Điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người tham gia BHXH tự nguyện

Hiện nay một số người cho rằng đóng BHXH tự nguyện không có lợi bằng gửi tiền ngân hàng. Tuy nhiên, tôi được biết, Luật BHXH có quy định về việc điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động (NLĐ) theo chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ. Xin hỏi, quy định này có áp dụng đối với người tham gia BHXH tự nguyện không? Việc điều chỉnh được thực hiện như thế nào? Nguyễn Vĩnh An (Hà Nam)

Trả lời:

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện đã quy định: Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh như sau:

a) Thu nhập tháng đã đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm bằng thu nhập tháng đã đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng;

b) Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố hằng năm và được xác định bằng công thức sau:

Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm t = Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm liền kề trước năm người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH tính theo gốc so sánh bình quân của năm 2008 bằng 100% / Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm t tính theo gốc so sánh bình quân của năm 2008 bằng 100%

Trong đó:

- t: Là năm bất kỳ trong giai đoạn điều chỉnh;

- Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm t được lấy tròn hai số lẻ và mức thấp nhất bằng 1 (một).

c) Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này thì mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, trong đó thu nhập tháng đã đóng BHXH theo phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu nhận mức điều chỉnh bằng 1 (một).

Ngày 28-12-2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số: 42/2016/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH.

Điều 3 Thông tư 42/2016 quy định, thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo công thức sau:

Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.

Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm 2008 là 1,73; năm 2009 là 1,62; năm 2010 là 1,48; năm 2011 là 1,25; năm 2012 là 1,15; năm 2013 là 1,08; năm 2014 là 1,03; năm 2015 là 1,03; năm 2016 là 1,00; năm 2017 là 1,00.

Có phải đóng BHXH, BHYT khi nghỉ thai sản?

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH. Vậy, trong thời gian nghỉ chế độ này người lao động có phải đóng BHXH, BHYT không?

Trần Thanh Vân (Thừa Thiên - Huế)

Trả lời:

Khoản 2, Điều 39 Luật BHXH quy định: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

Điểm a, Khoản 1, Điều 13 Luật BHYT quy định: Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức BHXH đóng.

Như vậy, theo các quy định trên, trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì trong thời gian đó cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH, BHYT; thời gian đó được tính là thời gian đóng BHXH.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32688102-dieu-chinh-thu-nhap-thang-da-dong-bao-hiem-xa-hoi-bhxh-cua-nguoi-tham-gia-bhxh-tu-nguyen.html