Diễn viên Mạnh Trường: Vinh dự khi được hóa thân vào một nhân vật lịch sử vĩ đại

Với vai Thầu Chín - bí danh của Bác Hồ trong thời gian hoạt động tại Thái Lan - diễn viên Mạnh Trường đã được đánh giá 'vượt qua cái bóng của các đàn anh'. Sau thời gian khá dài để cho những cảm xúc ban đầu lắng xuống, Mạnh Trường có những chia sẻ với NB&CL về bộ phim 'Thầu Chín ở Xiêm'.

Vẹn nguyên cảm xúc tươi mới

+ Cho đến nay, đã 8 năm từ khi bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” ra đời. Nếu nhìn lại, anh có cảm nghĩ gì về vai diễn của mình?

- Khi nhắc đến con số hơn 8 năm tôi mới thấy thời gian trôi qua nhanh thật. Bởi đối với tôi, cảm giác những ngày làm phim vẫn còn vẹn nguyên như vừa mới đây thôi. Tôi nhớ, sau khi phim hoàn thành, tôi còn được sang Thái để tổ chức công chiếu cho bà con Việt kiều ở bên đó xem, tất cả những kỷ niệm đó, tôi vẫn còn nhớ như in.

Mặc dù đã làm nghề từ năm 2007, trước đó cũng đã làm nhiều phim rồi, nhưng đối với tôi, bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” là một sự kiện đặc biệt, đó là bộ phim điện ảnh đầu tiên mà tôi tham gia và cũng là dự án lớn đầu tiên của tôi. Đặc biệt, vai Thầu Chín là vai diễn rất lớn mà tôi vinh dự được đảm nhận. Được hóa thân vào một nhân vật lịch sử vĩ đại như vậy, đến bây giờ tôi vẫn cho rằng, đó là vai diễn mà có lẽ cả cuộc đời làm phim của mình không phải lúc nào cũng may mắn có được. Chính vì thế, nhắc đến bộ phim, trong tôi vẫn y nguyên những cảm giác mới mẻ.

Diễn viên Mạnh Trường chia sẻ với NB&CL.

+ Bây giờ, nếu được “làm lại” ở vai diễn này, anh sẽ diễn như thế nào, hay vẫn diễn như cũ?

- Nếu được mời làm một phim về nhân vật lịch sử vĩ đại như vậy thì chắc chắn là tôi sẽ nhận lời ngay và sẽ rất hào hứng. Nhân đây tôi chia sẻ về chuyện cũ khi làm “Thầu Chín ở Xiêm”. Thời điểm đó, tôi còn trẻ, bị tâm lý nên rất băn khoăn rằng ngoại hình của mình không giống Bác, không giống cả trong mọi thứ nên không biết liệu mình đóng vai Bác có ổn hay không. Áp lực đè nặng nên tôi do dự lắm bởi suy nghĩ rằng, phim khác mình có thể thất bại nhưng “Thầu Chín ở Xiêm” thì không được phép xảy ra chuyện đó. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã động viên tôi rất nhiều, anh nói: “Cứ làm đi, phim này anh không lựa chọn diễn viên có ngoại hình giống với Bác mà anh chọn diễn viên khi diễn toát lên được cái thần thái của một vị lãnh tụ. Anh thấy em phù hợp với vai diễn này nên anh tin đã chọn đúng, em yên tâm, cứ làm đi rồi sẽ thành công”. Nhờ sự động viên của đạo diễn Tuấn Dũng tôi mới dám nhận lời.

Đó là thời điểm cách đây gần 10 năm, còn bây giờ thì đương nhiên mình sẽ phải tìm những điểm khác hơn so với ngày xưa và đặc biệt là với kinh nghiệm tích lũy thêm được trong chừng ấy năm, mình đã trưởng thành hơn, đã sâu sắc hơn, tôi nghĩ rằng, nếu được làm lại sẽ phải tốt hơn.

+ Từ khi nhận được lời mời của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đến khi anh quyết định nhận vai Thầu Chín có mất nhiều thời gian không?

- Tôi nhớ đâu đó khoảng ba tháng. Hồi đó, anh Dũng và tôi đang làm phim “Đường lên Điện Biên” thì anh đã ấp ủ về dự án phim “Thầu Chín ở Xiêm” rồi. Một hôm, anh Dũng có nói với tôi cần chuẩn bị giảm cân để tiếp tục “chiến đấu” ở dự án tiếp theo. Khi “Đường lên Điện Biên” đóng máy thì anh Dũng mới bật mí về vai diễn, về kịch bản. Sau đó, tôi vào TP.HCM làm phim “Người đứng trong gió” rồi mới trở ra để quay phim “Thầu Chín ở Xiêm”. Trong khoảng thời gian ba tháng đó, tôi dành nhiều thời gian xem về kịch bản, trao đổi rất nhiều với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng…

Diễn viên Mạnh Trường trong một cảnh quay của phim “Thầu Chín ở Xiêm”. Ảnh: NVCC

Phim “Thầu Chín ở Xiêm” kể về quãng thời gian Bác Hồ hoạt động tại Thái Lan từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929. Là một bộ phim thuộc đề tài lịch sử, với nhiều sự kiện tưởng như khô cứng nhưng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã xây dựng nhiều tình huống “chạm” đến trái tim khán giả. Vào vai Thầu Chín, Mạnh Trường cũng đã vượt ra khỏi “lối mòn” để gieo vào lòng khán giả một hình tượng khá tươi mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Làm việc “khó” thì sẽ trưởng thành

+ Trước anh, đã có nhiều nghệ sĩ đóng vai Bác Hồ thành công. Khi vào vai Thầu Chín, những người đó có ảnh hưởng đến anh không và anh học hỏi được gì từ họ?

- Có nhiều nghệ sĩ thể hiện vai Bác Hồ thành công nhưng những người tôi được biết, được xem nhiều là hai anh Tiến Hợi, Trần Lực. Vai diễn của hai anh đã gây áp lực rất lớn đối với tôi. Bởi vì các anh có ngoại hình rất giống Bác; đặc biệt về diễn xuất, các anh đã đi trước mình quá lâu, chắc chắn mình phải học hỏi rồi. Trong thời gian tìm tòi tài liệu, ngoài việc xem những thước phim lịch sử có hình ảnh thực về Bác thì những phim mà anh Tiến Hợi, anh Trần Lực đóng vai Bác tôi xem rất nhiều. Với một diễn viên trẻ, việc xem lại, học tập những đàn anh đi trước là việc rất tốt, đương nhiên thôi.

Tuy nhiên, không phải đối với cá nhân tôi mà với bất kỳ diễn viên nào cũng vậy, việc xem lại người đi trước nhằm chắt lọc được tinh thần của nhân vật và kinh nghiệm của họ, không ai đi bắt chước y hệt cả. Bởi vì mỗi diễn viên có một tác phong khác nhau, có đặc thù, cá tính riêng, cho nên dù có bảo diễn viên bê nguyên cách diễn của người đi trước vào thì cũng không thể. Cái học hỏi ở đây là cách họ tính toán trong diễn xuất thế nào, cách họ xây dựng nhân vật ra sao... Bản thân tôi khi làm “Thầu Chín ở Xiêm” cũng thường xem lại những đoạn diễn của mình ngay sau khi quay xong, xem đã ổn chưa, xem liệu có diễn chưa tới hay có giống với ai hay không để rút kinh nghiệm ngay.

Mạnh Trường được đánh giá đã vượt ra khỏi “lối mòn” để gieo vào lòng khán giả một hình tượng khá tươi mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

+ Tôi có cảm giác đạo diễn Tuấn Dũng là người khá chi tiết và khó tính. Khi làm phim, đạo diễn nhấn mạnh yêu cầu nào nhất đối với vai Thầu Chín và điều đó có “khó” đối với anh?

- Việc đầu tiên tôi thấy khó là giảm cân. Anh Dũng không yêu cầu diễn viên phải có ngoại hình giống Bác nhưng chắc chắn là dáng người phải dong dỏng, thanh thanh thôi. Khi quay phim “Người đứng trong gió” ở Đà Lạt, tôi bắt đầu phải ép cân và khi quay xong thì giảm được 6kg. Đến khi về nhận vai, mặc thử trang phục, anh Dũng bảo “Ok, thế là cũng giảm cân được đấy”.

Thứ hai, khi cùng làm phim “Đường lên Điện Biên” tôi đã biết anh Dũng rất chú ý đến những chi tiết nhỏ, từ lời thoại đến cách diễn xuất của diễn viên. Đặc biệt là yêu cầu về lời thoại trong phim lịch sử không thể nào giống phim đời thường hay phim về chuyện gia đình. Với “Thầu Chín ở Xiêm”, lời thoại được đạo diễn yêu cầu phải chính xác tuyệt đối, hoàn toàn theo kịch bản 100%. Cộng thêm vai Thầu Chín phải nói được cả một chút tiếng Pháp và một vài đoạn còn phải nói tiếng Thái Lan nữa. Làm phim, tôi phải “gò” mình theo cách làm việc ấy, thì đó là những khó khăn. Nhưng mà điều đó lại rất tốt cho quãng đường sau này của tôi. Sau bộ phim này, ý thức của tôi về việc học thoại trước khi quay rất cao. Có thể nói, nhờ được trải qua những yêu cầu nghiêm khắc đó mà tôi đã trưởng thành lên rất nhiều.

+ Anh có thể chia sẻ vài kỷ niệm đáng nhớ khi làm “Thầu Chín ở Xiêm”?

- Kỷ niệm thì nhiều nhưng tôi nhớ những lần sang Thái Lan quay mọi thứ đều khó chứ không được như ở trong nước. Vì thế, anh em trong ê kíp rất gắn kết, hỗ trợ nhau, ai cũng cố gắng đến hơn 100% khả năng của mình. Bởi vậy, khi hoàn thành công việc, ai cũng vui, cảm thấy như mình vượt qua được một thử thách.

Rồi đến khi phim được công chiếu ở Thái Lan, đúng vào dịp sinh nhật Bác. Sang đó, được chứng kiến tình cảm của kiều bào dành cho Bác Hồ, dành cho đoàn làm phim, tôi thực sự xúc động. Khi tiếp xúc với đồng bào, đón nhận những cái bắt tay, cái ôm thân mật… tôi có cảm giác đồng bào trân trọng mình hơn. Tham gia nhiều vai, tôi đã quá hiểu việc khán giả dành sự hâm mộ cho diễn viên rồi, nhưng ở đây đồng bào thể hiện những tình cảm yêu quý, trân trọng rất khó diễn tả. Tôi nghĩ, có được điều đó là nhờ mình được hóa thân vào vai Bác. Và đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với cá nhân tôi cũng như với mỗi người nghệ sĩ.

+ Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

T.Toàn (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-vien-manh-truong-vinh-du-khi-duoc-hoa-than-vao-mot-nhan-vat-lich-su-vi-dai-post262710.html