ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN LẤY Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Chiều 04/10, tại Nhà máy Z115, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cơ quan Thường trực Ban soạn thảo, tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến dự án Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Trước đó, ngày 20/9/2023, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã họp cho ý kiến sơ bộ về Dự án Luật. Hiện nay, Cơ quan soạn thảo đang tiến hành hiệu chỉnh, chỉnh lý hồ sơ theo Kết luận tại Phiên họp và Báo cáo Thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (Cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật).

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Đoàn Thị Hảo cho biết: Tại kỳ họp thứ 6 sắp tới, Quốc hội dự kiến tiếp tục xem xét, thông qua 3 luật, cho ý kiến vào 2 dự thảo luật thuộc lĩnh vực quốc phòng – an ninh. Điều này thể hiện rõ nét sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác quốc phòng – an ninh, là minh chứng cho phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc kết hợp quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thông tin về các dự thảo luật thuộc lĩnh vực quốc phòng – an ninh được cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Hiện nay đóng chân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là Nhà máy Z131, Nhà máy Z115, Nhà máy Z127 và Kho K602 và Nhà máy Z115. Đây là những đơn vị có đóng góp rất quan trọng cho công nghiệp quốc phòng của đất nước.

Cũng theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Đoàn Thị Hảo, Hiện nay, cơ sở pháp lý chung điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp Quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp cao nhất là Hiến pháp 2013 (Điều 14, Điều 68), Luật Quốc phòng 2018, Luật Công an nhân dân và các Luật chuyên ngành khác.

Cơ sở pháp lý trực tiếp là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, Nghị định số 63/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công nghiệp an ninh và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Do đó, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết, nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng định hướng “Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ”; hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Sự ra đời của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thông tin về việc xây dựng dự án Luật

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết: do đặc điểm yêu cầu phát triển ngành công nghiệp Quốc phòng, nên dự thảo luật cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù riêng phù hợp. Những đặc điểm này, bao gồm việc quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng thành một mục riêng trong danh mục quy hoạch ngành quốc gia. Các hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, cần có cơ chế, chính sách đặc thù về thuế, phí, tiền sử dụng đất, ưu tiên nguồn lực đầu tư, thủ tục đầu tư. Đặc biệt là chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ. Theo quy trình hiện nay, thời gian từ nghiên cứu thiết kế đến sản xuất được sản phẩm thì phải mất 8 đến 10 năm, quy trình mua sắm vật tư đặc chủng trong nghiên cứu khoa học theo Luật Đấu thầu khó triển khai thực hiện, thủ tục thanh toán đề tài phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức… Do đó, cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù trong hoạt động khoa học công nghệ để khuyến khích nhà khoa học sáng tạo, đột phá về tư duy, cách làm….

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung về huy động các nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; Trách nhiệm quản lý nhà nước; Quy hoạch xây dựng xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh; hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ ….vvv

Thanh Nga

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=80606