Diễn kịch Việt bằng tiếng Anh

SGTT - Các tiểu phẩm trình diễn tại nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) đêm 24.6 không hề mới, được trích từ sêri hài Đời cười hoặc là tác phẩm sân khấu dân gian. Nhưng buổi diễn tổng duyệt của đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ lại khác ở ngôn ngữ: tất cả được khoác tấm áo tiếng Anh

Mặc dù diễn xuất cuốn hút nhưng tích tuồng “ông già cõng vợ đi hội” không phù hợp với tiếng Anh Được biết ý tưởng làm mới kịch bằng tiếng Anh của nhà hát Tuổi trẻ ra đời cách đây hơn một năm với mục đích thu hút một đối tượng khán giả đặc biệt đến với sân khấu: những người nước ngoài đang sinh sống, du lịch và học tập tại Việt Nam. Trước đây, nhà hát này đã có chương trình Perform to the World vào tối thứ tư hàng tuần dành cho các đoàn khách du lịch thưởng thức một số nét văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc. Tuy nhiên kịch vẫn là thế mạnh của các nghệ sĩ tại số 11 Ngô Thì Nhậm. Vì thế, quyết tâm vượt qua rào cản về ngôn ngữ, họ muốn thử làm việc chưa từng làm: diễn kịch hoàn toàn bằng tiếng Anh. Theo nghệ sĩ Nguyễn Sĩ Tiến, đoàn phó đoàn kịch 2, nghệ sĩ diễn bằng chính tiếng mẹ đẻ còn phải dày công luyện tập, nhập vai cho đạt, đây lại phải dùng ngoại ngữ, rất khó để truyền tải cảm xúc. Liên tục trong nhiều tháng, năm kịch bản Phòng trút giận, Qua sông, Chơi trò diễn ba diễn má, Ông già cõng vợ đi hội và Lá rụng được các nghệ sĩ và chuyên gia của trung tâm Anh ngữ Apollo chuyển ngữ sang tiếng Anh và luyện tập với cường độ cao. Có lẽ thế mạnh của dàn diễn viên trẻ và sự hỗ trợ hiệu quả của các chuyên gia nước ngoài đã đem lại kết quả khá bất ngờ. Mặc dù sử dụng ngôn ngữ khác, nhưng các tiểu phẩm như Phòng trút giận hay Chơi trò diễn ba diễn má vẫn khiến người xem thích thú. Nếu tinh ý, người xem sẽ thấy kịch bản chuyển ngữ khá khéo léo khi sử dụng các câu thoại tiếng Anh đơn giản, không phức tạp và dài dòng. Điều này tạo cơ hội cho diễn viên nắm bắt kịch bản mới cũng như nhập tâm cảm xúc và tình huống tốt hơn. Chắc chắn không chỉ người nước ngoài mà chính khán giả Việt Nam cũng sẽ thích thú với trải nghiệm độc đáo này. Thử nghiệm không thể tránh những điều chưa tới. Nếu các tiểu phẩm đề tài hiện đại, chiếc áo mới mặc khá vừa thì cuộc gán ghép ngoại ngữ với nghệ thuật sân khấu dân gian trong tích tuồng Ông già cõng vợ đi hội có thể gọi là thất bại. Dù phần thoại không nhiều nhưng một tiếng “honey” khó toát hết nổi từ “chàng” dù nghệ sĩ có nhập vai tới đâu, cách nói có âu yếm tới đâu bởi cái khác biệt là người chồng già, chưa nói tới ngôn ngữ tuồng vốn đã không giống bất cứ loại hình sân khấu dân gian nào. Bởi bản thân ngôn ngữ là một phần của những giá trị nghệ thuật đặc trưng của dân tộc, nên dành cho khán giả nước ngoài cơ hội khám phá hơn là “chế biến” với mục đích dễ hiểu nhưng lại trở thành… hiểu sai. Những suất diễn kịch bằng tiếng Anh của nhà hát Tuổi trẻ sẽ chính thức được khởi động từ tháng 7 tới. Chắc chắn nỗ lực vận động và làm mới của các nghệ sĩ sẽ được đón nhận bởi họ đã tạo nên không khí mới cho kịch nói. Nhưng dự án chỉ có thể sống được nếu tiếp tục có các tác phẩm phù hợp được lựa chọn để chuyển ngữ, đặc biệt là những vở chính kịch có giá trị sâu sắc.

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail88.aspx?columnid=88&fld=htmg/2009/0625/53390&newsid=53390