Điều tra KTXH 53 dân tộc thiểu số: Chính sách cảm tính, hiệu quả chưa cao

Nhiều con số từ bản điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) 2015 vừa được Ủy ban Dân tộc (UBDT) công bố, khiến nhiều người quan tâm, thậm chí là lo ngại. Đi sâu vào tìm hiểu thực tế tại địa phương, những lo ngại từ các con số trên lại càng có cơ sở.

Khi chính sách chưa sát thực tế

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 của hộ DTTS là 23,1%, cao hơn 3,3 lần so với mức chung của cả nước. Trong đó nhóm DTTS rất ít người có tỷ lệ hộ nghèo cao. Dân tộc La Hủ đứng đầu với gần 84% số hộ diện nghèo, dân tộc Mảng có đến 80% hộ nghèo. Trong thực tế, ngoài chương trình hỗ trợ chung như Chương trình 135, 167, 30a… 4 dân tộc ít người dưới 1.000 người là Cống, Cờ Lao, La Hủ, Mảng còn có thêm chính sách hỗ trợ đặc thù riêng. Nhưng số hộ nghèo vẫn chiếm đa số. Theo đánh giá chung của những người thực hiện, chính sách vẫn chưa sát với thực tế.

Các con số được điều tra cho thấy đời sống của đồng bào DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: LS

Theo kết quả điều tra, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu DTTS là 1,16 triệu đồng. Tỷ lệ tảo hôn chung của các DTTS rất cao, lên đến 26,6%. Đặc biệt, một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 30%. Hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ khá cao 0,65% tồn tại chủ yếu ở một số dân tộc có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và sống biệt lập.

Bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu) có 27 hộ, thì tới 26 hộ nghèo. Bản có 100% là người Mảng nên được Nhà nước hỗ trợ nhiều. Trưởng bản Lò Y Van cho hay: Con cái học có Nhà nước nuôi, trồng lúa được Nhà nước cho giống, phân bón, khi nào đói được Nhà nước hỗ trợ gạo. Nhiều khi Nhà nước hỗ trợ cho tấm lợp rồi nhưng gia đình trong bản có người nghiện ngập, không có nhân lực để đi làm, cũng được xã, huyện tạo điều kiện cho dân công giúp những gia đình ấy.

Hỗ trợ nhiều nên dẫn đến tư tưởng ỷ lại của bà con. Trưởng bản Lò Y Van thừa nhận: Nhà nước cho nhiều nhưng dân mình thực hiện chưa tốt lắm. Cái gì cũng được cho hết rồi nên dân không chịu làm ăn. Bao nhiêu hỗ trợ, đầu tư bền bỉ năm này qua năm khác của Nhà nước mà gần 100% hộ dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Chỉ riêng nhà tôi không thuộc diện hộ nghèo.

Nậm Củm không khác gì cái túi bị thủng. Kết quả này không ai mong muốn, nhất là những người ngày ngày đang đói mòn vì thiếu ăn. Thế nên, Trưởng bản Lò Y Van táo bạo đặt vấn đề: Dân không hứa, mình cũng không biết được bao giờ họ thoát nghèo. Chỉ có hết chương trình hỗ trợ Nhà nước cắt đi, dân mới chịu làm ăn thôi. Cứ cắt độ 5-7 năm xem sao. Không hỗ trợ kiểu này nữa, hỗ trợ kiểu này dân vẫn ỷ lại cho Nhà nước thôi.

Làm sao người dân có động lực để lao động, sản xuất khi đều đặn mỗi năm 2 lần Nhà nước cấp gạo? Người dân cũng không bao giờ coi xóa bỏ đói nghèo là sự phấn đấu của bản thân khi mà đến cả cái mái nhà của mình cũng chẳng cần phải mó tay vào lợp. Thế nên, cái sự “lười biếng” đúng như lời ông Trưởng bản Lò Y Van chỉ là mang tiếng khi chính sách không đặt người dân là chủ thể - điều những tưởng là đương nhiên này.

Căn cứ để hoạch định chính sách

Số liệu điều tra các chỉ tiêu kinh tế xã hội 53 DTTS Việt Nam cũng chỉ ra 21% người DTTS độ tuổi 15 trở lên không biết đọc, biết viết và không hiểu được 1 câu đơn giản của tiếng Việt.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc và miền núi cho biết: Người mù chữ ở nhiều DTTS chiếm tỷ lệ cao, đồng nghĩa với việc một số lượng lớn bà con không thể tiếp cận thông tin từ đọc. Thông tin chỉ đến với bà con qua phát thanh, truyền hình, qua tuyên truyền miệng của cán bộ trong các buổi tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn... Thực tế trong nhiều năm qua, không chỉ truyền thông trên các phương tiện nghe - nhìn, mà cả tuyên truyền trực tiếp vẫn chưa mang lại hiệu quả nhiều cho người DTTS.

Từ những kết quả cuộc điều tra, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng nhìn nhận: Đây là một cuộc điều tra đầy đủ chưa từng có. Số liệu cho thấy có sự đánh giá rõ ràng giữa tỉ lệ, cơ cấu, khác biệt của từng dân tộc. Có dân tộc vừa thuộc nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao vừa có tỷ lệ hộ cận nghèo cao như dân tộc Co, có dân tộc tuy không thuộc nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao song lại có tỷ lệ hộ cận nghèo cao. Hiện nay, chính sách dân tộc đang áp dụng chung cho các dân tộc chưa phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc. Nội dung một số đề án chính sách dân tộc còn cảm tính, chưa dựa trên bằng chứng khoa học, số liệu thống kê và nguyện vọng của đồng bào. Vì thế, hiệu quả chính sách chưa cao, mức độ thụ hưởng chính sách, giảm nghèo của đồng bào không đều nhau.

“Kết quả của cuộc điều tra được đăng tải trên trang web của UBDT để những ai quan tâm đều có thể tham khảo. Và sẽ được điều tra lại vào 5 năm tới. Việc công bố những số liệu này sẽ là căn cứ quan trọng để UBDT tham mưu cho các Chính phủ hoạch định chính sách dân tộc đảm bảo quan điểm, nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” – ông Hùng cho hay.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/dieu-tra-ktxh-53-dan-toc-thieu-so-chinh-sach-cam-tinh-hieu-qua-chua-cao-713211.html