Đo 'nồng độ' ý thức bằng cách nào?

Lực lượng CSGT TPHCM đang liên tục tăng cường kiểm tra, xử phạt người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, ở các đô thị, với hàng ngàn tuyến đường, hàng triệu lượt phương tiện tham gia giao thông mỗi ngày thì cơ quan chức năng chưa thể bao quát hết với những lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích...

"Nâng ly" nhưng… vẫn lái xe

Hiện vẫn còn tình trạng "ma men" lái xe gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Vụ ôtô 7 chỗ tông một cô gái tử vong và nhiều người khác bị thương ở TP.Thủ Đức là một dẫn chứng. Vào lúc người đàn ông kia ôm vô-lăng sau cuộc nhậu, nữ sinh tội nghiệp không thể nào biết được rằng sự sống của mình chỉ còn tính bằng phút. Quán ăn có bán rượu bia thưa khách hơn trước kể từ khi các tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn xuất hiện nhiều trên tuyến phố. Thế nhưng vẫn chưa thể yên tâm khi "dân nhậu" tiếp tục đối phó, lách luật bằng mọi cách.

Người có hơi men trong cơ thể khi chạy xe máy thấy chốt kiểm tra phía trước liền xuống xe dắt bộ, sau đó lên xe đi tiếp. Có người mở ứng dụng xem bản đồ trước khi rời quán nhậu để tìm đường nhỏ, con hẻm mà họ cho rằng sẽ không bị yêu cầu dừng xe. Cũng từ chuyện đối phó đã hình thành một số nhóm trên mạng xã hội chuyên làm nhiệm vụ thông báo các địa điểm có các tổ công tác đo nồng độ cồn. Tóm lại, dù kiểu gì cũng đều không ổn.

Tình trạng lái xe say xỉn xuất hiện nhiều hơn vào những ngày nghỉ vì tiệc tùng. Bên cạnh những người lựa chọn phương tiện công cộng với mong muốn an toàn và được "dzô” thoải mái, cũng còn không ít người vẫn cố tự lái xe đi về. Điều khiển chiếc xe trên đường với trạng thái say nhiều hơn tỉnh, với những tình huống bất ngờ, không ai lường hết hậu quả. Chưa kể khi nhấn ga vẫn thấy như xe đi rất chậm, xảy ra sự cố dĩ nhiên không thể xử lý như lúc bình thường.

Chuyên đề Công TPHCM cũng vừa đăng video ghi lại cảnh một tài xế vì muốn "né” kiểm tra đã lùi xe bỏ chạy, tông vào vị trí của lực lượng làm nhiệm vụ. Để trốn tránh cái sai, một vài người chọn cách giải quyết rất sai tiếp theo. Cũng không hiếm gặp những trường hợp từ bất hợp tác đến chống đối, tấn công ngược lại người thực thi công vụ chỉ vì bị kiểm tra. Công an quận 5 vừa khởi tố một người đàn ông về hành vi chống người thi hành công vụ, khi bị kiểm tra nồng độ cồn.

Chốt kiểm tra nồng độ cồn của Công an TP.Thủ Đức (giao lộ Kha Vạn Cân - Phạm Văn Đồng)

Mất lòng trước được lòng sau

Theo chân đội ngũ làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường bảo đảm an toàn giao thông, chúng tôi phát hiện nhân sự rất mỏng, phương tiện, máy đo nồng độ cồn cũng có giới hạn. Sẽ không thể "bao" hết địa bàn cả ngày lẫn đêm. Tỉ lệ lái xe vi phạm thời gian gần đây giảm nhiều so với tổng số được kiểm tra. Song, con số tài xế trốn tránh để không bị phát hiện thì chưa thể tính hết. Dĩ nhiên, mỗi khi xảy ra TNGT, tiến hành xét nghiệm y tế mới xác định được có sự tham gia của "thủ phạm" giấu mặt, chính là rượu bia hoặc chất kích thích. Trong đó, không thiếu những trường hợp "hai trong một", bao gồm cả hai thứ trên.

Không chỉ người dân, khá nhiều công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt và gửi thông báo về nơi công tác để cơ quan tiến hành xử lý theo quy định. Vậy nhưng không rõ nguyên nhân nào khiến cho tiến độ giải quyết dường như hơi chậm. Phải chăng vẫn còn thói quen "giơ cao đánh khẽ”, tâm lý chủ quan, ỷ lại, dựa dẫm chưa thể chấm dứt một khi thiếu sự kiên quyết ở nơi đang làm việc. Kỷ cương phép nước chỉ có thể thực thi mạnh mẽ khi không có vùng cấm, ngoại lệ.

Cũng không khó để người thích uống bia vẫn uống thoải mái. Chỉ cần gọi điện sẽ có ngay dịch vụ "bạn uống tôi lái" đáp ứng nhu cầu mọi lúc mọi nơi. Cước phí chiếm một phần rất khiêm tốn so với "hóa đơn" của một lần uống bia. An toàn trước hết cho chính bản thân mình, còn lợi ích nào lớn hơn. Cần chấm dứt ngay những kiểu "sĩ diện hão", khi một số cá nhân khăng khăng đòi tự cầm lái chiếc xe của mình. Người say lái xe không khác gì "tử thần". Tính mạng của người đi đường trở nên mong manh với những tài xế có hơi men.

Một tài xế ôtô ký vào biên bản vi phạm hành chính

Nghị trường cũng đang "nóng" quanh chuyện có nên siết tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe. Dù chưa ngã ngũ nhưng điều chắc chắn phải tuân thủ những lúc ra đường chính là "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Không có giọt nước mắt và sự ân hận muộn màng nào có thể khiến cho người chết sống lại. Những cái chết thương tâm, mạng sống bị tước đoạt trong nháy mắt chỉ bởi chiếc xe do "đệ tử lưu linh" cầm lái, không bản án nào an ủi được.

Tự đo "nồng độ” ý thức

Nhắc lại chuyện cũ vẫn không thừa. Xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng chỉ là phần "ngọn", cái gốc nằm ở "đầu vào". Thức uống có cồn vẫn quá rẻ so với tác hại nó gây ra. Năm chai bia chưa hết nửa tiền lương ngày công làm việc. Tăng thuế tiêu thụ và tăng giá bán rượu bia, biện pháp này đơn giản, ít tốn nhân lực mà hiệu quả lại dễ đoán. Chỉ còn cách đánh thẳng vào túi tiền mới hy vọng uống ít hơn, "uống có trách nhiệm". Kêu gọi chung chung, tuyên truyền vận động và chế tài nghiêm khắc cũng chưa đủ, nếu nó không làm cho người uống biết "tiếc tiền". Giá tiền một lon bia gấp đôi tô phở, khi ấy không cần nhắc nhở người dân cũng tự cắt giảm.

Thiết bị đo nồng độ cồn chỉ có tác dụng xác định vi phạm hay không? Song, "máy đo" ý thức nằm trong mỗi con người. Bản thân hiểu rõ "cấp độ” tửu lượng của mình. Biết kiềm chế, dừng lại trước khi quá muộn, can đảm từ chối nếu quyết định tự lái xe về nhà. Thước đo bản lĩnh nằm ở làm chủ chính mình, không phụ thuộc vào thể tích thức uống có cồn đã tiêu thụ. Nhanh chóng bổ sung vào luật, vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích khi lái xe ở mức cao nào đó phải bị xử lý hình sự, cho dù chưa gây tai nạn. Phòng ngừa để không phải ân hận, bởi chiếc xe do người say điều khiển sẽ không bao giờ có khái niệm chạy an toàn.

Bên cạnh đó, kiểm tra xử lý không chỉ tập trung vào mặt giao thông đường bộ. Từng có một phi công dương tính với ma túy, ít nhất 2 nhân viên trực gác chắn đường sắt, một số tài công đường thủy vi phạm nồng độ cồn lúc làm việc. Không phân biệt ngành nghề, môi trường làm việc và cần phải không giới hạn trong mọi lĩnh vực giao thông.

Công an TPHCM ra quân tổng kiểm tra ôtô trên tuyến Quốc lộ 1, mới 2 ngày đầu đã phát hiện 57 tài xế vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích. Chứng tỏ rằng cứ kiểm tra là có người vi phạm. Rất cần xem đây như một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, không "đánh trống bỏ dùi", không ngại va chạm. Ngăn những chiếc "xe điên" gây tai họa, không biện pháp nào hiệu quả hơn kiểm soát tốt người cầm lái. Người điều khiển xe chứ không có chuyện xe điều khiển tài xế.

Công an TP.Thủ Đức cũng đang thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cả ngày lẫn đêm, từ nay đến ngày 31/12. Chưa đầy 3 ngày đã lập biên bản 4 tài xế ôtô, 77 người đi xe máy vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích. Càng gần thời điểm cuối năm, chủ trương mang đầy ý nghĩa bảo vệ sự an toàn cho quần chúng đã được dư luận ủng hộ, đánh giá cao.

AN HÒA - THANH BÌNH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/do-nong-do-y-thuc-bang-cach-nao_155479.html