Doanh nghiệp 24h: Chuyện doanh nghiệp buôn vàng - doanh thu cao vút, lợi nhuận “mất hút”

Mặc dù ngành kinh doanh vàng mang lại doanh thu rất lớn, tuy vậy lợi nhuận của SJC lại khá khiêm tốn.

Ảnh minh họa.

SJC: Doanh thu kinh doanh vàng 4.500 tỷ, lợi nhuận “lèo tèo” 2,5 tỷ đồng

Mặc dù ngành kinh doanh vàng mang lại doanh thu rất lớn, nhưng lợi nhuận của SJC lại khá khiêm tốn. Nguyên nhân được cho là do tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh vàng miếng - mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp là rất thấp, chỉ khoảng 0,1%-0,5%.

Trong khi đó, cùng kinh doanh vàng, nhưng biên lợi nhuận của PNJ cao hơn hẳn so với SJC nhờ chuyển đầu tư mạnh vào mảng vàng trang sức, đá quý. 6 tháng đầu năm 2016, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần hơn 3.938 tỷ đồng, chỉ bằng 38% so với con số SJC đạt được, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt lên tới 244,5 tỷ đồng, cao gấp 12 lần so với SJC. (Xem tiếp)

Tiền thu phí của Cienco 4 tăng cấp số nhân nhờ trạm thu phí Bến Thủy

Mặc dù BCTC 6 tháng của doanh nghiệp không đề cập cụ thể cơ cấu doanh thu nhưng nhìn chung, hoạt động của Cienco 4 vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xây lắp. Tuy vậy, số liệu ở BCTC các kỳ trước của doanh nghiệp cho thấy, cơ cấu doanh thu công ty mẹ đã có dịch chuyển lớn ở doanh thu thu phí, cụ thể doanh thu thu phí năm 2015 đạt gần 213 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2014. Đồng thời, tỷ trọng của mảng thu phí trong doanh thu cũng tăng từ mức 2,41% năm 2014 lên 3,47% trong năm 2015.

Cienco 4 cho biết, doanh thu thu phí tăng mạnh là do từ ngày 8/6/2014 trạm thu phí BOT Nam Bến Thủy Hà Tĩnh tăng giá vé theo lộ trình tăng vé của Bộ Tài chính. (Xem tiếp)

Thủy sản Hùng Vương báo lãi 500 tỷ đồng niên độ 2015 - 2016

Tổng doanh thu hợp nhất công ty ước thu về trên 20.000 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 500 tỷ đồng.

Trước đó, BCTC quý III niên độ 2015 - 2016 của công ty cho biết, 9 tháng đầu năm, công ty đạt hơn 14.936 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế hơn 315 tỷ đồng, hoàn thành 63,2% kế hoạch năm. Như vậy, với kết quả trên, ước tính HVG thu lãi khoảng 185 tỷ đồng trong quý cuối cùng của niên độ tài chính.

HVG cũng thống nhất xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu kinh doanh cho năm tài chính 2016 – 2017 để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua tại kỳ họp thường niên 2017 dự kiến tổ chức vào tháng 1 năm sau. (Xem tiếp)

VHC: Liên tục phá đỉnh, quỹ ngoại “xả” hết cổ phiếu chốt lời

Trong khoảng thời gian hơn 2 tháng trở lại đây, Red River Holding liên tục đăng ký bán cổ phiếu VHC với số lượng lớn, làm giảm tỷ lệ sở hữu từ 15,15% (gần 14 triệu cổ phiếu) xuống còn 8,52% (gần 7,9 triệu đơn vị), phần lớn các giao dịch đều được thực hiện thỏa thuận. Cũng trong khoảng thời gian này, giá cổ phiếu VHC liên tục thiết lập các đỉnh mới, và hiện đang được giao dịch quanh mức 62.100 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất kể từ khi cổ phiếu này lên sàn.

Được biết, Red River Holding là quỹ đầu tư được thành lập bởi Tập đoàn Artémis vào năm 2008, thuộc sở hữu của tỷ phú người Pháp François Pinault. Quỹ bắt đầu khoản đầu tư của mình vào VHC từ cuối năm 2008. (Xem tiếp)

“Ông lớn” xăng dầu từng tố cách tính thuế bất cập

Trước kỳ điều hành ngày 19/8 vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn 718/BTC-QLG ngày 18/8 cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt được tính toán theo Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định thuế tiêu thụ đặc biệt được tính trên mức giá đầu ra bao gồm cả các chi phí thay vì chỉ tính trên giá nhập khẩu trước đó.

Công văn này được ban hành sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex có công văn gửi Liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết, trong 3 kỳ điều hành giá xăng dầu kể từ 1/7 - 18/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tính “thiếu" giá cơ sở xăng dầu do vẫn dựa trên công thức cũ trước khi Nghị định 100/2016 của Chính phủ hướng dẫn các điều sửa đổi về thuế có hiệu lực.

Theo Nghị định 100 có hiệu lực kể từ 1/7/2016, Thuế tiêu thụ đặc biệt được tính bằng (=) (Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) Mức tríc quỹ bình ổn cộng (+) Lợi nhuận định mức) nhân (x) Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. (Xem tiếp)

Đổi chủ liên tục, nhưng ai là chủ sở hữu thực sự của “ông lớn” Cienco 4?

Năm 2014, Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 (Cienco 4) - một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường, hạ tầng giao thông trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải - đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với số lượng hơn 16,1 triệu cổ phần, giá trúng bình quân hơn 14.000 đồng/cp.

Sau đó, với việc Bộ Giao thông Vận tải thoái toàn bộ 35% vốn nhà nước (tương đương 21 triệu cổ phần) tại đây theo phương pháp thỏa thuận trọn lô cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc thì Tuấn Lộc đã nắm giữ 51,5% cổ phần và trở thành công ty mẹ của Cienco 4 (trước đó, Tuấn Lộc đã sở hữu 16,5%). (Xem tiếp)

Hoàng Anh Gia Lai đương nhiên được hưởng ưu đãi?

Theo Quyết định số 482QĐ-TTg (ngày 14/4/2010) của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam – Lào - Campuchia, thì các doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai khi đầu tư vào khu vực biên giới sẽ được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi.

Quyết định 482 khẳng định, để được hưởng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu vực biên thì nhà đầu tư phải “sản xuất chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; gắn hợp tác đầu tư với việc nâng cao đời sống cư dân biên giới và đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới”... (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-24h-chuyen-doanh-nghiep-buon-vang-doanh-thu-cao-vut-loi-nhuan-mat-hut-2024091.html