Điều khủng khiếp Thổ sẽ đối mặt sau bầu cử Mỹ vì mua S-400 của Nga

Việc Thổ Nhĩ Kỳ thử S-400 do Nga chế tạo có thể khiến nước này phải đối diện với các lệnh trừng phạt lớn của Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Theo Ahvalnews, hồi giữa tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn thử hệ thống S-400 trên Biển Đen. Động thái này đi ngược lại với mong muốn của Mỹ. Suốt hơn một năm qua, Washington liên tục cảnh báo không được kích hoạt hệ thống phòng thủ tân tiến này.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây cho biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại ra khỏi chương trình hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu tấn công thế hệ thứ năm F-35 khi quyết mua S-400 không chỉ là hình phạt duy nhất mà Ankara phải đối mặt khi mua hệ thống vũ khí Nga. Ông cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị cấm mua thêm vũ khí từ Mỹ.

Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bị Washington lên án vì mua và hiện đang bắn thử hệ thống vũ khí của Nga. Lầu Năm Góc đã chỉ trích Ankara "theo những điều kiện mạnh mẽ nhất có thể". Quốc hội Mỹ cũng đã đóng băng việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2018 vì mua S-400.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã sắp xếp thời gian bắn thử S-400 trùng với thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã sắp xếp thời gian bắn thử S-400 trùng với thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trước đó, Ankara tuyên bố sẽ kích hoạt hệ thống vào đầu năm nay nhưng đã hoãn lại, với lý do đại dịch Covid-19.

Kể từ khi đầu tư 2,5 tỷ USD để mua hệ thống tiên tiến của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã đủ để phải chịu các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA).

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã tìm cách tránh áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Ankara. Tuy nhiên, giờ cho dù ông Trump có tái đắc cử trong tháng này hay không, Thổ Nhĩ Kỳ đều có thể phải đối mặt với áp lực gia tăng của Mỹ, có thể bao gồm các lệnh trừng phạt, trong tương lai gần đối với hoạt động mua sắm vũ khí gây chia rẽ của họ.

Eric Edelman, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, mặc dù rất khó để biết liệu có phải việc Thổ Nhĩ Kỳ thử S-400 ngay trước bầu cử Mỹ là có chủ ý hay không nhưng “rõ ràng quyết định này được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong thời điểm Mỹ đang bị phân tâm bởi các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ở xứ sở cờ hoa”.

Ông Eric Edelman dự đoán, nếu ông Trump đắc cử, nhà lãnh đạo Mỹ khó khăn hơn nhiều trong việc tránh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Edelman cho biết: “Dù ai là người cuối kiểm duyệt các đề xuất của Thượng viện trong việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua S-400 cũng như chính sách về Libya, phía đông Địa Trung Hải và Nam Caucasus, việc trừng phạt Ankara cũng là điều không thể ngăn cản”.

Và trong trường hợp ông Joe Biden thắng cử, nhà lãnh đạo Mỹ này lại càng bớt do dự trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Ankara.

Nhà phân tích chính trị Ali Bakeer có trụ sở tại Ankara tin rằng thời điểm thử nghiệm vũ khí này có thể đã được Thổ Nhĩ Kỳ tính toán trúng dịp bầu cử Mỹ vì như vậy Washington sẽ "giảm các phản ứng mạnh với Ankara và đây cũng là thước đo xem Washington có nghiêm túc trong việc thu hẹp khoảng cách mối quan hệ giữa hai nước không".

Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ phải đối mặt với áp lực trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn.

Trong trường hợp ông Biden đắc cử, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với một số áp lực từ Mỹ. Điều này đã được thể hiện trong một số tuyên bố gần đây của ông.

Ông Bakeer cho biết, vẫn còn cơ hội nhỏ để Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết bế tắc trong vấn đề S-400 nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ phải “thể hiện ý chí nghiêm túc và chân thành mới đạt được một giải pháp hợp lý”.

Trong khi đó, ông Edelman cho biết ông hoài nghi về việc sẽ có lệnh cấm vận từ Mỹ khi Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt S-400 trong tương lai gần. Trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ từng phản ứng lệnh cấm vận Mỹ bằng cách từ chối cho Mỹ tiếp cận căn cứ không quân İncirlik và các căn cứ quân sự quan trọng về mặt chiến lược khác trên lãnh thổ Ankara.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dieu-khung-khiep-tho-se-doi-mat-sau-bau-cu-my-vi-mua-s-400-cua-nga-a495340.html