'Điêu khắc mới có thể chuyển tải đầy đủ những tâm huyết đã ấp ủ suốt nhiều năm…'

Đồng bằng sông Cửu Long - một vùng đất trù phú, con người nơi đây thật đôn hậu, cương trực và giàu lòng yêu quê hương. Đặc biệt nơi này đã sản sinh rất nhiều thế hệ họa sĩ tên tuổi như: Huỳnh Văn Gấm, Dũng Tiến, Nguyễn Bình Đẳng, Phạm Văn Tâm (Long An ), Cửu Long Giang (Đồng Tháp), Nguyễn Hiêm, Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Vĩnh Bảo (An Giang), Nguyễn Phước Sanh, Hồ Văn Lái, Tô Dự (Cần Thơ), Võ Thành Lũy (Cà Mau), Trần Văn Lắm (Bạc Liêu)...

Tác phẩm “Tượng đài Cá Basa” ở Châu Đốc - An Giang.

So với các khu vực khác, điêu khắc tượng đài của vùng đất 9 rồng khá phát triển, tỉnh nào cũng có một đến vài ba tượng đài, chủ yếu là các tượng về đề tài cách mạng, kháng chiến, danh nhân... của các tác giả: Nguyễn Hải, Trương Đức Vinh (Tiền Giang), Diệp Minh Châu, Nguyễn Phi Oanh, Nguyễn Chi (Bến Tre)…trong các tác giả đó, người yêu nghệ thuật rất ấn tượng với các tác phẩm: “Tượng đài Cá Basa” - TX Châu Đốc (An Giang), “Bất khuất” đặt tại nghĩa trang liệt sỹ Cà Mau, “Tượng đài Trần Văn Thành” và phù điêu ngoài trời “Đấu tranh trực diện” tại Đầm Dơi (Cà Mau)… của nhà điêu khắc Trần Thanh Phong; mà theo họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN: “Các tác phẩm của Trần Thanh Phong không chỉ gắn bó với cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc mà còn ghi đậm dấu ấn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Các tác phẩm được thể hiện mạch lạc, khỏe khoắn với ngôn ngữ điêu khắc hiện đại đã góp phần vào sự phát triển của mỹ thuật VN”. Trần Thanh Phong sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Hơn 10 tuổi, Trần Thanh Phong đã cùng gia đình vào chiến khu rừng đước U Minh (Cà Mau). Khi đó, cha ông là trưởng cơ quan điện ảnh - nhiếp ảnh khu. Năm 1969, khi mới 15 tuổi, ông chính thức tham gia cách mạng và công tác ở Cơ quan Văn nghệ giải phóng Quân khu 9. Tháng 10.1974, được cử ra Bắc học tập nhưng ông xin ở lại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Trong suốt thời gian đó, ông công tác tại phòng hội họa thuộc Cơ quan Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam và đã sáng tác nhiều tác phẩm hội họa khích lệ tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của đồng bào, chiến sĩ ta. Sau ngày giải phóng miền Nam, Trần Thanh Phong vẫn tiếp tục đi theo con đường hội họa. Đến năm 1976, ông theo học lớp trung cấp hội họa tại TPHCM và ra trường năm 1978. Hai năm sau, ông thi vào đại học, học điêu khắc suốt 5 năm. Tốt nghiệp năm 1986, ông về công tác tại Hội Văn nghệ An Giang và gắn bó với địa phương này cho đến khi nghỉ hưu.

Ông đã chọn điêu khắc để tái hiện sự hy sinh anh dũng của dân tộc, những mất mát đau thương mà nhiều thế hệ từng chứng kiến, cảm nhận. Phản ánh hiện thực, đặc biệt là lịch sử chiến tranh cách mạng có phải là phong cách sáng tác xuyên suốt trong các tác phẩm của Trần Thanh Phong?

- Khi Hiệp định Paris ký kết năm 1973, tôi cùng đồng đội vẽ tranh cổ động và triển lãm lưu động trong vùng giải phóng theo những hàng dừa, bờ chuối, thu hút mạnh sự chú ý của quần chúng nhân dân. Trong không khí phấn khởi, người dân càng hào hứng trước sự kiện Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Tôi từng tham gia tổ chức trang trí Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Quân khu 9 năm 1972 tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, trong rừng tràm cách Chi khu 11 của chính quyền Sài Gòn chỉ 11km. Lúc đó, không có ảnh Bác Hồ, chúng tôi vẽ bằng ký ức rồi trang trọng đặt trên lễ đài. Công việc chính lúc này là khắc gỗ in báo trong kháng chiến và khắc tranh cổ động, tranh truyện in phát hành trong vùng giải phóng. Ngoài ra, tôi còn vẽ minh họa và ký họa các hoạt động trong kháng chiến. Những năm chiến tranh ác liệt, địch chiếm sâu vào vùng kiểm soát của ta, tôi cùng một số đơn vị trong Ban Tuyên huấn với chủ lực Quân khu 9 tham gia bao vây đồn Thầy Ký, huyện Đầm Dơi trong vòng 1 tháng. Tôi là thành viên trong đội chiến đấu của cơ quan nên lúc nào cũng kè kè khẩu súng CKC và chiếc xuồng ba lá để vượt qua sông, qua lộ cả ngày lẫn đêm, có khi ngủ trên đầm nước chỉ cách đồn địch 500m. Đây là những kỷ niệm rất đẹp, dù gian nan, nguy hiểm của một thời tuổi trẻ, luôn khắc sâu trong tâm tưởng và có lẽ theo tôi suốt cuộc đời.

Nhiều người đã đến “Tượng đài đường Hồ Chí Minh trên biển” có tiếng của ông tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Điêu khắc đương nhiên là nghệ thuật, nên có tính ước lệ, nhưng cái hồn của tượng, có cái tình của vùng đất và con người địa phương nơi đây, đồng thời vẫn phải bảo đảm tính chính xác của lịch sử?

- Đối với tôi, Cà Mau như nhà của mình. Tôi xem đây là quê hương thứ 2. Từ hồi còn nhỏ xíu, tôi đã theo ba đi kháng chiến khắp rừng đước Cà Mau, cho nên tình cảm và cách sống của người Cà Mau đã ăn sâu vào máu, vào tim tôi. Như mọi người đã biết, cùng với đường Hồ Chí Minh trên đất liền, đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông là tuyến chi viện chiến lược đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 23.10.1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Tượng đài chính cao hơn 10m, khắc họa lại hình ảnh con tàu không số vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển phục vụ chiến trường miền Nam, với những chiến sĩ bộ đội vững chắc tay lái cập bến Vàm Lũng (Ngọc Hiển - Cà Mau). Hai bức phù điêu hai bên tượng đài chính mô phỏng hình dáng hai con tàu đang vượt sóng, với những họa tiết minh họa các hoạt động bốc xếp vũ khí xuống xuồng ba lá, chuyển đến chiến trường, có sự hỗ trợ, tiếp sức của đồng bào và tái hiện lại những trận đánh tàu giặc oanh liệt của Đoàn 125, những chiến thắng vang dội trên khắp chiến trường Nam bộ. Khu tượng đài cũng là để du khách tìm hiểu về con đường huyền thoại này.

Ngoài những tượng đài ngoài trời rất hoành tráng, người yêu nghệ thuật điêu khắc rất có cảm tình trước phù điêu “Bữa cơm của mẹ” của ông. Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên mâm cơm với 4 chén cơm và những đôi đũa gác lên, trống vắng, cô đơn vậy?

- Từ nhỏ, tôi đã theo gia đình vào chiến khu rồi tham gia cách mạng nên phải lìa xa quê nhà Sóc Trăng. Dù ở đây nhưng lúc nào tôi cũng đau đáu về quê mẹ. Quê hương Sóc Trăng với hình ảnh bà mẹ quê chiều nào cũng ra cửa ngóng chồng, đợi con về ăn bữa cơm sum họp luôn ám ảnh tôi. Hình ảnh bà mẹ trong tác phẩm chính là mẹ tôi. Cả đời mẹ tôi đã hy sinh cho chồng con, cho quê hương, đất nước và đã gánh chịu quá nhiều mất mát, đau thương.(Nhà ông Phong có 4 người hy sinh, ba và 3 người anh của Trần Thanh Phong - PV). Từ đó, mỗi lần ăn cơm, trên mâm cơm mẹ tôi bao giờ cũng cúng thêm 4 chén cơm. Nhìn cảnh đó riết rồi tác phẩm ra đời hồi nào không biết.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật tranh, tượng đương nhiên cũng tăng theo. Nhưng đó là chuyện ở các thành phố lớn, còn ở miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long phải chăng vẫn còn xa lạ?

- Năm ngoái tôi tham gia triển lãm tranh tượng với nhiều tác giả khác, lúc đầu cũng lo lắng, ai ngờ hôm khai mạc, dân Cà Mau đến ủng hộ quá trời. Sắp tới giờ khai mạc thì cũng là lúc trời đổ mưa, nhưng dân vẫn đến rất đông, người ngồi, người đứng, chẳng ai bận tâm chuyện đứng ngồi, hay mưa gió. Mà ở An Giang cũng vậy, khu du lịch núi Sam, có hẳn công viên rộng lớn, trưng bày những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo của hàng trăm nhà điêu khắc đến từ khắp các nước, du khách rồi dân nơi đây đến xem khá đông. Đó là Vườn tượng điêu khắc quốc tế “Dấu ấn An Giang” trưng bày hàng trăm tác phẩm điêu khắc đá thể hiện sinh động, phong phú các nền văn hóa. Trong thành phố, tôi có làm “Tượng đài Cá Basa” cao 12m được dựng lên ở công viên bờ sông Châu Đốc. Đây là loài cá đã gắn bó với người An Giang hàng trăm năm qua, giúp hàng vạn hộ dân An Giang trở nên giàu có. Tượng đài không chỉ mang hàm nghĩa “nhớ ơn” loài cá này, mà còn tôn vinh người làm nghề nuôi cá. Với tôi đó là những gì tôi tri ân những mảnh đất đã chở che, nuôi dưỡng tôi thành người.

Điêu khắc tượng đài của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nay cũng khá phát triển, tỉnh nào cũng có một đến vài ba tượng đài, chủ yếu là các tượng về đề tài cách mạng, kháng chiến, danh nhân... bằng chất liệu bê tông và đá rất đậm đà bản chất Nam Bộ. Một vùng đất của tình người chân chất, của những cánh đồng bạt ngàn, với rừng tràm bạt ngàn, con đò bập bềnh, tôm cá đầy đàn… vẫn là nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác của Trần Thanh Phong. Với đức tính cần cù, làm việc hết mình, mà chơi thì cũng chơi “tới bến”, ông sẽ còn có nhiều tác phẩm mới về đề tài lịch sử vùng đất Nam Bộ. “Bắt con cá lóc nướng trui/ Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa” dịp lại về thăm quê ông, nhâm nhi ly rượu, ngắm tượng chân dung những người mà Trần Thanh Phong yêu thích (thích mới làm), bên dòng sông mênh mông… sao mà lại không yêu thêm mảnh đất này được.

- Xin cảm ơn ông!

Nhà điêu khắc Trần Thanh Phong (1954) quê xã Gia Hòa, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Là Hội viên Hội Mỹ thuật VN, hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM. Những tác phẩm tiêu biểu: Chiến thắng Tức Dụp (An Giang), Tượng cá Ba sa (Châu Đốc, An Giang), Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Bảo tàng Tôn Đức Thắng, TPHCM)… Được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì, Huân chương chống Mỹ Hạng Nhất, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Kỷ niệm chương.

ĐỖ ANH THƯ THỰC HIỆN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/dieu-khac-moi-co-the-chuyen-tai-day-du-nhung-tam-huyet-da-ap-u-suot-nhieu-nam-599484.bld