Điều gì tiếp theo đối với lãi suất của FED sau cuộc họp tháng 12?

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đưa ra tất cả các lựa chọn về lãi suất tại cuộc họp tuần này, ngay cả khi dữ liệu lạm phát tiến triển đúng theo kế hoạch. Vào lúc 2 giờ chiều ngày thứ tư (13/12, giờ Mỹ), khi ông Jerome H. Powell - Chủ tịch FED phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp kết thúc, các nhà đầu tư và nhiều người Mỹ sẽ tập trung nhiều vào một câu hỏi: Khi nào FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất?

Lạm phát giảm có thể cho phép FED xem xét liệu có nên cắt giảm lãi suất hay không và khi nào? Ảnh: Bloomberg

Kỷ nguyên của “sự không chắc chắn

Các nhà hoạch định chính sách của FED đã tăng mạnh chi phí đi vay từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, từ 0% lên khoảng 5,25 đến 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm nhằm nỗ lực kiểm soát lạm phát nhanh chóng bằng cách hạ nhiệt nền kinh tế. Họ đã tạm dừng kể từ đó, chờ xem nền kinh tế phản ứng thế nào.

Nhưng với việc lạm phát đang ở mức vừa phải và thị trường việc làm đang tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn hơn, Phố Wall ngày càng kỳ vọng FED có thể sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất - thậm chí có thể là trong vòng ba tháng đầu năm 2024.

Vào những năm 1970, Arthur Burns - Chủ tịch FED khi đó, đã thất bại trong cuộc chiến chống lại lạm phát tràn lan - một phần vì ngân hàng trung ương đã nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp cao hơn. Paul Volcker - Chủ tịch FED tiếp sau, lại chọn cách chế ngự giá cả tăng vọt bằng cách tăng lãi suất lên cao đến mức gây ra suy thoái kinh tế đau đớn vào đầu những năm 1980.

Nhưng khi áp lực giá cả đã giảm dần, ông Powell - Chủ tịch FED hiện tại, sẽ phải đối mặt với viễn cảnh làm cách nào để đạt mục tiêu mà những người tiền nhiệm của ông không thể: giảm lạm phát mà không gây ra sự biến động lớn về tình trạng thất nghiệp.

Các quan chức FED đã do dự khi nói khi nào điều đó có thể xảy ra, hoặc thậm chí hứa rằng họ sẽ hoàn tất việc tăng lãi suất. Đó là bởi vì họ vẫn lo lắng nền kinh tế có thể phục hồi trở lại hoặc tiến trình kiềm chế lạm phát có thể bị đình trệ. Các nhà hoạch định chính sách không muốn tuyên bố chiến thắng chỉ để rồi lại phải rút lui nếu lạm phát quay trở lại hoặc không đạt mục tiêu.

Các nhà kinh tế cho biết, ông Powell có thể sẽ đưa ra quan điểm không cam kết về lãi suất trong tuần này vì tất cả những điều không chắc chắn. Sau quyết định vào thứ tư, các quan chức FED sẽ công bố Bản tóm tắt dự báo kinh tế hàng quý mới, cho biết quan điểm của họ về lãi suất dự kiến sẽ ở mức nào vào cuối năm 2024, cũng như họ sẽ cắt giảm lãi suất bao nhiêu lần, nếu có.

Nhưng, cả dự báo của FED lẫn kỳ vọng của Phố Wall đều có thể che giấu một thực tế rõ ràng: Có rất nhiều kết quả có thể xảy ra đối với lãi suất trong năm tới, tùy thuộc vào những gì xảy ra trong nền kinh tế Mỹ vài tháng tới.

“Chúng ta đang ở giai đoạn bất ổn cao nhất” - Michael Gapen - Kinh tế trưởng tại Bank of America, cho biết. Ông Gapen cũng bày tỏ quan điểm cá nhân khi nhận định tuần này sẽ không có bất ngờ nào: FED có thể sẽ giữ lãi suất ổn định và các lựa chọn của họ luôn mở. Nhưng trong năm tới, ông và các nhà kinh tế khác cho biết, có ba kịch bản có thể xảy ra - mỗi kịch bản có thể đưa ra một chính sách rất khác nhau.

Kịch bản 1: Nền kinh tế giảm sâu và lãi suất thấp hơn sẽ sớm xuất hiện

Lãi suất đã đè nặng lên thị trường nhà ở, không khuyến khích người tiêu dùng mua những khoản lớn bằng tiền vay, khiến việc mở rộng kinh doanh trở nên kém hấp dẫn hơn trong nhiều tháng qua và những tác động có thể bắt đầu tăng lên.

Nếu nền kinh tế chậm lại đáng kể vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, điều đó có thể thúc đẩy FED hạ lãi suất sớm hơn để tránh giảm tốc độ tăng trưởng mạnh đến mức nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Ông Gapen cho biết, nếu các nhà tuyển dụng cắt giảm việc làm vào tháng 12, FED có thể hạ lãi suất sớm nhất là vào đầu năm 2024. Ông cho biết đây sẽ là một kịch bản “dễ dàng” đối với FED: Rõ ràng là lãi suất cần phải giảm.

Nhưng, đó không phải là điều mà hầu hết các nhà kinh tế mong đợi.

Áp lực giá thấp hơn đã làm giảm bớt lo ngại của FED về lạm phát kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ảnh: Getty Images

Kịch bản 2: Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt nhưng đà tăng trưởng kinh tế vẫn được giữ vững

Hầu hết các nhà dự báo cho rằng, nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng vào cuối năm nay và những năm tiếp theo, nhưng chậm hơn so với những quý gần đây. Việc hạ nhiệt dần dần sẽ giúp lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải.

Trong kịch bản như vậy, câu hỏi quan trọng đối với FED sẽ là khi nào nên cắt giảm lãi suất và tại sao? Liệu có hợp lý không nếu giảm chi phí đi vay chỉ vì lạm phát đang giảm, ngay cả khi dữ liệu kinh tế về cơ bản vẫn ổn định?

Chu kỳ kinh tế hiện tại không giống bất kỳ nhiệm kỳ FED nào phải đối mặt trong nửa thế kỷ, vì vậy ông Powell không có bài học kinh nghiệm lịch sử nào để tham khảo cho các quyết định sắp tới của mình. Trong hầu hết các giai đoạn tăng lãi suất trong 35 năm qua, FED đã tìm cách ngăn chặn lạm phát tăng cao hơn, mà không phải là hạ thấp nó.

Các quan chức FED bao gồm John C. Williams - Chủ tịch FED New York và Christopher Waller - Thống đốc FED, đã gợi ý rằng điều đó có thể xảy ra. Logic khá đơn giản: Lãi suất không được điều chỉnh theo lạm phát, do đó khi lạm phát giảm, lãi suất có thể bắt đầu đè nặng hơn lên nền kinh tế trong điều kiện được điều chỉnh.

Ông Waller đã phát biểu trong một sự kiện vào ngày 28/11: “Nếu chúng tôi thấy tình trạng giảm phát vẫn tiếp tục” và “nếu chúng tôi cảm thấy tin tưởng rằng lạm phát thực sự đã giảm thì có thể bắt đầu hạ lãi suất chính sách vì lạm phát thấp hơn”.

Câu hỏi là khi nào. Ông Waller cho rằng có thể phải mất vài tháng nếu tình hình vẫn tiến triển ổn định để các quan chức cảm thấy thoải mái.

Kịch bản 3: Lạm phát chững lại hoặc nền kinh tế nóng lên trở lại, hoặc cả hai

Đây là kịch bản xấu nhất. Các nhà kinh tế thường xuyên ngạc nhiên trước sức mạnh bền bỉ của cả dữ liệu kinh tế và mức tăng giá kể từ năm 2021, và điều đó có thể xảy ra một lần nữa.

Nếu nền kinh tế và lạm phát nóng hơn dự kiến, giải pháp sẽ rất đơn giản. Các quan chức có thể sẽ cần phải tăng lãi suất nhiều hơn vì họ đã nhiều lần bày tỏ rằng họ sẵn sàng làm như vậy.

Nhưng kịch bản phức tạp hơn có thể xảy ra. Chẳng hạn, nền kinh tế có thể phục hồi ngay cả khi lạm phát hạ nhiệt, tạo ra mối đe dọa rằng nhu cầu mạnh mẽ sẽ đẩy giá cả lên cao. Michael Feroli - kinh tế trưởng tại JP Morgan, cho biết: “Tôi nghĩ họ sẽ miễn cưỡng hơn” trong việc cắt giảm lãi suất trong trường hợp đó.

Hoặc, tiến trình giảm lạm phát có thể bị đình trệ ngay cả khi nền kinh tế yếu đi, buộc FED phải cân nhắc giữa nguy cơ suy thoái kinh tế và lạm phát tăng cao vĩnh viễn.

Tất cả các kịch bản dự kiến như trên có thể giúp giải thích tại sao Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan thiết lập chính sách của FED, lại cố gắng giữ cho các lựa chọn của mình luôn mở.

Ông Powell đã cho biết trong bài phát biểu ngày 1/12: “Chúng ta đã đi quá nhanh và FOMC đang tiến về phía trước một cách cẩn thận”./.

Hoàng Lê (theo The New York Times)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-gi-tiep-theo-doi-voi-lai-suat-cua-fed-sau-cuoc-hop-thang-12-141303.html