Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: Góp ý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ngày 20-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia góp ý cho dự án luật và biểu quyết thông qua một số luật, nghị quyết tại hội trường.

Thảo luận dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại tổ, các đại biểu đồng thuận cao sự cần thiết ban hành luật, đồng thời đánh giá dự thảo luật đã quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, do nội dung dự thảo luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân và một số lực lượng khác có liên quan ở cơ sở, nên có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi khi áp dụng luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, đây là luật đặc thù nhưng Ban soạn thảo đã lồng ghép bình đẳng giới vào dự án luật. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 4 nói về tiêu chuẩn tuyển chọn, quy định không phân biệt giới tính mà chỉ cần công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên, đủ tiêu chuẩn, có nguyện vọng là đủ điều kiện để xét tuyển. Hay ở khoản 7 Điều 6 khi nói về hành vi nghiêm cấm, trong dự luật quy định, nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, kể cả chế độ, chính sách cũng đã được đảm bảo về giới.

Bên cạnh đó, đại biểu góp ý thêm ở Điều 3 nguyên tắc tổ chức hoạt động của lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Theo đại biểu, dự thảo quy định công tác quản lý và chỉ đạo ở điều này chưa cụ thể. Đại biểu đề nghị quy định chi tiết về phía chính quyền địa phương sẽ quản lý những nội dung gì, Công an hướng dẫn những nội dung gì cũng cần phân định rõ ràng để đảm bảo tính khả thi khi luật có hiệu lực thi hành.

Tại Điều 10 quy định một số hoạt động hỗ trợ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội. Đại biểu cho rằng, hiện nay ở nhiều địa phương, vấn đề liên quan đến gia đình, bạo lực gia đình còn nhức nhói, âm ỉ trong nhiều gia đình, khó phát hiện, đề nghị bổ sung thêm hoạt động các vấn đề về xã hội, về gia đình là một trong những nhiệm vụ của lực lượng này.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Tại Điều 15 liên quan đến huấn luyện, bồi dưỡng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu cho rằng quy định còn chung chung, trong khi đây là lực lượng quan trọng liên quan đến bảo vệ quyền con người. Do đó, đại biểu đề nghị quy định nội dung bồi dưỡng huấn luyện cụ thể hơn, nhất là một số kỹ năng, nghiệp vụ cần có để phát hiện các vấn đề xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Điều 20 quy định về chế độ, chính sách, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu thêm chế độ, chính sách thai sản đối với lực lượng phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Góp ý cho dự án luật này, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, chế độ, chính sách lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở quy định còn chung chung. Ban soạn thảo cần phải đánh giá tác động và quy định cụ thể mức tối thiểu để HĐND tỉnh căn cứ vào luật quy định chế độ, chính sách thực hiện tại địa phương.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể các nội dung cụ thể: Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì cần luật hóa tại các điều, khoản cụ thể; nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì giao Chính phủ quy định chi tiết; nội dung nào thuộc thẩm quyền của địa phương thì đề nghị dẫn chiếu theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo quy định cần cân nhắc quy định bố trí số lượng cụ thể đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ở mỗi tổ tại khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt, khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị… nhằm phù hợp với vị trí địa lý, quy mô dân số; đồng thời, có chế tài xử lý khi lực lượng này vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.

đBQH bấm nút biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Trong hôm nay, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua 3 dự án luật gồm: Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

MINH TRÍ - THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202306/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-gop-y-du-an-luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-982452/