Dinh dưỡng phù hợp theo độ tuổi

'Dinh dưỡng hợp lý vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Ðầu tiên, dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, chiều cao và cân nặng của trẻ. Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, trí tuệ mà còn tác động trực tiếp đến chỉ số cảm xúc. Trẻ suy dinh dưỡng từ nhỏ có nhiều nguy cơ mắc các chứng tự kỷ, lo âu, trầm cảm..., kể cả tính cách của trẻ. Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng tốt còn giúp phòng ngừa các nguy cơ bệnh lý ở trẻ như béo phì, suy dinh dưỡng...', ThS.BS Ninh Thị Ly, Trưởng phòng Công tác xã hội, Phòng khám Dinh dưỡng Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, nhấn mạnh.

Cũng theo Bác sĩ Ly, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ thay đổi theo từng độ tuổi, từng giai đoạn phát triển. Vì thế, việc khám dinh dưỡng cho trẻ rất cần thiết. Tốt nhất nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng 1-2 lần/năm.

ThS.BS Ninh Thị Ly khuyến nghị: “Tốt nhất, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám về dinh dưỡng 1-2 lần/năm”.

- Thưa bác sĩ, suy dinh dưỡng là tình trạng phổ biến ở trẻ hiện nay. Bác sĩ có thể tư vấn rõ hơn về một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng này và biện pháp phòng ngừa?

ThS.BS Ninh Thị Ly: Có rất nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra suy dinh dưỡng, với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Một trong những nguyên nhân đó là do trẻ bị thiếu ăn về số lượng và chất lượng; nuôi con bằng sữa mẹ không đúng; cho ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn; thức ăn bổ sung không đủ dinh dưỡng, số lượng không đủ theo độ tuổi; kiêng khem cho trẻ khi bị bệnh...

Nguyên nhân thứ hai là do trẻ thường xuyên mắc bệnh, tái đi tái lại nhiều lần; các bệnh lý nhiễm trùng như: viêm phổi, viêm ruột, tiêu chảy, sởi, giun sán... làm trẻ em chán ăn, giảm khả năng hấp thu. Những trẻ sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, dị tật bẩm sinh, rối loạn dung nạp đường lactose, các bệnh di truyền (down) có nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn.

Nếu thiếu các vi chất dinh dưỡng (vitamin A, I-ốt, sắt, kẽm...) ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc và trí thông minh. Thức ăn không đa dạng hoặc trẻ thường xuyên bị ép ăn gây tâm lý lo sợ, căng thẳng cũng khiến trẻ chán ăn.

Ðể khắc phục tình trạng này, cần chăm sóc ngay từ trong bụng mẹ bằng một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đồng thời theo dõi cân nặng của mẹ, khám và theo dõi thai kỳ. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài từ 18-24 tháng hoặc lâu hơn.

Lưu ý cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm. Nên đa dạng các thực phẩm cho trẻ, luyện tập cho con thói quen ăn uống đúng giờ, tập trung vào bữa ăn.

Khi trẻ bị bệnh, không nên tự ý sử dụng kháng sinh mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên kiêng khem quá mức. Khi trẻ trên 1 tuổi, cần tẩy giun định kỳ 2 lần/năm, tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Ba mẹ cũng cần có biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự phát triển của trẻ.

- Bác sĩ có thể chia sẻ về nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đối với trẻ bị suy dinh dưỡng cần lưu ý gì về chế độ ăn?

ThS.BS Ninh Thị Ly: Xin được gợi ý một số nguyên tắc:

Thứ nhất là đủ, đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu hằng ngày.

Thứ hai là cân đối, về các chất dinh dưỡng sinh năng lượng trong khẩu phần ăn của trẻ theo tỷ lệ khuyến nghị: Protein (15%), Lipid (20%), Glucid (65%). Tiếp nữa, cân đối về tỷ lệ các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng; cần phân bố hợp lý mức năng lượng cho các bữa ăn trong ngày, giúp cơ thể luôn ở mức điều hòa. Thực đơn cần đa dạng, phong phú; thay đổi theo mùa.

Nguyên tắc cuối cùng là phải lựa chọn thực phẩm an toàn.

Ðối với trẻ suy dinh dưỡng, việc thay đổi chế độ ăn uống là một trong những phác đồ điều trị quan trọng. Ngoài nguyên tắc chung, cần cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày. Tùy theo độ tuổi, lượng thức ăn có thể tăng dần; tăng dầu mỡ và thành phần giàu năng lượng. Ðiều quan trọng là cần bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết, giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.

- Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng, khiến nhiều bậc cha mẹ phân vân. Xin lời khuyến cáo của bác sĩ?

ThS.BS Ninh Thị Ly: Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị với các triệu chứng như suy thận cấp, viêm gan, ngộ độc vitamin... vì cha mẹ tự ý cho con dùng thực phẩm chức năng thiếu khoa học.

Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, dù là thuốc hay thực phẩm chức năng thì cũng cần uống đúng và đủ liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất, chỉ định của bác sĩ.

Do đó, nếu có sử dụng phải tham vấn bác sĩ. Khi lựa chọn thực phẩm chức năng cho trẻ, tốt nhất cần sự hỗ trợ từ chuyên gia y tế hay chuyên gia dinh dưỡng, để đảm bảo lựa chọn đúng đắn và an toàn.

- Nhân đây, bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích về dinh dưỡng phù hợp cho trẻ theo từng độ tuổi?

ThS.BS Ninh Thị Ly: Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Trường hợp mẹ không có sữa hoặc không đủ sữa thì dùng sữa công thức theo độ tuổi.

Trẻ từ 6-12 tháng tuổi, nguồn sữa mẹ không còn đủ dưỡng chất đáp ứng cho sự phát triển của trẻ. Do đó, mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung.

Nên lưu ý, trẻ dưới 1 tuổi, không nêm gia vị như mắm, muối vào thức ăn. Thời điểm này vẫn duy trì bú mẹ và nên bổ sung nước cho con.

Giai đoạn từ 1-2 tuổi, mẹ cần tăng lượng thức ăn bổ sung mỗi ngày. Ðây là giai đoạn bé cần nhiều chất dinh dưỡng có trong thịt, rau, trái cây, ngũ cốc; bổ sung các vi chất...

Giai đoạn 2-5 tuổi, thực phẩm chế biến nên ở dạng thô, cân bằng giữa các nhóm dinh dưỡng. Ðây là thời điểm mà cha mẹ nên để bé tham gia vào các bữa ăn gia đình.

Ngoài những bữa chính, bé cần bổ sung thêm các bữa phụ với trái cây, sữa chua... để hỗ trợ tiêu hóa.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý theo từng độ tuổi sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Ðông Thới, xã Ðông Thới, huyện Cái Nước).

Với trẻ giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì (từ lớp 1 đến cấp THCS), nhu cầu năng lượng cao hơn, tương đương với người trưởng thành. Cần chú ý đạm động vật nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu, cũng như cung cấp vật liệu để xây dựng các cấu trúc tế bào và hoàn thiện phát triển các nội tiết tố về giới tính, tăng sức đề kháng. Nhu cầu vitamin và khoáng chất ở lứa tuổi này cao, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần khuyến khích trẻ có lối sống năng động, tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc, ngủ sâu, giúp hormon tăng trưởng tiết ra nhiều, kích thích xương dài hơn và cao hơn trong tương lai.

- Xin cảm ơn ThS.BS Ninh Thị Ly về những thông tin hữu ích này./.

Băng Thanh - Lê Tuấn thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dinh-duong-phu-hop-theo-do-tuoi-a30927.html