Điều gì xảy ra khi một người đói?

Khi một người đói, anh ta không chỉ thay đổi chức năng ở hệ tiêu hóa, mà còn thay đổi ở nhiều, thậm chí hầu hết các chức năng.

Mệnh đề đầu tiên của chúng ta nói rằng cá nhân là một tổng thể tích hợp, có tổ chức. Tuyên bố mang tính lý thuyết này được các nhà tâm lý học chấp nhận một cách ngoan đạo, nhưng sau đó họ thường dễ dàng bỏ qua trong các thí nghiệm thực tế của mình.

Điều đó có nghĩa là, thực tại mang tính thực nghiệm và thực tại lý thuyết phải được nhận ra trước khi có thể có một thực nghiệm đúng đắn và một lý thuyết động lực đúng đắn. Trong lý thuyết động lực, mệnh đề này có nhiều hàm ý cụ thể. Chẳng hạn, điều đó có nghĩa là tổng thể cá nhân được thúc đẩy chứ không chỉ là một phần trong họ.

Trong một lý thuyết tốt, sẽ không có những thứ như nhu cầu của dạ dày, nhu cầu của miệng hay của bộ phận sinh dục. Chỉ có duy nhất nhu cầu của cá nhân. Chính John Smith là người muốn thức ăn, chứ không phải dạ dày của John Smith. Hơn nữa, sự thỏa mãn đến với tổng thể con người chứ không chỉ đến với một phần của anh ta. Thức ăn thỏa mãn cơn đói của John Smith chứ không phải thỏa mãn cơn đói của dạ dày anh ta.

Ảnh minh họa. Nguồn: Monstera Production/Pexels.

Việc coi cơn đói của John Smith chỉ là một chức năng đơn thuần của đường tiêu hóa đã khiến các nhà thí nghiệm bỏ qua thực tế rằng khi một người đói, anh ta không chỉ thay đổi chức năng ở hệ tiêu hóa, mà còn thay đổi ở nhiều chức năng khác, thậm chí ở hầu hết tất cả các chức năng mà anh ta có.

Tri giác của anh ta thay đổi (giác quan của anh ta sẽ tinh nhạy với thức ăn hơn lúc bình thường). Ký ức của anh ta thay đổi (anh ta có xu hướng nhớ một bữa ăn ngon vào thời điểm này hơn những thời điểm khác). Cảm xúc của anh ta thay đổi (anh ta căng thẳng và hồi hộp hơn so với những lúc khác). Nội dung suy nghĩ của anh ta thay đổi (anh ta có xu hướng nghĩ đến việc tìm thức ăn hơn là giải toán đại số).

Và danh sách này có thể được mở rộng cho hầu hết mọi tiềm năng, khả năng hoặc chức năng khác, cả về sinh lý lẫn tâm trí. Nói cách khác, khi John Smith đói thì toàn bộ anh ta đói, anh ta trở thành một người khác nếu so với chính mình ở những thời điểm bình thường.

Cơn đói như một hình mẫu

Việc lựa chọn cơn đói làm hình mẫu cho tất cả các trạng thái động lực khác là không khôn ngoan và không có cơ sở, cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế. Khi phân tích kỹ hơn, có thể thấy rằng cơn đói là một trường hợp động lực đặc biệt hơn là một trường hợp chung.

Nó biệt lập hơn (với nghĩa như của nhà tâm lý học Gestalt và Goldstein đã nói) so với các động lực khác, ít phổ biến hơn so với các động lực khác, và cuối cùng, nó khác với các động lực khác ở chỗ người ta đã biết rõ sự liên quan của nó với cơ thể2 - còn đa số các trạng thái động lực không có điểm này.

Vậy, những động lực trực tiếp phổ biến hơn là gì? Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy chúng bằng cách quan sát nội tâm trong một ngày bình thường. Những ham muốn thoáng qua ý thức thường là những ham muốn về quần áo, ô tô, tình bạn, công ty, sự khen ngợi, uy tín, và những thứ tương tự.

Thông thường, những nhu cầu này được diễn đạt như là những nhu cầu thứ cấp hoặc nhu cầu do ảnh hưởng của văn hóa, và được coi là khác so với các nhu cầu “thực sự” và căn bản, tức là các nhu cầu sinh lý. Trên thực tế, chúng quan trọng hơn nhiều đối với chúng ta, và chúng cũng phổ biến hơn nhiều so với nhu cầu sinh lý. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu lấy một trong số chúng làm hình mẫu, thay vì lấy cơn đói.

Lâu nay có một giả định phổ biến rằng tất cả các nhu cầu sẽ tuân theo ví dụ điển hình của nhu cầu sinh lý. Giờ ta có thể nói, điều này là không đúng. Hầu hết các bản năng không thể được biệt lập, chúng cũng không giới hạn trong một vùng nào đó của cơ thể, cũng như không thể coi chúng như là thứ duy nhất xảy ra trong cơ thể vào thời điểm đó.

Một động lực, nhu cầu hay mong muốn điển hình không và có lẽ sẽ không bao giờ lại chỉ liên quan đến bộ phận cơ thể cụ thể, biệt lập và cục bộ. Rõ ràng nhu cầu điển hình là nhu cầu của tổng thể con người. Sẽ tốt hơn nhiều nếu, thay vì nhu cầu ăn, thì ta lấy nhu cầu kiếm tiền làm hình mẫu cho nghiên cứu. Hay tốt hơn nữa, thay vì một mục tiêu thành phần, thì ta lấy một mục tiêu cơ bản hơn nữa, ví dụ như nhu cầu yêu thương.

Với tất cả các bằng chứng hiện có, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu đầy đủ về nhu cầu yêu thương, cho dù có hiểu biết bao nhiêu về cơn đói. Quả thực, có thể đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ hơn rằng, từ sự hiểu biết đầy đủ về nhu cầu yêu thương, chúng ta có thể hiểu hơn về động lực chung của con người (bao gồm cả cơn đói), hơn là từ việc nghiên cứu thật kỹ về cơn đói.

Trong mối liên hệ này, ta cần nhớ lại phân tích phản biện của các nhà tâm lý học Gestalt về khái niệm thế nào là đơn giản. Nhu cầu của cơn đói có vẻ đơn giản khi so sánh với nhu cầu yêu thương, nhưng về lâu dài thì lại không đơn giản như vậy.

Vẻ ngoài của tính đơn giản có thể được tạo ra thông qua việc chọn lọc những trường hợp và hoạt động biệt lập, tương đối độc lập với tính tổng thể của cơ thể. Một hoạt động quan trọng có thể dễ dàng được chứng minh là có mối quan hệ động với hầu hết mọi thứ quan trọng khác trong con người.

Vậy thì tại sao lại chọn một hoạt động hoàn toàn không điển hình theo nghĩa này, một hoạt động được chọn ra để đặc biệt chú ý chỉ vì nó có thể được giải quyết dễ dàng hơn bằng kỹ thuật thử nghiệm thông thường (nhưng không chắc là đúng đắn) như cô lập, rút gọn hay độc lập với các hoạt động khác?

Nếu chúng ta phải đối mặt với việc lựa chọn giải quyết hoặc các bài toán thực nghiệm đơn giản nhưng tầm thường hay sai lạc, hoặc các bài toán thực nghiệm siêu khó nhưng quan trọng, thì chúng ta không nên ngần ngại chọn cái sau.

Abraham H. Maslow/Bách Việt - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-mot-nguoi-doi-post1473690.html