Đoàn kết, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền tại Khu di tích K9

Khu di tích K9 (Khu di tích Đá Chông, trước đây gọi là K84) nằm bên bờ sông Đà, thuộc huyện Ba Vì, TP Hà Nội, là một trong những địa danh lịch sử, văn hóa, di tích đặc biệt, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại đây, tháng 5-1957, trong một lần đi thăm, kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập, với tầm nhìn của một nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các cán bộ cùng đi xây dựng tại đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.

Năm 1959, Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần) được lệnh triển khai xây dựng khu căn cứ của Trung ương. Đồng chí Hoàng Linh, Cục trưởng Cục Doanh trại phụ trách, được giao thiết kế ngôi nhà hai tầng, phỏng theo kiểu nhà sàn. Đặc biệt, Bác đã trực tiếp duyệt thiết kế, cắm mốc, cắm hướng cho ngôi nhà chính-nơi hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương. Tháng 9-1959, công trình được khởi công; nhiệm vụ xây dựng được giao cho Bộ tư lệnh Công binh thực hiện. Ngày 15-3-1960, ngôi nhà hai tầng được hoàn thành, Bác Hồ trực tiếp lên dự lễ khánh thành. Cũng từ đó, nơi đây được đổi tên thành “Khu căn cứ K9” (gọi tắt là K9).

Bác Hồ và các cán bộ đi cùng nghỉ trưa tại Đá Chông trong chuyến kiểm tra ngày 23-2-1958. Ảnh tư liệu.

Từ năm 1960 đến 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã có nhiều cuộc họp quan trọng bàn về cách mạng Việt Nam và tiếp các đoàn khách quốc tế đặc biệt tại đây. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (tháng 9-1969), thi hài của Người chủ yếu được giữ gìn tại Đá Chông (1969-1975). Năm 1975, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành, ngày 18-7-1975, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định đón Bác từ K9 về Lăng của Người trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đá Chông được giao lại cho Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý, làm căn cứ dự phòng khi cần thiết.

Từ năm 1995, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, sau khi báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức đón tiếp, phục vụ các cơ quan, đơn vị, đoàn thể Trung ương, địa phương trong cả nước đến tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu di tích. Đến nay, Khu di tích K9 đã đón gần 55 nghìn đoàn đại biểu, với gần 2 triệu lượt người đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu vực và phục vụ hàng trăm buổi sinh hoạt chính trị, bảo đảm an toàn, chu đáo.

Trong giai đoạn mới, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng đã triển khai thực hiện tốt Kết luận số 328 của Bộ Chính trị, Đề án 2341 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy ý nghĩa chính trị văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới” và mở rộng tham quan Khu di tích K9. Từ ngày 19-5-2017, đơn vị đã tổ chức đón tiếp người nước ngoài vào tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu di tích K9.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Đoàn 285 (Đoàn Di tích K9) phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt, toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao. Đảng ủy Đoàn 285, các chi bộ có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, với các chủ trương, biện pháp dân chủ, phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, đoàn thể; quán triệt và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ với chất lượng, hiệu quả cao nhất; thường xuyên kiểm tra, sơ kết rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp. Trong thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối giữ bí mật quân sự, bí mật nhiệm vụ chính trị của đơn vị; tổ chức luyện tập thuần thục các phương án SSCĐ, phòng ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra. Tổ chức đón tiếp, phục vụ tận tình, chu đáo các đoàn khách trong và ngoài nước đến tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu di tích.

Tròn 60 năm đã qua, kể từ ngày Bác Hồ lên Đá Chông (5-1957/5-2017), Khu di tích K9 vẫn được giữ gìn nguyên vẹn và được mở rộng, xây dựng, nâng cấp khang trang. Phát huy ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa của Khu di tích K9 trong giai đoạn mới là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, là vinh dự, trách nhiệm đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, quân đội tin tưởng giao cho đơn vị, để nơi đây cùng với Lăng Bác thực sự trở thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống, nơi hội tụ trái tim và tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế, góp phần tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ kính yêu; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/doan-ket-sang-tao-hoan-thanh-tot-nhiem-vu-don-tiep-tuyen-truyen-tai-khu-di-tich-k9-508218