Đô thị Thủ Thiêm cần gì để thành 'cô gái đẹp'?

Diện mạo đô thị phía Đông TP.HCM thay da đổi thịt từng ngày nhờ hạ tầng giao thông không ngừng hoàn thiện.

?Có chuyên gia ví von, Thủ Thiêm tương lai sẽ trở thành một "cô gái đẹp" và tất nhiên để điều đó thành hiện thực thì cần làm nhiều việc.

Một hình ảnh khác

9 năm sống và làm việc tại TP.HCM, bờ Đông sông Sài Gòn là điểm đón năm mới quen thuộc của chị Nguyễn Bích Phương (27 tuổi, nhân viên kế toán, quê Bình Thuận).

Bán đảo Thủ Thiêm được sôngSài Gòn ôm trọn, sở hữu nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Chí Hùng.

"Đây cũng là chỗ của rất nhiều người trẻ lui đến vào cuối tuần. Thật hiếm có nơi nào vừa sát mặt sông, vừa có cả ba mặt nhìn ra thành phố cũ gần đến như vậy", trong cách nói của chị Phương, "thành phố cũ" chỉ trung tâm Sài Gòn.

Trong trí nhớ của Phương, dọc con đường từ nóc hầm vượt sông Sài Gòn đến chân cầu Ba Son ngày trước rất tối và nhếch nhác. Những người đi dạo khi đến đoạn này sẽ thường vòng xe ngược trở ra.

Nhưng đó đã là chuyện của ngày trước. Cuối năm 2023, bờ Đông Thủ Thiêm trải dài theo sông Sài Gòn được tất bật chỉnh trang, làm công viên ven sông để người dân đón Tết.

Trong khi chờ dự án quảng trường trung tâm được xây dựng, nơi đây sẽ có đường đi bộ, cánh đồng hoa hướng dương và chuỗi bè nổi thủy sinh, đài phun nước…

Người dân cũng không phải vất vả tìm một nơi để ngắm thành phố hay pháo hoa. Vì sau khi cải tạo, bờ Đông Thủ Thiêm sẽ có những không gian dành riêng cho sinh hoạt cộng đồng, nhà vệ sinh, bãi giữ xe… với sức chứa lớn.

Hình hài khu đô thị xa hoa bậc nhất

Cách trung tâm hiện hữu một con sông khoảng 300m, bờ Đông Thủ Thiêm trải qua nhiều lần thay đổi quy hoạch.

Cho đến năm 1996, khu đô thị Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000, tổng diện tích 930ha, bao gồm khu đô thị mới (770ha) và khu tái định cư (160ha).

Đoạn bờ đông sông Sài Gòn khi chưa được chỉnh trang. Ảnh: Chí Hùng.

Gần 3 thập kỷ hình thành, Thủ Thiêm từ một khu đất hoang vu trở thành vị trí trung tâm mới của TP Thủ Đức. Không chỉ vậy, nơi này còn là trung tâm tài chính, thương mại với những dịch vụ cao cấp và dự án hạ tầng, khu dân cư đô thị xa hoa bậc nhất TP.HCM.

Theo TS Huỳnh Thanh Điền (chuyên gia kinh tế), Thủ Thiêm là một trong những khu đô thị hiếm hoi được định hướng phát triển theo hình thái nén ngay bước đầu.

"Tuy nhiên, với tính chất nén, đất làm hạ tầng phải nhiều, dẫn đến đất nhà ở sẽ cao. Trong tương lai, giá đất Thủ Thiêm sẽ không thua các đô thị lớn trên thế giới", TS Huỳnh Thanh Điền nhận định.

Mặt khác, TS Điền đánh giá, nếu trước đây, các chuyên gia nước ngoài khi đến TP.HCM thường chọn lưu trú quận 1, với quy hoạch bài bản như khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay, đây sẽ là lựa chọn mới của họ.

Nắm bắt tầm nhìn này từ sớm, chính quyền thành phố không ngừng chú trọng đầu tư hạ tầng cho Thủ Thiêm trong nhiều năm qua.

Nổi bật trong số đó là các trục đường huyết mạch, xương sống, có chức năng lưu thông lớn như đại lộ Mai Chí Thọ, các tuyến đường vòng cung, cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, hầm vượt sông Sài Gòn.

Hình hài khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng được khắc họa với nhiều khu đô thị, nhà ở cao tầng như: Khu đô thị Sala, khu tái định cư Bình Khánh cùng một số dự án chung cư cao cấp, hạng sang.

Đặc biệt, 2023 cũng là giai đoạn TP.HCM đặt nhiều quan tâm hoàn thiện các công trình văn hóa, phục vụ du lịch, cộng đồng.

Tháng 12/2023, TP chính thức tiếp nhận tài trợ toàn kinh phí xây dựng cầu đi bộ nối đối bờ trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn 1.000 tỷ đồng.

Đây là một trong 5 cây cầu và một hầm vượt sông Sài Gòn được quy hoạch kết nối Thủ Thiêm với khu vực xung quanh.

Cùng thời điểm, Sở GTVT TP cũng trình UBND TP kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn, nối khu đô thị Thủ Thiêm với khu Nam TP. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.

Cần nhà đầu tư đủ tầm vóc

Song, các chuyên gia cho rằng, sự phát triển của Thủ Thiêm vẫn cần thêm thời gian. Gần 30 năm qua, Thủ Thiêm đã có được hình hài cơ bản nhưng còn nhiều điều chưa thực hiện được.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, Thủ Thiêm cần thêm thời gian, tương lai sẽ trở thành “cô gái đẹp”, có sắc vóc đáng ngưỡng mộ. Ảnh: Thư Trần.

Theo TS. KTS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, để so sánh với một đô thị có tính tương đồng trên thế giới thì đó là Phố Đông Thượng Hải (Trung Quốc).

TP.HCM có dòng sông Sài Gòn. Thượng Hải cũng có song Hoàng Phố. Thủ Thiêm đối diện trung tâm quận 1, quận 3 của TP.HCM; bên Thượng Hải là các khu tô giới lịch sử phát triển lâu đời.

Dù vậy, Phố Đông từ lúc xác định xóa sổ trắng, giải tỏa làm quy hoạch đến xây dựng chỉ mất 15 năm để thành hình với các khu kinh tế tài chính, nhà cao tầng.

Còn Thủ Thiêm, sau gần 30 năm mới chỉ có vài trục đường chính được hoàn thành, đường nội bộ mới xong một phần, một số tòa nhà vừa cất nóc… chưa rõ hình hài của một trung tâm tài chính, thương mại như kỳ vọng.

"Thủ Thiêm tương lai sẽ trở thành cô gái đẹp, có sắc vóc đáng ngưỡng mộ. Nhưng hiện cô gái này chưa đủ trưởng thành và vẫn cần thêm thời gian", chuyên gia Võ Kim Cương ví von.

Để Thủ Thiêm có thể bứt phá, hoàn thiện những mảnh ghép còn thiếu, ông cho rằng, khu đô thị mới này cần những nhà đầu tư mạnh thực thụ.

Bên cạnh đó, TP cũng cần có thêm giải pháp, thúc đẩy sự hồi phục cho thị trường bất động sản và các ngành kinh tế. Khi thị trường phục hồi, Thủ Thiêm tự khắc sẽ có lối ra.

Nhìn lại quá trình hình thành của Thủ Thiêm, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm rất đúng về chủ trương nhưng quá trình triển khai kéo dài, pháp lý thay đổi dẫn đến bị mắc kẹt.

Việc hoàn thành sớm khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá sẽ tạo đà để thúc đẩy TP.HCM phát triển.

Tại hội nghị mở rộng lần thứ 24 của Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI hồi tháng 11/2023, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu các cơ quan sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Với cơ hội mở ra từ Nghị quyết 98, ông Nên đặc biệt lưu ý các đơn vị đào sâu, nghiên cứu tận dụng các chính sách đặc thù để huy động, phát huy nguồn lực hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm theo chủ trương đề ra.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, để xây dựng trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm sẽ không chỉ cần nỗ lực của riêng TP.HCM mà còn cả quốc gia. Tương lai, Thủ Thiêm sẽ là cực tăng trưởng cho cả nước và còn trở thành nơi huy động vốn của cả nền kinh tế.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm ở bờ Đông sông Sài Gòn đối diện quận 1, tổng diện tích 657ha. Thủ Thiêm được quy hoạch với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, giải trí.

Theo quy hoạch 1/2.000, khu đô thị mới được chia làm 5 khu vực chính gồm: Khu lõi trung tâm, các khu dân cư phía Bắc, dọc đại lộ Mai Chí Thọ, phía Đông và châu thổ phía Nam.

Theo quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào năm 2005, đây sẽ là vị trí trung tâm mới của TP.HCM với các tòa nhà từ 10 đến hơn 30 tầng. Hơn một nửa diện tích của khu đô thị sẽ được dành cho cây xanh và giao thông.

Thư Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/do-thi-thu-thiem-can-gi-de-thanh-co-gai-dep-192240212170633922.htm