Điện ảnh lan tỏa giá trị văn hóa

Nhờ tích hợp nhiều tính năng, sự phong phú thể loại, cùng khả năng trình chiếu, quảng bá hướng đến đa dạng đối tượng khán giả, điện ảnh trở thành phương tiện nghệ thuật nổi trội trong việc kết nối, lan tỏa, truyền đi thông điệp về văn hóa, giá trị nhân văn dân tộc.

Nét riêng từ bản sắc

Bằng ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật riêng, điện ảnh chính là cầu nối để kết nối, lan tỏa văn hóa theo nhiều cách. Đồng thời, văn hóa chính là tư liệu giá trị tham gia và góp phần tạo nên chất lượng nội dung và nghệ thuật cho tác phẩm, nhất là khi điện ảnh Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình, đa dạng và phong phú với nhiều thể loại. Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội thảo "Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa" sáng 10.11, trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI.

Hội thảo "Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa", sáng 10.11, trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI

Nhìn lại từ giai đoạn sơ khai của điện ảnh Việt Nam, bộ phim Con chim vành khuyên (1962) của hai đạo diễn Nguyễn Văn Thông và đạo diễn Trần đã đạt được giá trị cao khi chọn những chi tiết đặc trưng Việt Nam như ngôi nhà, rặng tre, dòng sông, đôi bờ… tạo nên chất thơ dung dị và chân thật. Đến thời kỳ đổi mới, bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười (1984)của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn trên nền tảng địa văn hóa làng quê Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của người xem trong nước và thế giới.

Nhiều bộ phim nước ngoài khai thác giá trị văn hóa bản địa Việt Nam như Đông Dương (1992), Người tình (1992), Điện Biên Phủ (1993), Người Mỹ trầm lặng (2001)… Nhiều nhà làm phim Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm phim, mang theo luồng sinh khí mới, cách nhìn, cách nghĩ, cách thể hiện khác về Việt Nam giới thiệu với công chúng thế giới. Có thể kể đến đạo diễn Trần Anh Hùng với phim Mùi đu đủ xanh (1993) và Mùa hè chiều thẳng đứng (2000), đưa góc nhìn của ký ức, sự quan sát tinh tế để diễn đạt văn hóa Việt Nam một cách độc đáo.

Phim "Mùa len trâu" của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đậm đặc
hình ảnh miền đất đồng bằng sông Cửu Long - Nguồn: ITN

Gần đây, nhiều phim của đạo diễn trẻ như Lương Đình Dũng với phim Cha cõng con (2017); Leon Lê với phim Song lang (2018); Bùi Kim Quy với phim Miền ký ức (2021)... giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế vì đã khai thác yếu tố văn hóa bản địa một cách tinh tế, mới mẻ và sâu sắc.

Tại liên hoan phim Las Palmas de Gran Canaria lần thứ 21 diễn ra tại Tây Ban Nha (4.2022), Ban giám khảo đã nhận định về bộ phim Miền ký ức: “Một bộ phim đặt câu hỏi về sự tồn vong của linh hồn về một nền văn hóa, cũng như người chết, thông qua các nghi thức tang lễ, trong một xã hội đấu tranh giữa truyền thống và hiện đại, tâm linh và chủ nghĩa duy vật. Bộ phim có một câu chuyện phức tạp nhưng uyển chuyển và những hình ảnh mạnh mẽ cùng với sự diễn xuất tinh tế và cảm động của dàn diễn viên”.

Một cảnh trong phim "Miền ký ức" của đạo diễn Bùi Kim Quy - Nguồn: ITN

Trưởng khoa Nghệ thuật Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, TS. Trần Quang Minh nhận định, bản sắc văn hóa dân tộc giúp các nhà điện ảnh tìm ra cách sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, tạo nên bản sắc riêng của điện ảnh dân tộc. "Điện ảnh mang đậm chất thơ và tính nhân văn sâu sắc được tạo nên từ chất liệu văn hóa Việt Nam. Đó chính là nét đặc sắc riêng của điện ảnh Việt Nam trong sự hòa nhập và phát triển chung với nghệ thuật điện ảnh thế giới".

Nỗ lực đưa chất Việt vào phim

Mặc dù đã có những dấu ấn nổi bật, song đến nay số lượng phim Việt kết nối, truyền tải, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam vẫn còn khá dè dặt và khiêm tốn. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, để hòa nhập nhưng không hòa tan, môn nghệ thuật thứ bảy phải có bước tiến rõ ràng hơn trong nỗ lực đưa chất Việt vào phim.

Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, bằng con đường cảm nhận nghệ thuật nghe - nhìn, các giá trị văn hóa đã được lan tỏa, thẩm thấu từ phim ảnh đến mọi đối tượng khán giả. Mỗi bộ phim có chất lượng, tính hấp dẫn cao thường mang đến cho người xem xúc cảm, bài học đạo lý, những cách ứng xử tinh tế và các giá trị văn hóa một cách nhanh nhạy và có độ phổ biến rộng lớn.

Phim "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim thế giới - Nguồn: ITN

Nhiều bộ phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc... mới chỉ được trình chiếu phổ biến ở Việt Nam khoảng trên dưới ba thập niên, nhưng tác dụng của nó đến hiểu biết lịch sử, văn hóa của người Việt đối với hai quốc gia này khá lớn mà không có sách vở tài liệu, hay sự thuyết giảng sư phạm nào đạt được như thế. Rõ ràng, thông qua phim ảnh, một đất nước có thể mở cửa, giới thiệu với cả thế giới về đất nước, thiên nhiên, phong cảnh cùng các tập tục, nét văn hóa, bản sắc riêng, nhằm đem đến cho khán giả những điều "trăm nghe không bằng mắt thấy".

"Gắn trường quay điện ảnh và truyền hình với du lịch, văn hóa, sử dụng bối cảnh các bộ phim tiêu biểu được khán giả yêu thích từ trước đến nay luôn là động cơ và mục tiêu của nhiều quốc gia, nhiều nền điện ảnh và truyền hình. Đây cũng là bài học cho các nhà làm phim Việt Nam. Đó không chỉ là cách đưa văn hóa đến gần người xem trong nước, mà còn là cách để đưa phim đi xa hơn, và ghi dấu ấn riêng với khán giả thế giới", PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/dien-anh-lan-toa-gia-tri-van-hoa-i306957/