Đỏ mắt tìm giám đốc tài chính cho doanh nghiệp

Giám đốc Tài chính là một chức vụ điều hành quan trọng trong ban quản trị của một doanh ngiệp. Tuy nhiên, nhân sự địa phương cho vị trí này đang thiếu thốn trầm trọng, đặc biệt là những thị trường mới nổi như Việt Nam.

Thông thường, những ứng viên cho vị trí Giám đốc Tài chính (CFO) người Việt Nam thường rất giỏi về chuyên môn nhưng các kỹ năng mềm như bởi trình độ tiếng Anh, kỹ năng nói trước công chúng và tư duy kinh doanh còn hạn chế. Đây là vấn đề làm nhân sự CFO trong nước mất đi lợi thế cạnh tranh so với các ứng viên người nước ngoài.

Theo nhiều nghiên cứu, các CFO hàng đầu thường có các kỹ năng như phân tích tài chính, giao tiếp và gây ảnh hưởng, cũng như am hiểu ngành nghề và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn nhân sự chuyên ngành kế toán - tài chính lại thiếu hụt bộ kỹ năng này mặc dù họ đã được đào tạo bài bản về chuyên môn.

Theo tiến sĩ Joshua Heniro, Giám đốc Hiệp hội Kế toán Quản trị Hoa Kỳ (IMA) khu vực Đông Nam Á thì trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, vai trò của một CFO ngày càng quan trọng đối với các công ty muốn cạnh tranh đa quốc gia.

Chẳng hạn, “dữ liệu lớn” (big data) mở ra nhiều cơ hội cho CFO khai thác để cải tiến các quy trình kế toán - tài chính và cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định. Ngoài ra, với các tập đoàn đa quốc gia thì hiểu biết của CFO về hệ thống pháp lý địa phương ở các chi nhánh quốc tế là hết sức quan trọng.

Bên cạnh chức năng giám sát tài chính cho doanh nghiệp, CFO còn phải phát huy thêm vai trò “tạo ra” tài sản, tư vấn chiến lược cho CEO và Hội đồng Quản trị từ việc thay đổi, mở rộng sản xuất kinh doanh, tham gia sâu vào hoạt động mua bán, sát nhập (M&A) cho đến các quyết định ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp.

CFO cũng cần sở hữu tầm nhìn, khả năng dự báo xu hướng tương lai, thị hiếu và hành vi của người tiêu dùng để có thể xây dựng đường hướng phát triển phù hợp. Ngoài kiến thức chuyên sâu về kế toán – tài chính, một CFO hiện đại ngoài thông thạo kỹ năng phân tích còn phải biết diễn giải ý nghĩa đằng sau những con số.

Bà Nguyễn Phương Mai – Giám đốc khu vực miền Nam, công ty Navigos Search cho biết: "CFO ngày nay nên dành 80% thời gian cho quá trình phân tích và dần chuyển hóa thành “đối tác kinh doanh” (business partner) trong tương lai nhờ vào sự am hiểu những yếu tố phi tài chính như nguồn nhân lực, năng suất, mức độ tiêu thụ sản phẩm, xu hướng thị trường…

Số liệu từ Vietnamworks và Navigos Search cho thấy Kế toán – Tài chính xếp thứ ba trong top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất 6 tháng đầu năm 2016, nhưng nguồn cung trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. "Điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với các công ty cần tuyển dụng cho vị trí này", bà Mai chia sẻ.

Câu chuyện "thừa chuyên môn nhưng thiếu kỹ năng" vẫn là vấn đề nan giải của nhân sự Việt Nam. Trong khi đó, ở những vị trí lãnh đạo cấp cao thì chuyên môn dần lu mờ mà sự nhạy bén trong kinh doanh, năm bắt cơ hội cùng vô số kỹ năng mềm khác trở thành yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp, từ CEO đến CFO. Chính vì vậy, những cá nhân có cả hai yếu tố trên đang được săn đón hơn bao giờ hết trong thị trường nhân sự Việt Nam.

Xuân Hạ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/do-mat-tim-giam-doc-tai-chinh-cho-doanh-nghiep-2094949.html