Đo nồng độ cồn sao cho hiệu quả?

Sắp tới, CSGT TP HCM sẽ thay đổi hình thức tuần tra kiểm soát theo từng giai đoạn để bố trí các tổ công tác cho phù hợp với thời gian, địa điểm ở từng tuyến đường

Từ ngày 24-11, CSGT TP HCM tổ chức 10 cụm CSGT gồm lực lượng thuộc Phòng CSGT - Công an TP HCM và CSGT các quận, huyện, TP Thủ Đức ra quân kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên toàn thành phố, cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày thực hiện 4 ca, mỗi ca dài 6 giờ làm việc.

Đo là "dính"

Lãnh đạo Phòng CSGT cho biết việc tổ chức những cụm kiểm soát này giúp các đơn vị CSGT chủ động trao đổi về địa bàn tuần tra kiểm soát; luân phiên khu vực tuần tra kiểm soát, bảo đảm nguyên tắc không bị trùng lắp hoặc bỏ sót địa bàn.

Thông qua đó, tạo thế liên hoàn, đan xen, chủ động bố trí lực lượng kiểm tra tại một điểm kết hợp tuần tra kiểm soát lưu động. Mục đích không để người vi phạm tránh né các vị trí, khu vực kiểm soát của lực lượng chức năng. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, phối hợp giữa các đơn vị giáp ranh.

Trưa 2-12, một tổ CSGT gồm 10 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội CSGT- Trật tự Công an quận Gò Vấp, Đội CSGT Hàng Xanh (Phòng CSGT TP HCM) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực ngã sáu Gò Vấp. Cụ thể tại nút giao đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghĩ.

Ghi nhận tại khu vực dừng đèn đỏ trên đường Phạm Ngũ Lão, CSGT đo ngẫu nhiên nhiều người điều khiển phương tiện lưu thông qua chốt.

Đầu tiên, CSGT dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động (máy dùng phễu) để xác định người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở hay không. Nếu không phát hiện vi phạm, tài xế được hướng dẫn tiếp tục hành trình.

Trường hợp phát hiện có cồn, CSGT sẽ yêu cầu tài xế đưa xe vào khu vực xử lý. Tại đây, CSGT dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng (máy dùng ống thổi) nhằm xác định mức độ vi phạm. Sau đó, lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện.

Trong gần 2 giờ ra quân, tổ CSGT phát hiện 6 người lái xe vi phạm nồng độ cồn - từ mức 1 đến mức 3 (vượt khung vi phạm).

Cụ thể, người vi phạm thấp nhất là 0,17 mg/lít khí thở, cao nhất là 0,53 mg/lít khí thở. Người vi phạm cao nhất là ông N.Q.T (68 tuổi).

Ông T. thừa nhận vừa rời tiệc cưới cách nhà khoảng 3 km, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành việc CSGT xử lý vi phạm. Với lỗi này, ông T. sẽ bị xử phạt hành chính 7 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Trước đó, trưa 30-11, tại giao lộ Lý Chính Thắng - Trương Định (quận 3, TP HCM), tổ CSGT phát hiện ông P.V.B (59 tuổi, ngụ quận 7) vi phạm nồng độ cồn mức 0,034 mg/lít khí thở. Mức này thấp hơn nhiều so với khung tối thiểu vi phạm là 0,25 mg/lít khí thở.

Ông B. cho biết vừa ăn trưa với đồng nghiệp, uống khoảng nửa ly bia cho "ngon miệng". Quán ăn cách công ty chừng 100 m nên ông chạy xe máy về luôn. Không ngờ bị CSGT xử lý. Ông B. rầu rĩ vì mất nửa tháng tiền lương… không đáng.

Được biết, từ ngày 24-11 đến 2-12, CSGT TP HCM đã tổng kiểm soát 51.358 người điều khiển phương tiện giao thông (gồm 18.041 ô tô, 33.317 xe máy).

Qua đó phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm đối với 1.484 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (gồm 51 ô tô, 1.435 xe máy).

Trong đó, có 2 trường hợp dương tính với ma túy là người lái ô tô; 6 trường hợp dương tính với ma túy là người lái xe máy. Đặc biệt 1 trường hợp người lái xe máy vừa vi phạm nồng độ cồn, vừa dương tính với ma túy.

Thượng tá Đoàn Văn Quới - Phó trưởng Phòng CSGT TP HCM - cho biết 10 ngày sơ kết kế hoạch phối hợp giữa PC08 và công an quận, huyện, TP Thủ Đức cho thấy người dân thành phố cơ bản chấp hành; đồng thuận rất cao với quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe".

Đó là sự chuyển biến tốt lan tỏa rất nhanh trong ý thức của mỗi người. Do đó, sắp tới các cụm tuần tra kiểm soát giao thông tổng kiểm soát vi phạm nồng độ cồn của CSGT TP HCM sẽ thay đổi hình thức tuần tra kiểm soát theo từng giai đoạn để bố trí các tổ công tác cho phù hợp với thời gian, địa điểm ở từng tuyến đường.

CSGT lập chốt đo nồng độ cồn trên đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM

Cần đánh giá kỹ lưỡng

Ghi nhận thực tế tại TP HCM, có không ít người vi phạm nồng độ cồn kể cả ban ngày. Vi phạm thường thấy ở khung giờ ban ngày là mức 1 - dưới 0,25 mg/lít khí thở.

Tuy nhiên, quy định ở nước ta cấm tuyệt đối có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Vì vậy, dù chỉ nhấp môi hay uống một ngụm bia cũng đối diện nguy cơ bị xử phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với xe máy (tước giấy phép lái xe 10-12 tháng), từ 6 triệu đến 8 triệu đồng đối với người lái ô tô (tước giấy phép lái xe 10-12 tháng).

Điều này gây nhiều tranh cãi trong dư luận về việc nên cho phép mức có nồng độ cồn tối thiểu thay vì cấm tuyệt đối. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng kết quả nồng độ cồn đôi khi là "dư âm" của lần tiếp khách trước đó và người vi phạm vẫn tỉnh táo ở thời điểm bị phát hiện.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng nên đánh giá lại việc đo nồng độ cồn vào ban ngày.

Điển hình, tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 30-11, tổ đại biểu Quốc hội - đơn vị 7 và tổ đại biểu HĐND TP HCM - đơn vị 21 nhận được ý kiến của cử tri về việc xem xét lại cách kiểm tra nồng độ cồn như hiện nay.

Theo đó, kiểm tra nồng độ cồn vào ban ngày là không phù hợp vì thời gian này người dân đi học, đi làm.

Nên khoanh vùng những con đường là "điểm nóng" thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông để đặt chốt kiểm tra. Quan trọng không kém là cần thông tin minh bạch về các thiết bị dùng để đo nồng độ cồn.

Theo TS Nguyễn Trọng Trung, giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, thực tế vẫn có một số người sử dụng rượu bia vào ban ngày, thường là giờ cơm trưa do ngoại giao, tiếp khách.

Mục tiêu của kiểm soát nồng độ cồn khi lái xe là bảo đảm tính mạng, an toàn cho người lái xe và những người cùng lưu thông.

Do đó, những đợt CSGT quyết liệt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn luôn được ủng hộ. Hơn nữa, cũng chứng minh được hiệu quả khi nhiều người có ý thức hơn trong việc sắp xếp phương tiện khi sử dụng rượu bia.

"Tuy nhiên, thực tế khi tồn đọng một lượng nhất định cồn trong máu, con người vẫn tỉnh táo. Có những trường hợp hy hữu, "dính nồng độ cồn" sau khi ăn kẹo sô-cô-la có nhân được pha từ rượu nhẹ.

Vì vậy, nên đánh giá, nghiên cứu về việc cho phép một tỉ lệ nhất định nồng độ cồn trong máu thay vì cấm tuyệt đối.

Việc áp dụng các chế tài nghiêm khắc về vấn đề nồng độ cồn cần đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng trên cơ sở bảo đảm thực tiễn, có căn cứ khoa học cũng như tính khả thi" - ông Nguyễn Trọng Trung nói.

Nếu cần sẽ lấy ý kiến rộng rãi

Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của báo chí về nội dung cấm tuyệt đối nồng độ cồn được quy định trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết đây là đề xuất ban đầu, đang đưa ra Quốc hội thảo luận.

Qua thảo luận, Quốc hội sẽ đánh giá, cho ý kiến đầy đủ, thấu đáo nhất. Nếu cần sẽ lấy ý kiến rộng rãi về nội dung này.

Tại Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM chiều 2-12, nói về vấn đề xử lý nồng độ cồn, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng việc thành phố tăng cường kiểm soát nồng độ cồn là thực hiện chủ trương bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, hạn chế tối đa tai nạn.

Tuy nhiên, cần phải kiểm tra, nhìn nhận lại cách làm hiện nay đã ổn chưa để có điều chỉnh phù hợp theo nguyện vọng của người dân.P.Anh - H.Hiếu

Xử lý vi phạm đồng bộ, xuyên suốt

Ngày 3-12, đại diện Phòng CSGT - Công an tỉnh Bình Dương cho biết hiện các lực lượng thuộc Công an tỉnh đang phối hợp với Cục CSGT - Bộ Công an bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn, xử lý vi phạm một cách đồng bộ, xuyên suốt, trách nhiệm, hiệu quả.

Bên cạnh tăng cường xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, lực lượng phối hợp cũng sẽ xử lý triệt để các hành vi vi phạm về tốc độ, đi không đúng làn đường, đi ngược chiều, xe cơi nới thành thùng, quá khổ, quá tải...

CSGT Bình Dương đo nồng độ cồn người tham gia giao thông

Cũng theo đại diện Phòng CSGT - Công an tỉnh Bình Dương, hiện các lực lượng vẫn đang thực hiện theo kế hoạch do Công an tỉnh ban hành.

Tại Tây Ninh, Cục CSGT - Bộ Công an cũng đã tổ chức hội nghị công bố kế hoạch kiểm tra toàn diện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Cục CSGT sẽ thành lập 3 tổ kiểm tra, tiến hành kiểm tra toàn diện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Trong đó, tập trung kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; duy trì tuần tra kiểm soát quyết liệt các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ...

Ng.Thảo

Bài và ảnh: Ý Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/do-nong-do-con-sao-cho-hieu-qua-196231203213133137.htm