Điện mặt trời áp mái: cho bán hay không?

Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Đang có những ý kiến trái chiều về việc này. Một số cho rằng nên cho bán lượng điện dư thừa không dùng đến mới khuyến khích đầu tư sử dụng loại năng lượng này. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu cho phép bán điện mặt trời vào lưới điện quốc gia thì sẽ khó khăn cho công tác điều độ, nguy hiểm cho an toàn lưới điện quốc gia.

Một hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh minh họa: TTXVN

Cần khuyến khích phát triển và tạo thị trường

Giám đốc một công ty có nhà xưởng 2.000 mét vuông tại ngoại thành Hà Nội cho biết, trước đây công ty này định đầu tư điện mặt trời áp mái tại đây để sử dụng, nếu thừa bán cho Điện lực Việt Nam. Song, hiện lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết đang nghe ngóng chính sách mới đầu tư. Bởi đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái tại khu nhà xưởng này hết khoảng một tỉ đồng. Nhưng nếu lượng điện dư thừa sản xuất ra không bán được thì lãng phí và không hợp lý.

Tại tọa đàm trực tuyến “Phát triển điện mặt trời mái nhà: Cơ chế nào phù hợp” tổ chức ngày 10-5, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group cho hay, chi phí đầu tư ban đầu cho điện mặt trời mái nhà xưởng rất lớn. Trong khi không phải lúc nào lượng điện sản xuất ra cũng sử dụng được hết. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp được bán điện cho các doanh nghiệp, đối tác khác để nhanh thu hồi vốn đầu tư điện mặt trời.

Ông An cho rằng Bộ Công Thương cần làm rõ về khái niệm tự sản tự tiêu. “Tự tiêu” là tự tiêu dùng hay tự tiêu thụ? Ông An thắc mắc như vậy bởi vì đến nay, rất nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền rất lớn để đầu tư chuyển đổi năng lượng. Nhưng họ sẵn sàng cho phép các đơn vị như Vũ Phong đầu tư điện mặt trời mái nhà rồi bán điện lại cho chính những nhà máy của họ tiêu thụ 100%, không bán lên điện lưới quốc gia.

“Vũ Phong đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy A rồi bán điện cho chính nhà máy A thì có được hay không? Nếu làm rõ được khái niệm tự sản tự tiêu thì sẽ tháo gỡ được nút thắt vốn đầu tư ban đầu cho điện mặt trời mái nhà”, ông An nói.

Theo ông An, thời gian qua, để lắp đặt điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp phải làm hồ sơ gửi UBND cấp tỉnh. Thế nhưng quy định về những yêu cầu trong hồ sơ như thế nào thì chưa rõ ràng. Vì vậy, Nghị định mới sẽ quy định rõ quy trình thủ tục xin cấp phép này.

Cũng tại tọa đàm trên, bà Nguyễn Phương Mai, chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo nhận định, chủ trương đầu tư điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời áp mái theo hình thực tự sản tự tiêu là đúng. Điều này sẽ giảm tải cho lưới điện quốc gia, đồng thời tận dụng hiệu quả tiềm năng điện mặt trời lớn ở Việt Nam.

Song theo bà Mai, nếu điện mặt trời không được bán hoặc chỉ được bán với giá 0 đồng, thì thị trường không có, sẽ không khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà. Nghị định đang được xây dựng cần tạo cơ chế cho phép điện mặt trời áp mái được tham gia vào thị trường mua bán điện tự do, được mua bán điện trực tiếp giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ.

Các chuyên gia cho rằng nếu điện mặt trời mái nhà không được bán, sẽ không khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà. Trong khi đó, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Trước đây, để khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, tháng 4-2017, Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg quy định giá mua điện mặt trời là 9,35 Uscents/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh – trong khi đó, giá bán điện bình quân năm 2017 là 1.720,65 đồng/kWh).

Đến tháng 6-2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, giá mua điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent/kWh (tương đương 1.943 đồng/kWh – trong khi giá bán điện bình quân lúc đó là 1.826,22 đồng/kWh).

Với giá điện được quy định hấp dẫn như trên, điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà đã phát triển bùng nổ. Tính đến thời điểm cuối năm 2020 đã có 8.642 MW điện mặt trời nối lưới vận hành, cao hơn 10 lần so với công suất đến 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch VII điều chỉnh (850 MW), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến 2025 là 4.000 MW.

Điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh, đến cuối 2020 có 7.864 MW được vận hành. Con số này nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên 16.506 MW, cao gấp 19 lần công suất phê duyệt Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Trong thời gian qua có sự tăng trưởng đột phá của các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có dự án điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà. Chính sách khuyến khích bằng cách đưa ra biểu giá FIT đã tạo động lực rất lớn, thúc đẩy tăng trưởng phát triển mạnh mẽ của các dự án.

Song bà Mai cho rằng, để các dự án năng lượng tái tạo, cũng như dự án năng lượng sạch nói chung phát triển, sự tiếp nối các chính sách cần phải có sự liên tục. Hiện quy định giá mua điện cố định FIT hết thời hạn, chưa có chính sách mới nào để tiếp nối làm chững lại trong thu hút các nguồn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, các dự án điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà.

Là doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông An cho hay thời điểm Nghị định 13 còn đang có hiệu lực, tất cả mọi người đều muốn làm điện mặt trời mái nhà nhưng để bán lại cho EVN – đó là giai đoạn phát triển bùng nổ. Sau giai đoạn đó, thị trường đã có sự chững lại.

Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, phát triển kinh tế xanh đòi hỏi phải phát triển năng lượng xanh. Nên ông An cho rằng, nhu cầu thị trường để phát triển điện mặt trời mái nhà vẫn đang rất lớn. Đặc biệt, nhu cầu năng lượng mặt trời dành cho các mái nhà xưởng, các khu công nghiệp. Bởi phát triển sản xuất xanh không thể không có năng lượng xanh.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ nội hàm “tự sản, tự tiêu” trong phát triển điện mặt trời. Ảnh minh họa: DNCC

Trong một diễn biến khác, ngày 8-5 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 205/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ. Trong đó có nội dung về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Theo đó, Chính phủ nhìn nhận đây là cơ chế, chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân chủ động một phần nguồn điện, sản xuất, phát triển xanh. Góp phần giảm áp lực về nhu cầu cung ứng điện lên hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm cung ứng điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ nội hàm “tự sản, tự tiêu” và một số nội dung để có thể thực hiện ngay khi nghị định được ban hành, không phải chờ thông tư hướng dẫn. Cần đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Trong đó, quy định việc nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào? Nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện. Bộ Công Thương cần hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ trong tháng 5 này.

Chỉ trước đó vài ngày, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức vào ngày 4-5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã cho biết, việc phát triển điện mặt trời mái nhà khuyến khích tự sản, tự tiêu dùng tại chỗ chứ không phục vụ cho mục đích kinh doanh, mua bán điện.

Phát triển nóng gây khó khăn cho điều độ

Để hoàn thiện dự thảo trên, ngày 4-5, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo tham vấn kỹ thuật với các chuyên gia của ngành này. Tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí Đại học Bách Khoa, cho biết về mặt kỹ thuật ông hoàn toàn ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong phát triển điện mặt trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.

Ông Dũng phân tích, Nhật Bản mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo và đến nay thì tổng công suất năng lượng tái tạo của nước này trong lưới điện quốc gia mới dao động trong khoảng 30 – 40%. Nhưng Việt Nam chỉ trong vòng 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5% – đây là một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam không thể nào điều độ được.

Ông Dũng cho biết, toàn bộ hệ thống nhiệt điện bây giờ luôn phải chạy ép để nhường lưới điện cho năng lượng tái tạo. Mà năng lượng mặt trời là năng lượng phi tuyến, chỉ cần một đám mây đi qua là lập tức tải giảm xuống ngay. Do đó không thể đưa đấu nối ở các dự án ngoài quy hoạch, bởi sẽ làm cho hệ thống lưới điện không ổn và cực kỳ nguy hiểm cho an toàn lưới điện quốc gia.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dien-mat-troi-ap-mai-cho-ban-hay-khong/