Điện thoại cố định 'mẹ con' gây nhiễu sóng mạng 3G: Do thiếu hiểu biết

Theo Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 (Cục Tần số vô tuyến điện), không ít gia đình dùng máy điện thoại kéo dài không dây (điện thoại 'mẹ con') chuẩn DECT 6.0, các thiết bị kích sóng trái phép tại Hà Nội đã gây can nhiễu mạng 3G… là do thiếu hiểu biết.

Nhiều vi phạm

Ông Lê Văn Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 70 trường hợp hộ gia đình ở các quận dùng điện thoại “mẹ con” chuẩn DECT 6.0 gây nhiễu sóng cho mạng di động 3G của Viettel, VinaPhone và MobiFone. Loại điện thoại cố định này là hàng xách tay, hoặc được người thân ở nước ngoài cho tặng. Đây cũng là loại thiết bị không được phép nhập khẩu vào thị trường trong nước. Loại điện thoại này được thiết kế cho thị trường Bắc Mỹ, có hoạt động trong dải băng tần từ 1.920 đến 1.930 MHz. Vì vậy, khi thiết bị này được sử dụng ở Việt Nam nó sẽ phát ra công suất gây nhiễu sóng cho mạng di động - vốn trùng với tần số được cơ quan quản lý nhà nước cấp cho 3G (1.800-2.100 MHz). Liên minh Viễn thông quốc tế ITU có quy hoạch tần số cho mỗi quốc gia thành viên có dải tần số nhất định, trên cơ sở đó từng quốc gia lại xây dựng quy hoạch về tần số cho riêng mình như dải băng tần thì dùng cho di động (2G, 3G, 4G…), dải băng tần dùng cho cố định, cho truyền hình… riêng biệt. Đó cũng là lý do của việc sử dụng các sản phẩm thiết bị viễn thông phải có yêu cầu hợp chuẩn - quy định của cơ quan quản lý nhà nước để tránh gây ảnh hưởng đến mạng lưới.

Điện thoại “mẹ con” chuẩn DECT 6.0 bày bán công khai.

Thực tế, loại máy “mẹ con” DECT 6.0 (ngoài máy chính, còn có thêm một hoặc vài (thường là 2) máy phụ có thể cầm di chuyển trong nhà trong cự ly nhất định) xuất hiện tại thị trường trong nước từ năm 2010, chủ yếu ở khu vực TP Hồ Chí Minh. Khi đó, cơ quan quản lý tần số cũng đã kiểm tra, khuyến cáo người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây thiết bị đã xuất hiện tại Hà Nội và gây can nhiễu cho các trạm gốc phát sóng (BTS). Trong năm 2015, cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện, xử lý 200 trường hợp là hộ gia đình, cá nhân sử dụng thiết bị điện thoại không hợp chuẩn này. 10 tháng đầu năm nay, trong số hơn 100 trường hợp dùng loại thiết bị này thì có tới 70 trường hợp gây ảnh hưởng đến chất lượng mạng 3G. Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã phân loại hơn 100 thiết bị chủng loại gây nhiễu sóng cho mạng viễn thông và công bố để người dân biết, tránh sử dụng.

Mới chỉ dừng ở vận động

Theo ông Lê Văn Tuyên, Trung tâm đã phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm trong sử dụng thiết bị kích sóng trái phép gây can nhiễu cho mạng di động. Người dân dùng điện thoại “mẹ con” DECT 6.0 vì sự tiện lợi, dùng thiết bị kích sóng trong nhà vì nhiều khi chất lượng sóng di động không bảo đảm… Nhưng, họ không biết rằng việc sử dụng thiết bị này đã làm giảm chất lượng dịch vụ của các nhà mạng khiến tỷ lệ rớt cuộc gọi tăng cao bất thường, suy giảm tốc độ kết nối, thậm chí làm gián đoạn kết nối mạng 3G, lại gây thiệt hại cho nhiều thuê bao khác.

Tuy nhiên, hiện việc xử lý người dân sử dụng máy điện thoại kéo dài không dây chuẩn DECT 6.0, dùng thiết bị kích sóng trái phép gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã có quy định của pháp luật về xử phạt các vi phạm này. Đội ngũ kỹ thuật phải mất không ít thời gian để dò tìm, đo kiểm nhằm tìm ra điểm can nhiễu, thậm chí, khi xác định được chính xác địa điểm, còn phải đấu tranh để phát hiện chính xác điểm gắn thiết bị (với hộ gia đình dùng thiết bị kích sóng). Lực lượng này cũng không ít lần gặp phải sự phản ứng mạnh của các gia đình, phần lớn do sự thiếu hiểu biết của người dân. Sau khi được phân tích, nhiều người đã hợp tác, ngừng sử dụng các thiết bị trái phép này. Nhưng, nhiều hộ dân, cá nhân vẫn cố tình không chấp hành. Có những trường hợp, cán bộ của Trung tâm phải mất 6-7 tháng vận động, huy động sự tham gia của cả tổ dân phố mới có kết quả.

Cục Tần số vô tuyến điện khuyến cáo, người dân nếu có nhu cầu sử dụng điện thoại không dây, nên mua những loại đã được dán nhãn chứng nhận hợp quy và tem chất lượng, đồng thời tham khảo thêm thông tin trước khi mua các thiết bị này.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/856731/dien-thoai-co-dinh-me-con-gay-nhieu-song-mang-3g-do-thieu-hieu-biet