ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ VỀ BẢO VỆ RỪNG VÀ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

Sáng 8/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về bảo vệ, phát triển rừng bền vững và động vật hoang dã. Đây cũng là lần đầu tiên cử tri thuộc Hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh được 'đặt hàng' Đoàn ĐBQH nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết liên quan đến hoạt động của mình.

Tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri có ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế; bà Nguyễn Thị Sửu – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và ông Phạm Như Hiệp – Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.

Cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị cần xử lý nghiêm minh tình trạng săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã.

Theo báo cáo của Hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, địa phương đã trồng được trên 7.600 ha rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ FJC trên địa bàn. Công tác bảo vệ động vật rừng hoang dã được Hội chủ rừng phát triển bền vững hết sức quan tâm, thành lập mạnh lưới tuyên truyền “cộng đồng nói với cộng đồng”, nhờ đó ngăn chặn hiệu quả nạn săn bắt thú rừng. Hội đồng Nhân dân của các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đã ban hành Nghị quyết về bảo vệ động vật hoang dã. Đây là cơ sở để tập trung nguồn lực ngăn chặn tình trạng săn bắt cũng như tiêu thụ động vật rừng diễn ra thời gian quam

Cử tri các huyện Nam Đông, A Lưới kiến nghị cần xử lý nghiêm minh hơn hành vi tận diệt động vật rừng, có cơ chế khen thưởng, vinh danh người làm tốt trong công tác này. Kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế sớm có tiếp xúc cử tri chuyên đề về bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị cần sớm bổ sung một chương về Bảo vệ động vật hoang dã tại Luật Lâm nghiệp sửa đổi.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp thu và giải trình ý kiến cử tri.

Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định thời gian qua địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong ngăn chặn săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã. Địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị ngăn chặn nạn tận diệt chim trời, kêu gọi Phật tử không mua bán chim phóng sinh…. Đồng thời tiếp thu nghiêm túc các ý kiến kiến nghị, nhất là đối vấn đề sửa đổi Luật Lâm nghiệp bổ sung nội dung về bảo vệ đông vật rừng hoang dã. Đối với một số vấn đề khác, đoàn tổng hợp để làm việc với các ngành liên quan thời gian tới.

Tiểu Bảo

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=79625