ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN: HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, KHÁCH QUAN VÀ ĐÚNG THẨM QUYỀN

Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên được đánh giá là thực hiện đúng nội dung, chương trình, đảm bảo công khai, khách quan, đúng thẩm quyền. Các cơ quan, tổ chức chịu giám sát, khảo sát đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Đoàn ĐBQH tỉnh về việc báo cáo, cung cấp thông tin cần thiết phục vụ hoạt động giám sát.

Thông tin về công tác lập pháp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội và chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc lấy ý kiến vào các dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ Năm, thứ Sáu, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan vào 15 dự thảo Luật. Tổ chức 05 hội nghị lấy ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Việc tổng hợp, gửi ý kiến tham gia vào các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng và thời gian theo yêu cầu.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên (hàng đầu tiên) ấn nút biểu quyết bằng hệ thống điện tử tại Kỳ họp của Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ Năm và kỳ họp thứ Sáu Quốc hội khóa XV, các ĐBQH trong Đoàn đã tích cực nghiên cứu các nội dung, tài liệu kỳ họp và có trên 60 lượt phát biểu tại các phiên thảo luận tổ và tại hội trường tham gia vào các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; đồng thời cùng với Quốc hội xem xét, quyết định thông qua 15 dự thảo Luật và 25 nghị quyết; Cho ý kiến lần thứ ba về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu về 08 dự án Luật.

Đối với công tác giám sát: Tại kỳ họp thứ Năm và kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tỉnh Điện Biên đã cùng với Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình Mục tiêu quốc gia góp phần vào thành công trong hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.

Đối với hoạt động chất vấn: Thực hiện Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ Năm và kỳ họp thứ Sáu Quốc hội khóa XV, ĐBQH trong Đoàn đã có 02 lượt chất vấn. Trong đó có 01 lượt chất vấn đối với Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển mô hình du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc ở nhiều địa phương để tăng thu nhập cho người dân, giúp người dân ổn định cuộc sống tại địa phương và 01 lượt chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh, sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết triệt để những tồn tại hiện nay và ngăn ngừa phát sinh những tồn tại đó trong tương lai theo chiến lược cũng như công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị ở nước ta.

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 và 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức cho các ĐBQH tỉnh, đại diện lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các Sở, ngành có liên quan tham dự theo hình thức trực tuyến. Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn thứ 25, đại biểu trong Đoàn đã có 01 lượt chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống pháp luật.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến.

Về hoạt động giám sát và khảo sát chuyên đề: Thực hiện kế hoạch giám sát theo Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tổ chức thực hiện 04 cuộc giám sát chuyên đề về gồm: (1)“Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; (2)“Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”;(3) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”; (4)“Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết, tính đến ngày 13/7/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã hoàn thành giám sát 04 chuyên đề trên, gửi báo cáo kết quả giám sát về Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo chất lượng, thời gian theo yêu cầu. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp, tham gia làm việc với Tổ công tác và Đoàn giám sát số III của Quốc hội đến giám sát tại tỉnh Điện Biên về thực hiện 03 chương trình mục tiêu Quốc gia.

Qua giám sát, Đoàn đã đánh giá đúng thực trạng về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế đồng thời xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, địa phương để đưa ra kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết vướng mắc, bất cập, hạn chế đối với những nội dung đã được giám sát. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp gửi đến các cơ quan có thẩm quyền 105 kiến nghị, trong đó: 11 kiến nghị gửi Quốc hội; 29 kiến nghị gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 59 kiến nghị gửi các Bộ, ngành Trung ương; 6 kiến nghị gửi địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia xây dựng luật cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Nhìn chung, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên thực hiện đúng nội dung, chương trình, kế hoạch đề ra, đảm bảo công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức chịu giám sát, khảo sát đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Đoàn ĐBQH tỉnh về việc báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ hoạt động giám sát.

Triển khai kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã xây dựng và ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, Kế hoạch giám sát 02 chuyên đề về: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.

Đối với việc quyết định các vấn đề quan trọng: Tại kỳ họp thứ Năm và kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tỉnh Điện Biên đã cùng với Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến công tác nhân sự đối với chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường; phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cũng đã xem xét, thông qua các nghị quyết về: phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024… và nhiều nghị quyết quan trọng khác.

Đánh giá chung về các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lò Thị Luyến nhận định: Trong quá trình hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tỉnh ủy; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các cấp, các ngành và sự tin tưởng của cử tri trong tỉnh.

Hệ thống văn bản pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH tương đối đầy đủ, đồng bộ như Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, Quy chế tổ chức một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH…là cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Các ĐBQH trong Đoàn luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham gia vào hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đó là các ĐBQH trong Đoàn đa số là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, giữ chức vụ trọng trách ở trung ương và địa phương nên việc bố trí thời gian tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát... của Đoàn ĐBQH tỉnh gặp một số khó khăn nhất định.

Để hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến mong rằng những khó khăn của Đoàn sẽ được nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Theo đó, cần quy định nâng mức chi bồi dưỡng các hoạt động giám sát đối với ĐBQH, các chuyên gia, cán bộ, chuyên viên tham gia, phục vụ đoàn giám sát, khảo sát. Nâng mức chi xây dựng kế hoạch, đề cương, báo cáo giám sát, khảo sát, đảm bảo phù hợp với công sức, trí tuệ và yêu cầu công việc./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=85094