Điện lực TP. Cao Bằng: Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Thực hiện chủ đề năm 2021 'Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam', Điện lực TP. Cao Bằng đã tích cực triển khai các ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý kỹ thuật, kinh doanh và dịch vụ khách hàng trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi kỹ thuật số không phải là công việc của riêng bộ phận công nghệ thông tin, mà đó là sự quyết tâm của người đứng đầu đơn vị, là sự hợp tác của tất cả CBCNV trong đơn vị. Để chuyển đổi số được triển khai thành công tại một đơn vị, vai trò và trách nhiệm của các nhóm tham gia được phân chia rất rõ ràng cho từng thành viên. Vận dụng linh hoạt những điều trên vào công tác chuyển đổi số tại đơn vị, điện lực TP. Cao Bằng đã thành lập tiểu ban chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý kỹ thuật, sản xuất kinh doanh để triển khai các nhiệm vụ.

Các tổ chức năng chính là các nhân tố quan trọng, để bám sát kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, hoàn thiện các dữ liệu liên quan để đánh giá, phân loại thực hiện số hóa, làm nền tảng cho chuyển đổi số nhằm giảm nhân lực, tăng độ chính xác và tăng hiệu quả lao động; Đơn vị đã thành lập các tổ chức năng theo từng giai đoạn thực hiện lĩnh vực chuyển đổi số, như tổ chuẩn hóa ứng dụng dữ liệu hiện trường, tổ chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện, tổ làm sạch dữ liệu phần mềm, tổ theo dõi thu thập dữ liệu đo xa…

CBCVN đơn vị chung tay quyết tâm thực hiện chuyển đổi số

Kết quả triển khai đã đem lại tính hiệu quả cao như sử dụng phần mềm quản lý các máy biến áp, đơn vị cập nhật đủ thông tin 100% số lượng máy biến áp trên chương trình phần mềm, trong đó 100% máy biến áp đã được gắn điểm đo xa (kiểm tra các thông số từ xa), cũng trong lĩnh vực kỹ thuật, đơn vị đang ứng dụng tính toán tổn thất lưới điện trung thế và hạ thế.

Song song với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý kỹ thuật, đơn vị thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Số TBA đã chuẩn hóa được 418 TBA (đạt 100%), 31.831 khách hàng (đạt 100%) trên phần mềm CMIS; chuẩn hóa được 263 TBA (đạt 62,9%) trên lưới điện. Dự kiến công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng sẽ được hoàn thành trong năm nay. Việc hoàn thành chuẩn hóa số liệu này có ý nghĩa quan trọng trong công tác triển khai kế hoạch chuyển đổi số đảm bảo tính chính xác, tin cậy của số liệu.

Bên cạnh đó, công tác lắp đặt công tơ đo xa giúp thu thập các dữ liệu của công tơ điện như chỉ số công tơ và các thông số đã triển khai được 23.315/31.828 công tơ (đạt 73,2%). Đơn vị hiện còn 8.513 công tơ ghi trực tiếp, phấn đấu lắp đặt 100% công tơ đo xa đến năm 2025; công tác số hóa hợp đồng sinh hoạt, đơn vị sẽ hoàn thành trong năm nay.

Việc triển khai tuyên truyền khách hàng sử dụng điện thanh toán không dùng tiền mặt cũng được đơn vị triển khai quyết liệt, song song với việc phối hợp tuyên truyền của các Ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian, đơn vị đã giao chỉ tiêu phát triển khách hàng đăng ký thanh toán tự động qua ngân hàng đến cá nhân CBCNV trong đơn vị; hiện nay đơn vị đã đạt dc 71% lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt; tiến tới đơn vị sẽ triển khai phối hợp với Ngân hàng Agribank triển khai thu tiền điện qua tài khoản thanh toán phát hành thẻ và cấp hạn mức thấu chi đối với các khách hàng thuộc khu vực các xã nông thôn.

Khách hàng thực hiện ký số trên phần mềm ứng dụng hiện trường

Hiện 100% CBCNV có chức trách, nhiệm vụ được cấp chữ ký số và được áp dụng trong các ứng dụng quản lý nội bộ, xử lý văn bản. Thực hiện phát hành số 100% đối với văn bản đi, trừ các loại văn bản bắt buộc ký bản giấy theo quy định về công tác văn phòng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ngoài ra, việc nâng cao độ ổn định mạng WAN, thiết bị đầu cuối kết nối liên thông từ công ty đến đơn vị trực thuộc phục vụ cho các ứng dụng công nghệ thông tin. Thông qua kết nối, tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi xử lý công việc trên môi trường mạng, đã giảm đáng kể số lần đơn vị phải trực tiếp tập trung hội họp tại trụ sở công ty để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian đi lại…

Với các công cụ được áp dụng tại điện lực như E-OFFICE (phần mềm quản lý văn phòng), phần mềm quản lý kỹ thuật, quản lý phiên làm việc, các công cụ kiểm soát thông số lưới điện từ xa, phần mềm quản lý kinh doanh, ghi chỉ số từ xa góp phần không nhỏ tăng hiệu quả làm việc, đảm bảo an toàn lao động, cắt giảm chi phí vận hành. Đặc biệt, việc triển khai chuyển đổi số cũng đem lại những lợi ích thiết thực đối với khách hàng. Theo đó, khách hàng không mất thời gian đến các điểm giao dịch để thực hiện những yêu cầu về dịch vụ điện; thủ tục, hồ sơ được công khai, minh bạch.

Với những kết quả đạt được sau thời gian triển khai, các ứng dụng đã nhận được phản hồi tích cực từ phía CBCNV và khách hàng. Trong thời gian tới lãnh đạo đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể tới các bộ phận liên quan nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng dịch vụ, tăng năng suất lao động.

Lương Hồng Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-luc-tp-cao-bang-ung-dung-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-167845.html