền chặt, việc in thời hạn trên hộp được thuận lợi, hạn chế được sự sai lệch... phục vụ kịp thời yêu cầu sản xuất và xuất khẩu. Chúng tôi triển khai giải pháp từ cuối năm 2022 đến nay. Giải pháp này có thể mở rộng áp dụng trong ngành chế biến thực phẩm đồ uống”, anh Tú cho hay.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/khoa-hoc/202405/khong-ngung-sang-tao-cai-tien-ky-thuat-d29108d/