Điều trị dự phòng - Ước mơ của người bệnh máu khó đông

Hemophilia là bệnh chảy máu di truyền gây ra do giảm hoặc bất thường chức năng yếu tố đông máu khiến người bệnh chảy máu khó cầm ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, nhất là ở khớp, cơ, dễ dẫn tới biến dạng khớp, teo cơ và điều trị dự phòng chảy máu là giải pháp hữu hiệu.

Tuy nhiên trong tổng số 6.200 người mắc hemophilia ở Việt Nam, mới có khoảng trên 60% người bệnh được chẩn đoán và điều trị và tỷ lệ % được tham gia phác đồ điều trị dự phòng liều thấp còn thấp hơn rất nhiều.

Được chẩn đoán mắc bệnh Hemophilia từ 6 tháng tuổi, nên anh Cao Thanh Lịch luôn nỗ lực tìm hiểu căn bệnh hiếm này và tích cực điều trị. Do từng tham gia nhiều hội nghị Hemophilia quốc tế, nên anh hiểu, việc điều trị dự phòng sẽ giúp bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ tổn thương, đồng thời mong muốn biện pháp này được triển khai rộng rãi tại Việt Nam.

Từ năm 2016, Bộ Y tế triển khai phác đồ điều trị dự phòng liều thấp, áp dụng cho một số nhóm người bệnh. Tuy nhiên, hơn 6 năm qua mới có 13,8% người bệnh dưới 18 tuổi và 2,3% người bệnh trên 18 tuổi ở mức độ nặng được điều trị. Trong khi đó, ở các nước phát triển, giải pháp này được triển khai từ khoảng 40 năm trước.

Điều trị dự phòng chảy máu sẽ giúp người bệnh đỡ đau đớn, biến chứng và tổn thương khớp vĩnh viễn, giảm thiểu tử vong do chảy máu ở những vị trí nghiêm trọng. Quan trọng, không có biến chứng, người bệnh thêm tự tin hòa nhập cộng đồng.

Từ năm 1989, Liên đoàn Hemophilia Thế giới đã chọn ngày 17/4 hằng năm là ngày Hemophilia Thế giới. Đây là dịp để toàn xã hội quan tâm đến cộng đồng người có rối loạn chảy máu và kết nối cộng đồng rối loạn chảy máu toàn cầu. Chủ đề của năm 2023 là: “Điều trị dự phòng: Tiêu chuẩn chăm sóc hemophilia toàn cầu” và tại Việt Nam, được điều trị dự phòng vẫn đang là Ước mơ của người bệnh máu khó đông.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Bích Hạnh Khánh Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dieu-tri-du-phong-uoc-mo-cua-nguoi-benh-mau-kho-dong