Diễn biến căng thẳng của cuộc chiến 5 ngày Nga - Gruzia

Nửa đêm về sáng ngày 8/8/2008, quân đội Gruzia bất ngờ dùng không quân, pháo binh, tên lửa xúc tiến chiến dịch mang tên 'Cánh đồng sạch' đánh phá các mục tiêu ở thủ phủ Tskhinvali và nhiều nơi khác tại Nam Ossetia.

Tiếp đó, lực lượng Gruzia với sự tham gia của xe tăng, pháo binh, tên lửa phòng không, máy bay, tàu chiến các loại... tổ chức 6 mũi tiến công chọc thủng tuyến phòng thủ của Nam Ossetia, đánh chiếm một số điểm cao xung quanh thủ phủ Tskhinvali, tiến công lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

Binh lính Gruzia tham chiến năm 2008. Ảnh: History.com

Gruzia quyết định tiến công quân sự vào Nam Ossetia là nhằm tái thiết lập quyền kiểm soát tỉnh ly khai này, đánh bật lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ra khỏi khu vực và mở đường cho lực lượng Mỹ-NATO vào, uy hiếp Abkhazia và ép Nga từ bỏ ý định giúp Abkhazia đòi độc lập, tạo điều kiện để NATO nhanh chóng kết nạp Gruzia.

Đến 17h45 ngày 8/8, Gruzia kiểm soát toàn bộ thủ phủ Tskhinvali và khu vực lân cận.

Đáp lại, Nga đã huy động lực lượng hải, lục, không quân phối hợp với các đơn vị LLVT Nam Ossetia và Abkhazia thực hiện chiến dịch “Cưỡng chế hòa bình” nhằm đáp trả hành động quân sự của Gruzia, khẳng định sức mạnh quân sự của Nga tại khu vực, bảo vệ công dân Nga, đồng thời ngăn cản ý định đẩy nhanh tiến trình kết nạp Gruzia vào NATO của Mỹ và phương Tây.

Một đoàn xe quân sự Nga đang vượt núi tiến về nơi giao tranh giữa quân đội Gruzia và lực lượng ly khai Nam Ossetia ngày 9/8/2008. Ảnh: History.com

Chiến dịch đánh trả của quân đội Nga được tiến hành trên 2 hướng: Nam Ossetia (6 mũi tiến công) và Abkhazia (4 mũi tiến công). Trước đòn tiến công phủ đầu của quân Nga, trưa ngày 11/8/2008, Tổng thống Gruzia Saakashvili phải ký văn kiện ngừng bắn, tuyên bố rút quân khỏi Nam Ossetia và sẵn sàng ký thỏa thuận không sử dụng vũ lực.

Ngày 12/8, phía Nga tuyên bố: “Chiến dịch quân sự của Nga nhằm buộc chính quyền Gruzia phải chấp thuận hòa bình đã đạt được, an ninh cho dân thường và các lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Ossetia đã được khôi phục”.

Cuộc chiến tranh 5 ngày đã gây cho cả 2 bên những thiệt hại đáng kể về người và phương tiện. Nhìn chung, quân đội Gruzia đã có bước tiến đáng kể về chiến thuật, nhất là trong tác chiến đô thị. Việc sử dụng lực lượng trinh sát đặc nhiệm, hệ thống tác chiến điện tử.. đã phát huy tác dụng, gây khó khăn cho hệ thống thông tin liên lạc và tác chiến điện tử của Nga. Vũ khí trang bị kỹ thuật được Gruzia sử dụng trong cuộc xung đột này hầu hết là vũ khí công nghệ cao.

Tuy nhiên, Gruzia thất bại và chịu thiệt hại nặng là do dự báo không chính xác về mức độ phản ứng bằng quân sự của Nga, khiến kế hoạch tiến công của bị thất bại nhanh chóng và nặng nề.

Binh lính Gruzia di chuyển bằng xe dân sự sau khi xe thiết giáp của họ bị phá hủy gần Gori ngày 11/8/2008. Ảnh: History.com

Gruzia chưa tổ chức được mạng lưới phòng không hiệu quả; vũ khí chủ yếu lệ thuộc vào nước ngoài; việc xây dựng và bố trí căn cứ chốt chặn tại các tuyến phòng thủ thực hiện chưa tốt; tổ chức điều động lực lượng, hiệp đồng tác chiến và bảo đảm kém; không giữ được bí mật các hoạt động tác chiến; chưa dự báo được khả năng không quân Nga không kích vào sâu trong lãnh thổ nên bị bất ngờ... Hậu quả là quân Gruzia nhanh chóng rơi vào tâm lý hoảng loạn, dẫn đến mất sức chiến đấu.

Nga đã dự báo được ý đồ tiến công quân sự của Gruzia vào Nam Ossetia và đã có sự chuẩn bị cho cuộc xung đột. Đây là cuộc chiến chưa từng có về quy mô cơ động lực lượng và phương tiện trong một thời gian ngắn của quân đội Nga kể từ khi Liên Xô tan rã (1991).

Việc sử dụng các mũi đột kích mạnh của các đơn vị đổ bộ đường không đánh bất ngờ vào hậu phương đối phương đã góp phần làm cho cuộc chiến kết thúc sớm. Đặc biệt, các thủ thuật nghi binh đánh lừa của Nga đã làm cho bộ tham mưu Gruzia hoàn toàn bị bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Tuy nhiên, kỹ năng tác chiến quy mô lớn của quân Nga chưa thuần thục. Nga mới sử dụng một phần vũ khí hiện đại công nghệ cao nên chưa phát huy được sức mạnh trong tác chiến. Hệ thống thông tin tình báo chưa cung cấp kịp thời các hoạt động di chuyển, bố trí lực lượng của quân Gruzia.

Hệ thống thiết bị điều khiển hỏa lực lạc hậu nên không sử dụng các loại bom, đạn, tên lửa có điều khiển với độ chính xác cao. Hệ thống tác chiến điện tử chưa chế áp được hệ thống thông tin liên lạc, điện tử của Guzia. Điều này cho thấy, quân đội Nga thời điểm ấy chưa sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao.

Nguyên Phong

>>> Cập nhật tin quân sự mới nhất trên VietNamNet

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dien-bien-cang-thang-cua-cuoc-chien-5-ngay-nga-gruzia-819101.html