Đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình 1719 tại Thanh Hóa

Vừa qua, đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã đến tham quan, học tập mô hình, trao đổi kinh nghệm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 tại tỉnh Thanh Hóa.

Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An dâng hương tại nhà truyền thống Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh Nghệ An, đồng chí Mai Xuân Bình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã trao đổi những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua; kết quả thực hiện công tác dân tộc, các chính sách dân tộc, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 (Chương trình 1719).

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa làm việc với đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An

Thanh Hóa triển khai thực hiện Chương trình 1719 gồm 10 dự án với 14 tiểu dự án thành phần, 36 nội dung. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình 1719 đã mang lại những kết quả tích cực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đến hết năm 2023 hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN cuối năm 2023 giảm còn 11,04%, đạt và vượt kế hoạch được giao (giảm bình quân trên 3%), an ninh trật tự xã hội được bảo đảm.

Đến nay, đối với nguồn vốn đầu tư trong Chương trình 1719 đã hoàn thành và đang đầu tư xây dựng 553/797 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng; 244 công trình đã xong công tác chuẩn bị đầu tư chuẩn bị giao vốn thực hiện.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, Thanh Hóa đã tổ chức được 594 hội nghị và lớp tập huấn đào tạo nghề; 224 hội nghị truyền thông, hướng nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài. Mở 339 lớp đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho các đối tượng là người DTTS, người dân tộc kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng DTTS&MN. Tổ chức 241 sự kiện truyền thông về bình đẳng giới, định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới; 196 hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thanh Hóa đang triển khai 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết cấp tỉnh, nhiều dự án theo chuỗi liên kết cấp huyện và hỗ trợ phát triển sản xuất theo cộng đồng đang được triển khai thực hiện ở cơ sở...

Tuy nhiên trong qua trình thực hiện Chương trình 1719 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, có nhiều nội dung, cơ chế thực hiện và cách thức triển khai mới so với các giai đoạn trước, trong khi đó Trung ương còn chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện ở địa phương. Nhiều nội dung mặc dù đã được bố trí vốn nhưng không thể triển khai, phải thực hiện điều chỉnh hoặc chậm được giải ngân. Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG vẫn còn một số nội dung chưa thực sự phù hợp, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện....

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình 1719, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định còn bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình theo hướng phân quyền chủ động cho cơ sở thực hiện; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để cơ sở dễ thực hiện, phù hợp với thực tiễn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tăng cường công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình 1719. Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình, để tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Thành viên Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên kiểm tra, chủ động bám sát cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương theo địa bàn được phân công. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, không công khai, minh bạch hoặc huy động quá sức dân.

Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó rà soát, tập trung phân bổ vốn cho các dự án còn đối tượng, dễ thực hiện, có khả năng giải ngân vốn cao.

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cảm ơn sự đón tiếp, làm việc, trao đổi kinh nghiệm của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện các chính sách dân tộc và Chương trình 1719. Chuyến công tác tại tỉnh Thanh Hóa là dịp để những người làm công tác dân tộc ở Nghệ An có cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm và tìm hiểu những mô hình phát triển KT-XH, những đổi mới của tỉnh bạn, góp phần thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền trong cộng đồng vùng đồng bào DTTS về thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác tỉnh Nghệ An.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại một số mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả của huyện Thường Xuân.

Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/doan-cong-tac-cua-ban-dan-toc-tinh-nghe-an-trao-doi-kinh-nghiem-thuc-hien-chuong-trinh-1719-tai-thanh-hoa/208641.htm