Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mê Kông: Kết nối kinh tế , phát triển bền vững

Trong 2 ngày 25 và 26/10, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mê Kông (ACMECS) lần thứ 7 và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mê Kông (WEF-Mê Kông).

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại diễn đàn

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực Mê Kông có 4/25 nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới năm 2015, trong đó Campuchia, Lào, Myanma tăng trưởng trên 7%, Việt Nam tăng trưởng 6,7% và Thái Lan đang phục hồi tích cực. Đây là điểm kết nối quan trọng ở Châu Á và là một thị trường giàu tiềm năng với dân số 240 triệu người và quy mô GDP trên 660 tỉ USD.

Hiện Việt Nam, có hơn 21,000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 300 tỉ USD, trong đó có các tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin như Fujitsu, Intel, Samsung, Nokia, Siemens, Acatel… với trên 90 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, GDP bình quân đầu người năm 2015 là trên 2.100 USD (nếu tính theo sức mua tương đương PPP là 5.600 USD). Mức tăng GDP bình quân 2016-2020 dự kiến là 6,5-7%/năm. Việt Nam đang trở thành quốc gia công xưởng sản xuất điện tử của khu vực.

Sự ra đời của cộng đồng ASEAN cuối năm 2015 cùng với sự phát triển của các hành lang giao thông trong tiểu vùng và các liên kết kinh tế trong khu vực đang mở ra không gian phát triển rộng lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, khu vực Mê Kông đang gặp không ít thách thức. Đó là khoảng cách phát triển với các nền kinh tế khác trong ASEAN còn lớn, lợi thế lao động chi phí thấp đang giảm dần, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo...

Phát biều khai mạc Diễn đàn WEF Mê Kông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ một số ý kiến quan trọng nhằm thực hiện hóa mục tiêu xây dựng cộng đồng tự cường, phát triển năng động, bền vững và gắn kết phát triển trở thành một khu vực hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội.

Theo đó, các nước Mê Kông cùng các đối tác trong và ngoài khu vực cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế Bắc-Nam, Hành lang Kinh tế phía Nam… Hiện Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng và các chuỗi sản xuất.

Các nước Mê Kông cùng với các nước ASEAN đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng một thị trường thống nhất vào năm 2025, theo đó cần hợp tác tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, đơn giản hóa và hài hòa quy trình, thủ tục trên các tuyến hành lang kinh tế.

Từ năm 2015, Việt Nam đã hợp tác với Lào thực hiện kiểm tra “một cửa, một lần dừng” trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây và đang phối hợp với Campuchia nghiên cứu áp dụng mô hình này trên tuyến đường cao tốc PhnômPênh - Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam cùng các nước Mê Kông tăng cường hợp tác du lịch hướng tới mục tiêu “5 quốc gia - 1 điểm đến” trên cơ sở phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của khu vực.

Thủ tướng cũng đồng tình với đánh giá của WEF về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu. Các nước Mê Kông không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đồng thời cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu cùng với hoạt động khai thác thiếu bền vững nguồn nước sông Mê Kông, đang đặt ra thách thức lớn đối với môi trường, an ninh lương thực và phát triển bền vững của khu vực Mê Kông, bao gồm cả Đồng bằng Sông Cửu Long - nơi đang xuất khẩu khoảng 7-8 triệu tấn gạo hàng năm. Đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Minh Hạnh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dien-dan-kinh-te-the-gioi-ve-khu-vuc-me-kong-ket-noi-kinh-te-phat-trien-ben-vung-44310.html